Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 21:12 (GMT +7)
Chuyện ở “ốc đảo” Hà Loan
Thứ 2, 23/09/2024 | 09:01:39 [GMT +7] A A
Thôn Hà Loan (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) không còn là ốc đảo đã 5 năm qua sau khi con đường 1km được hoàn thành. Con đường đã phá vỡ nỗi ám ảnh đi thuyền, hay lội bùn tùy theo con nước lên xuống. Đến Hà Loan hôm nay, hình ảnh những ngôi nhà kiên cố nằm trên những triền đồi thấp nhấp nhô đan xen là cánh đồng lúa xanh mướt mang lại cảm giác thanh bình đậm sâu trong lòng người.
Một thời khó khăn...
Chúng tôi đến thôn Hà Loan vào một buổi chiều sau khi cơn bão số 3 càn quét qua Quảng Ninh khoảng 10 ngày. Từ trung tâm xã Cộng Hòa, chúng tôi đến thôn Hà Loan trên con đường bê tông uốn lượn qua những quả đồi trồng keo và những cây sim, mua, bằng lăng… Thỉnh thoảng gặp một số cây đổ rạp nằm phơi mình trong nắng hanh.
Con đường bê tông rộng khoảng 3m, hai bên được xây kè kiên cố với phần chân mở rộng, thu hẹp lên trên. Những cọc tiêu hai bên được sơn trắng, bên trên màu đỏ thẳng tắp. Ngay đầu thôn Hà Loan là một cổng chào thiết kế rất đẹp, hình vòng cung, hai đầu đua ra như mũi thuyền trước sóng đứng sừng sững oai nghiêm.
Trong thôn, đường trục bê tông chạy thẳng tắp, hai bên có hàng rào bằng tre gối lên nhau. Những hàng hoa đang nở đủ màu sắc. Những ngôi nhà cấp 4 mái thái kiên cố nằm lấp ló trên những quả đồi thấp, phía dưới là cánh đồng lúa xanh mướt đang vươn mình.
Hà Loan tạo nên sự thanh bình khác hoàn toàn với sự ồn ào, tấp nập đô thị hóa ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Dừng tại ngôi nhà mái bằng nằm ở trục đường chính, anh cán bộ dẫn đường tên Nam cho biết đây là nhà của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình. Chủ nhà niềm nở chào đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt. Không giống như nhiều người miền biển, anh Bình có nước da trắng, giọng nói nhẹ nhàng, nhìn anh không ai nghĩ rằng người đàn ông này đã ở tuổi 51.
Anh Bình bảo cuộc sống ở Hà Loan bây giờ khác nhiều rồi. Con đường nối thẳng ra đảo đã mang lại cho vùng đất này nhiều thay đổi. Trước đây khi chưa có đường, việc vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn. Giữa thôn Hà Loan với đất liền chỉ cách nhau 1km, nhưng đó là cả một khoảng cách lớn. Vật liệu xây dựng chuyển ra đến ngoài này giá đội gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
Đặc biệt là việc vận chuyển người ốm đau khi cần cấp cứu, nước lên thì đi thuyền, còn nước xuống phải huy động thanh niên thay nhau cáng qua bãi đầm. Rồi việc học sinh lên cấp 2 phải vào trong trường chính học.
Trước đây thôn Hà Loan không đủ đảng viên để thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép tại Chi bộ thôn Sơn Hải. Từ năm 2008 Chi bộ thôn Hà Loan được thành lập, có 7 đảng viên, hệ thống chính trị của thôn đầy đủ 5 đoàn thể và 8 chức danh theo quy định.
Chi bộ thôn Hà Loan thường xuyên tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, thành phố và xã Cộng Hòa. Do đó, trong thời gian qua, toàn thôn đã phát huy được tinh thần đoàn kết, cùng nhau thi đua lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Thôn Hà Loan hiện có 74 hộ dân với gần 300 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc, phần lớn là người Kinh và Sán Dìu. Người dân nơi đây sống bằng nghề làm ruộng (1 năm 2 vụ lúa); đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Theo Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình, tuy chưa có sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế, nhưng đời sống của người dân nơi đây đã ổn định. Nếu năm 2010, số hộ nghèo chiếm 40% trong tổng số hộ của toàn thôn, thì hiện nay thôn không còn hộ nghèo và cận nghèo. Một số hộ có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm; chủ yếu là kinh doanh tổng hợp, nuôi trồng thủy sản.
Đơn cử hộ ông Châu Quốc Tuấn (52 tuổi) là hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Tuấn cho biết: Từ khi làm con đường từ thôn Hà Loan ra bên ngoài phá vỡ thế độc đạo ốc đảo này, nắm bắt được cơ hội đó, gia đình tôi đã mở kinh doanh mặt hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn. Với truyền thống nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của người dân trong thôn, tôi thu mua của bà con cung cấp cho các nhà hàng tại địa bàn. Giờ đây điều kiện kinh tế của gia đình có của ăn của để, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm.
...và định hướng phát triển du lịch sinh thái
Thôn Hà Loan có diện tích tự nhiên khoảng 300ha, được ví như cái “mâm” khổng lồ nằm trên cánh rừng ngập mặn rộng lớn. Hà Loan vốn có tên gọi cũ là làng Hà Giụm, được thiên nhiên ban tặng tiềm năng lợi thế không phải nơi đâu cũng có như: Hồ nước ngọt, rừng ngập mặn, đồi sim, nguồn lợi thủy sản…
Ông Trương Văn Hồng (76 tuổi, dân tộc Sán Dìu) là người uy tín của thôn Hà Loan, kể rằng: Gia đình tôi sinh sống ở đây nhiều đời. Từ thời các cụ truyền lại rằng Hà Loan là vùng đất địa linh trong lành để con người sinh sống, phát triển, nên đã chuyển từ vùng đất Đầm Hà (ngày nay) về đây an cư lập nghiệp.
Ở Hà Loan dù thủy triều dâng hay có bão to vẫn yên tâm không bao giờ bị ngập. Minh chứng cụ thể là cơn bão số 3 vừa qua, nhiều thôn, nhiều làng trong xã bị thiệt hại, nhưng Hà Loan vẫn đứng vững, chỉ vài cây đổ, mức thiệt hại không đáng kể.
Nhận thấy những lợi thế sẵn có, đầu năm 2024 người dân ở đây đã làm đơn đề nghị thành lập làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hà Loan Trương Văn Bình thông tin: Chúng tôi đã trực tiếp khảo sát tại các địa phương triển khai thành công mô hình du lịch cộng đồng như tại xã Yên Đức (TX Đông Triều), xã Sơn Dương (TP Hạ Long)... và thấy rằng du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Mô hình du lịch này nếu hình thành và phát triển dựa trên cơ sở văn hóa do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và thụ hưởng, nguồn thu sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn thiên nhiên và các giá trị văn hóa của địa phương.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số khu vực nằm trong Đề án làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trương Văn Bình giới thiệu hồ nước ngọt có diện tích khoảng vài ha cung cấp nước ngọt phục vụ trồng lúa nước sẽ được cải tạo thành khu du lịch… Hay khu vực ao sen sẽ thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng để du khách du ngoạn ngắm cảnh; khu vực miếu Hà Giụm sẽ được đầu tư, cải tạo nâng cấp thành nơi tổ chức lễ hội theo phong tục văn hóa mang đặc trưng địa phương.... Thôn Hà Loan cũng tận dụng khu vực tiếp giáp biển là bãi triều để tổ chức trải nghiệm đánh bắt hải sản, câu cá, chèo thuyền kayak và hoạt động thể thao dưới nước...
Bày tỏ việc người dân rất mong muốn xây dựng, phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan, ông Trương Văn Hồng chỉ vào ngôi nhà cấp 4 kiên cố đang để không, bảo rằng ngôi nhà này ông đang định sửa chữa lại cho khang trang để du khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm khi thăm đảo, tìm sự cân bằng.
Còn bà Triệu Thị Minh (70 tuổi, người dân thôn Hà Loan) đang thu gom rác thải trên con đường trục thôn bày tỏ, người dân mong muốn thôn Hà Loan sẽ thu hút được nhiều khách du lịch. Con đường bê tông này rất thích hợp cho du khách đi xe đạp tham quan các khu vực trong thôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa Điệp Văn Nguyên, quan điểm của địa phương là mong muốn thôn Hà Loan phát triển mô hình du lịch sinh thái để người dân được thụ hưởng những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Điều đó mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường. Do đó rất cần các doanh nghiệp đầu tư cùng người dân xây dựng làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan sớm thành hiện thực.
Đến Hà Loan, chúng tôi cảm nhận về một vùng quê xinh đẹp được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan làm xao xuyến, lay động lòng người; những đồi sim nhấp nhô, những khu ruộng bằng phẳng tạo nên khung cảnh nên thơ, các hồ nước trong lành, thoáng đãng, các hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú… Tất cả những điều kiện đó là cơ sở vững chắc để tạo nên làng du lịch cộng đồng thôn Hà Loan - Tại sao không?
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()