Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 00:23 (GMT +7)
Chuyện thợ lò thu nhập cao
Thứ 3, 12/04/2022 | 08:56:57 [GMT +7] A A
Trên 3.240 thợ lò có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm là thống kê năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong đó, nhiều người có mức thu nhập gần đạt ngưỡng 500 triệu đồng/năm, tương đương hơn 41 triệu đồng/tháng.
Thu nhập gần nửa tỷ đồng một năm
Công ty CP Than Hà Lầm (Vinacomin) có số lượng lớn thợ lò thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; trong đó có người thu nhập tới 475 triệu đồng/năm.
“Nghề thợ lò mang lại cho tôi cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, đó là chia sẻ của anh Bùi Văn Nhất, Tổ trưởng sản xuất, Công trường Cơ giới hóa khai thác 2, Công ty CP Than Hà Lầm. Minh chứng cho lời chia sẻ đó là những thành quả trong lao động sản xuất và cuộc sống của anh.
Trong thời gian công tác, anh Nhất luôn thực hiện tốt ngày giờ công làm việc, trung bình hằng tháng anh đều đạt trên 24 công, năng suất lao động luôn đạt mức cao của công ty và Tập đoàn. Trong 3 năm (2016-2018) anh luôn đứng trong tốp thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, anh nằm trong tốp có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Tiền lương bình quân một tháng của anh đều bằng 200-350% lương bình quân thực hiện của khối khai thác và của toàn công ty. Vợ chồng anh Nhất có một tổ ấm hạnh phúc với 2 con nhỏ và 1 ngôi nhà khang trang giữa lòng TP Hạ Long.
Anh Nhất chia sẻ: Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hà, Hải Dương. Năm 1998 sau khi tốt nghiệp nghề khai thác mỏ hầm lò tại Trường Đào tạo nghề mỏ hữu nghị Việt - Xô với tay nghề bậc thợ 4/6, tôi được nhận vào Công ty CP Than Hà Lầm. 5 năm sau khi vào công ty, tôi đã đạt danh hiệu thợ giỏi chuyên ngành khai thác cấp Tập đoàn, sau 10 năm công tác, tôi đạt bậc thợ 6/6, bậc thợ cao nhất đối với ngành khai thác than, rút ngắn quãng đường so với nhiều thợ mỏ.
Được anh em trong tổ tín nhiệm, anh Nhất được lãnh đạo công ty bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ sản xuất, phụ trách công tác chỉ huy sản xuất tại lò chợ mức -36 -:- +12, khu 3, vỉa 10 - lò chợ đầu tiên của công ty cũng như ngành than Việt Nam. Anh đã dẫn dắt tổ áp dụng thành công công nghệ khai thác bằng giá khung di động GK, một công nghệ khai thác than tiên tiến của ngành than thời điểm đó và đạt kết quả cao về cả sản lượng, thu nhập.
Là tổ trưởng sản xuất, anh Nhất luôn bố trí công việc phù hợp theo từng tay nghề, bậc thợ, quản lý tốt thiết bị công nghệ, đặc biệt luôn động viên anh em chịu khó, nâng cao tay nghề. “Tôi thường nói với anh em trong tổ, cùng một công đi làm ướt áo thì phải thu được gì, đó chính là hiệu quả làm việc và ngày công cao. Đây cũng là tiêu chí sống còn để có được đồng lương cao” - Anh Nhất chia sẻ.
Hiện tổ của anh sản xuất được khoảng 2.000 tấn/ca; thu nhập bình quân 30-40 triệu đồng/người/tháng, thuộc tốp đầu so với các đơn vị ngành than. Nhiều năm qua, tổ sản xuất do anh phụ trách không có công nhân vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm pháp luật, không có tai nạn lao động nghiêm trọng.
Lò chợ là nơi rất nhiều người nghĩ đến đã thấy vất vả, bởi khai trường sản xuất luôn gặp khó khăn về điều kiện khai thác, áp lực mỏ, địa chất không ổn định, hệ thống vận tải than, vận chuyển vật tư thiết bị, đường đi lại của công nhân phức tạp…
Nhưng chính những nhiệm vụ trọng trách nặng nề đã làm cho anh Nhất luôn trăn trở, thêm quyết tâm gắn bó với công việc và đang cùng công ty đổi mới phát triển. 24 năm công tác, anh Nhất đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Những nỗ lực đó đã giúp tổ của anh luôn về nhất trong các phong trào thi đua của công ty, Tập đoàn. Cá nhân anh đã nhiều lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp công ty, cấp Tập đoàn, được nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương.
Tại Công ty Than Dương Huy, số lượng thợ lò có thu nhập cao cũng không ít. Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: Hằng năm, công ty có khoảng 300-400 thợ lò thu nhập trên 300 triệu đồng. Năm 2020 có 8 thợ lò thu nhập ở mức trên 400 triệu/người, năm 2021 là 30 thợ lò. Mục tiêu năm 2022 công ty sẽ có khoảng 500 người đạt thu nhập 300 triệu đồng, phấn đấu có 50 thợ lò đạt thu nhập trên 400 triệu đồng.
Gặp gỡ thợ lò Nguyễn Viết Hùng, công nhân Phân xưởng Khai thác than 9 (Công ty Than Dương Huy), năm 2021 đạt thu nhập 457 triệu đồng, chúng tôi nhận thấy đây là một người có ý chí vượt khó vô cùng mạnh mẽ. Dù gia cảnh có nhiều khó khăn khi vợ và con đều bệnh nặng, tốn kém nhiều chi phí chữa trị, song anh vẫn luôn phấn đấu không biết mệt mỏi.
Với trách nhiệm của 1 gương trưởng, anh Hùng rất chịu khó và lăn lộn với công việc. Anh thường xuyên là người đầu tiên vào vị trí sản xuất và cũng là người cuối cùng rời khỏi đó khi mọi việc đã hoàn tất, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho ca sản xuất sau. Với Nguyễn Viết Hùng, càng khó khăn thì ý chí phấn đấu càng phải cao để vượt qua chứ không lùi bước, không nản chí.
Nguyễn Viết Hùng luôn luôn nỗ lực, phấn đấu, học hỏi để làm tốt công việc, nên dù là đã có 17 năm làm giá XDY và mới chỉ chuyển sang công nghệ giá khung ZH 1600/16/24F, anh vẫn là một thợ mỏ lành nghề, tiếp cận, ứng dụng rất nhanh công nghệ mới. Là nhóm trưởng nhóm 6 người, có những thời điểm, nhóm của anh Hùng đã đi hết 7 vì/ca, mức năng suất mà ít người đạt được (1 vì tương đương 9,5m2).
"Tôi có duyên và hợp với nghề lò, nên 17 năm công tác chưa từng một lần bị tai nạn lao động, chỉ đôi lần va chạm nhỏ. Nhưng ai cũng hiểu, có duyên hay phù hợp chỉ đúng một phần, phần lớn phụ thuộc vào trình độ, tay nghề, vào sự quan sát tỉ mỉ, ý thức trách nhiệm và tinh thần thi đua lao động, không ngừng phấn đấu, học hỏi trong công việc." - Nguyễn Viết Hùng tâm sự.
Quản đốc Phân xưởng Khai thác than 9 Phạm Thành Tâm đánh giá: Nguyễn Viết Hùng là một trong những trụ cột quan trọng của đơn vị, đặc biệt trong giai đoạn thay đổi công nghệ mới Hùng được cử đi học để về hướng dẫn anh em trong phân xưởng thao tác sử dụng. Hùng đã giúp nhiều học sinh thực tập và thợ lò trẻ về công tác tại phân xưởng nâng cao trình độ chuyên môn, gắn bó, yêu nghề và yên tâm công tác.
Những nỗ lực, cố gắng phấn đấu của Nguyễn Viết Hùng được chứng minh qua chính thu nhập anh đạt được. Từ năm 2018 đến nay, Nguyễn Viết Hùng ghi tên trong tốp thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và tăng dần qua từng năm. Anh cũng nhận được nhiều bằng khen của TKV; đạt danh hiệu Thợ giỏi xuất sắc cấp Tập đoàn, được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V của TKV…
Hơn 3.000 thợ lò thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Theo báo cáo của TKV, số lượng thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm những năm gần đây liên tục tăng mạnh. Năm 2018, số thợ lò của 14 công ty khai thác than hầm lò trên địa bàn tỉnh có mức thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên chỉ hơn 700 người, thì năm 2019 đã lên tới hơn 2.600 người.
Ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn TKV, cho biết: Theo tổng hợp từ các công ty than, năm 2021, số thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng là hơn 3.240 người. Đứng đầu trong các công ty khai thác than có số thợ lò đạt thu nhập cao là Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Mạo Khê…
Số thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên của Công ty CP Than Vàng Danh luôn ở mức hơn 350 người. Ít hơn số lượng thợ lò có thu nhập cao của Công ty Than Vàng Danh, nhưng Công ty CP Than Hà Lầm lại thường có số lượng lớn thợ lò đạt thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, trong đó có người thu nhập tới 475 triệu đồng/năm.
Lý giải về mức thu nhập của thợ lò và số lượng thợ lò có mức thu nhập cao tăng, đại diện các công ty than cho rằng chủ yếu là do sản lượng tăng, nhờ đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào khai thác. Bên cạnh đó, bản thân các thợ lò cũng luôn ý thức học hỏi, nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất trong thời đại công nghệ mới.
Mặc dù lương cao, nhưng công việc của người thợ lò rất nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại; thời gian công tác của thợ lò thường ngắn hơn so với các ngành nghề khác vì không còn đủ sức khỏe khi tuổi ngày càng cao. Trong khi đó, dù làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nhưng thợ lò vẫn phải đóng thuế thu nhập cao như bất cứ ngành nghề nào.
Vì thế, để thợ lò thu nhập cao ngày càng tăng, TKV đang tiếp tục có những chế độ chính sách tốt hơn cho thợ lò. Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân cho biết: Việc xem xét giảm hoặc miễn thuế thu nhập cho thợ lò đã được ngành than nhiều lần kiến nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thợ lò thu nhập cao tăng, đó cũng là con số thể hiện sự phát triển của ngành than, là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ người thợ. Hơn 3.000 thợ lò có thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/người/năm vẫn còn là con số khá khiêm tốn so với số lượng 85.000 lao động toàn ngành than. Vì thế, hy vọng số lượng thợ lò có thu nhập cao tới đây sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân. Khi đã có thu nhập cao, người lao động chắc chắn sẽ gắn bó với ngành nghề và khi đó việc tìm kiếm thợ lò cũng sẽ không còn là bài toán khó giải đối với ngành than.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()