Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:56 (GMT +7)
Lời giải cho bài toán tuyển dụng thợ lò
Thứ 6, 01/04/2022 | 13:59:35 [GMT +7] A A
Nhiều năm trước, vấn đề tuyển dụng lao động hầm lò là bài toán khó với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vì tình trạng "tuyển một, bỏ hai" tiếp diễn, thường xuyên thiếu lao động, ảnh hưởng đến những kế hoạch sản xuất. Song việc khai thác đúng thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo thợ lò, tăng cường đãi ngộ thỏa đáng đã giúp TKV từng bước ổn định nguồn nhân lực hầm lò cho các mỏ.
7 năm trước, cuộc sống của gia đình anh Lê Văn Dương ở huyện Tiên Yên rất khó khăn. Cả nhà với 4 miệng ăn chỉ trông vào thu nhập bấp bênh từ công việc phụ hồ của hai vợ chồng. Cơ may đến với anh kể từ khi có cán bộ tuyển sinh của Công ty Than Mông Dương về vùng quê Tiên Yên tìm kiếm những lao động phù hợp. Nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, anh Dương nộp đơn xin vào làm thợ lò ở Than Mông Dương. Từ đó, vợ chồng Dương chính thức đổi đời.
“Công việc thợ lò tuy có vất vả, nhưng là nghề mang lại kinh tế cho gia đình tôi. Ở xóm tôi, nhiều thanh niên cũng ra mỏ làm thợ lò, khấm khá hơn trước nhiều lắm. Công ty còn hỗ trợ xe đưa, đón nên chúng tôi rất yên tâm công tác” - anh Lê Văn Dương chia sẻ.
Từ năm 2018 đến nay, Than Mông Dương đã tập trung khai thác thị trường lao động ở khu vực miền Đông của tỉnh, chủ yếu ở các huyện như Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà. “Đây là những khu vực dồi dào nguồn lao động trẻ, có điều kiện cư trú, đi lại thuận tiện hơn so với những lao động ngoại tỉnh. Đồng thời, duy trì việc đưa, đón công nhân đã giúp Than Mông Dương tuyển dụng được một số lượng lớn lao động địa phương có sức khỏe tốt, chăm chỉ, có tính kỷ luật, nhanh chóng bắt nhịp được với yêu cầu công việc. Đến nay, Công ty đã tuyển được hơn 700 thợ lò là người dân ở những địa bàn này” - ông Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty cho biết.
Thay vì tốn thời gian, chi phí, công sức để đi tuyển dụng lao động các tỉnh Tây Bắc như trước kia; thì nay, khai thác thị trường lao động trong tỉnh là một cách làm hiệu quả với các mỏ như: Than Mông Dương, Than Khe Chàm, Than Thống Nhất... Đây là các mỏ có địa bàn hoạt động gần với các huyện miền Đông của tỉnh, phù hợp việc đưa, đón, giữ chân thợ lò.
Hiện nay, phần lớn lao động hầm lò của TKV vẫn đang được tuyển dụng qua kênh của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Vì vậy, hằng năm, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các đơn vị, cá nhân gắn với đơn giá tiền lương, thu nhập. Trong đó, giải pháp căn cơ chính là kết nối nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp với nhu cầu việc làm của nhân dân ở các địa phương. Vậy nên, nhà trường đã xây dựng cầu nối vững chắc với chính quyền các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với nhân dân.
“Hiện, nhà trường đã ký quy chế phối hợp với 26 huyện thuộc 9 tỉnh, thành để cùng với địa phương làm công tác tuyên truyền, đưa lao động đi đào tạo và công tác tại các đơn vị thuộc TKV. Nhờ đó, năm 2021, tỷ lệ tuyển sinh hệ trung cấp của nhà trường cao hơn năm 2020 là 4,2% đảm bảo không gián đoạn nguồn cung lao động cho các mỏ” - ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết.
Không chỉ được đào tạo bài bản, có việc làm ngay sau khi ra trường, thu nhập cao, thợ lò của TKV còn được lao động trong môi trường làm việc an toàn, hiện đại. Những lò chợ cơ giới hóa, bán cơ giới hóa; những cỗ máy đào lò combai, máy khoan hai cần, máy xúc lật hông; những dây chuyền vận tải người và thiết bị được đầu tư ngày càng phổ biến ở các mỏ. Ở đây, người thợ được giảm thiểu sức lao động thủ công, đảm bảo an toàn, nâng cao trình độ. Vì thế, năng suất lao động không ngừng cải thiện, thu nhập được tăng cao, đời sống đảm bảo. Đó chính là một trong những giá trị cốt lõi mà TKV mang lại cho những người được tuyển dụng vào nghề mỏ.
TKV luôn cố gắng tăng thêm các chế độ phúc lợi dành cho thợ lò. Hiện nay, 100% công nhân các mỏ đi làm có xe ca đưa đón, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, phục vụ các bữa ăn. Những phòng tập gym, phòng rèn luyện thể chất, sân bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thư viện, phòng internet có ở hầu hết các khu tập thể công nhân.
Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực hầm lò trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, TKV đang xúc tiến việc đầu tư nhà ở cho cả gia đình thợ lò, giữ chân người lao động, khắc phục những khó khăn về nhân lực.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()