Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:02 (GMT +7)
Đàn tính - Nhạc cụ độc đáo của người Tày
Chủ nhật, 13/10/2024 | 10:50:38 [GMT +7] A A
Trong kho tàng văn hóa của người Tày ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, có nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Trong đó, đàn tính được coi như là nhạc cụ thiêng của "người nhà trời". Từ khi hát then được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cây đàn tính được sử dụng trong then văn nghệ nhiều hơn và cũng đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Diễn xướng then của người Tày có hai nhạc cụ là chùm xóc và cây đàn tính. Câu chuyện về sự ra đời của đàn tính gắn với cây đàn 12 dây của chàng Xiên Câm. Tiếng đàn thánh thót, thu hút sự chú ý của muôn loài, làm cho mọi người mải mê với tiếng đàn của chàng trai mà quên cả làm ăn. Lo lắng về sự u mê đó, nhà trời đã cho quân xuống trần gian cắt bớt dây đàn đi, chỉ để lại 3 dây (ví như trời, đất và người). Để kết nối được với nhà trời, chàng trai sẽ dùng tiếng đàn, câu hát dâng lên trên.
Tuy nhiên, khác với một số địa phương khác trong khu vực, đàn tính của người Tày ở Quảng Ninh chỉ dùng 2 dây. Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trường Đại học Tân Trào, cây đàn tính 2 dây hay 3 dây phụ thuộc vào thế giới quan và nhân sinh quan của người dân bản địa. Với câu chuyện tâm linh tạo nên màu sắc riêng cũng chính là mong muốn của người dân về một sắc màu mới trong then. Tiếng đàn và chùm xóc trong then được hiểu như tiếng ngựa phi thì những âm hình tiết tấu này cũng thể hiện được những bước đi uyển chuyển, khéo léo của những con ngựa vượt qua những cung đường khó đi, chở đồ lễ dâng lên trời. Thực hành then ở Bình Liêu vẫn còn giữ được cách thực hành diễn xướng cổ xưa.
Người Tày quan niệm bầu đàn hình tròn đại diện cho mặt đất. Ở đầu đàn được hiểu là đấng tối cao là Trời hoặc Phật (người Kinh đọc là Bụt, người Tày đọc là Pụt) nên thường “có hình uốn cong như lưỡi liềm hoặc đầu rồng, đầu phượng”. Cần đàn là cung đường lên trời mà hành trình của mỗi cung đường được mô tả qua mỗi câu chuyện của thầy then.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh Thảo, đàn tính giữ vai trò là nhạc cụ thiêng bởi chứa đựng cả thế giới quan, nhân sinh quan trong văn hóa của người Tày từ cổ xưa đến nay. Tiếng đàn dẫn câu hát được “thiêng hóa” cùng các loại hình nghệ thuật như: Ca từ (thực chất là thơ), múa then, hát then, đàn then, nhạc then... mang yếu tổ tổng thể nguyên hợp để mô tả hành trình đến với thế giới tâm linh huyền bí trong đời sống văn hóa tinh thần.
Trước đây, người Tày quan niệm rằng chỉ người thực hành then mới được sử dụng đàn và hát. Ngày nay, khi then văn nghệ được phát triển thì đàn tính phục vụ cho hoạt động giải trí. Đàn tính thoát khỏi nghi lễ để đến với cộng đồng dân gian. Tiếng đàn cũng vì thế mà thánh thót, dày dặn, uyển chuyển, điêu luyện hơn.
Quy trình cũng như nguyên liệu tạo ra cây đàn cũng đơn giản, gần gũi với đời sống người dân nơi đây. Theo Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú ở thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu), muốn làm đàn tính cho có âm thanh thật hay phải chọn được quả bầu già, rồi lấy da con trăn để bịt lại, thân đàn chọn gỗ thông không có mấu, dây đàn là tơ xe. Bây giờ, da trăn đã hiếm lắm nên ông dùng một loại giấy đặc biệt có độ đàn hồi cao để thay thế. Tuy giấy không có độ bền bằng da trăn nhưng âm thanh vang lên cũng tạm chấp nhận được.
Để bảo tồn hát then đàn tính, cần động viên nghệ nhân chế tác đàn truyền nghề, mở các lớp tập huấn nối nghề cho thế hệ trẻ, khuyến khích người trẻ tham gia và quan tâm đến việc thực hành then, xây dựng các chương trình biểu diễn dân ca trong hoạt động du lịch cộng đồng, nghiên cứu chế tác mô hình cây đàn tính thu nhỏ làm sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Phạm Học
- "Những giá trị của hát then sẽ níu chân du khách"
- Để hát then lan tỏa sâu rộng trong đời sống
- Tiếng hát Then giữa núi rừng Đông Bắc
- Giao lưu hát then đàn tính giữa huyện Bình Liêu với tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn
- Quảng bá hát then Quảng Ninh
- Giao lưu hát Then - đàn Tính giữa huyện Bình Liêu và các địa phương của Lạng Sơn, Cao Bằng
- Liên hoan hát Then - đàn Tính huyện Bình Liêu năm 2023
- Giữ lửa hát then, đàn tính
Liên kết website
Ý kiến ()