Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 14:28 (GMT +7)
Quảng bá hát then Quảng Ninh
Thứ 7, 12/08/2023 | 14:15:31 [GMT +7] A A
Đem những làn điệu dân ca đặc sắc nhất của tỉnh Quảng Ninh đi sánh vai với quan họ Bắc Ninh, hò sông Mã, hát ví giặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam Bộ v.v.. là cách mà các nghệ sĩ, nghệ nhân của tỉnh vừa gây ấn tượng tại Hội diễn Đàn hát dân ca ba miền diễn ra tại Nghệ An.
Hội diễn do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An tổ chức trong khuôn khổ Festival Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, diễn ra từ ngày 1/8 đến 5/8 tại TP Vinh. Hội diễn quy tụ 29 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 29 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Hội diễn giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể qua những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền gắn với đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.
Chương trình tham gia Hội diễn của Đoàn Quảng Ninh gồm 5 tiết mục: Tiết mục hát chầu văn "Cô bé Cửa Suốt" nhạc sĩ Lê Hoàng Bá và nghệ sĩ Thu Phương soạn lời mới do Thu Phương - Duy Nghiệp - Như Hương cùng tập thể nam nữ biểu diễn; tiết mục hát dân ca dân tộc Dao của người Dao huyện Ba Chẽ với tên gọi "Ngày vui đón khách" (Khe's Tài Peo's) do các nghệ nhân Triệu Tiến Hùng - Bàn Thị Hạnh song ca; tiết mục hát xẩm "Theo Đảng trọn đời", lời hát do cố Nghệ nhân Nhân dân Hà Thị Cầu soạn, do Thu Phương cùng tập thể nam nữ phụ họa biểu diễn; hòa tấu nhạc cụ dân tộc "Cảm xúc quê hương" do Trần Anh Tuấn phối khí, Đức Mạnh cùng dàn nhạc dân tộc Trường Đại học Hạ Long biểu diễn.
Hát văn và hát chầu văn không phải là của riêng Quảng Ninh nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân đã biết cách làm mới nó, thổi vào đó những hơi thở Quảng Ninh. Tiết mục hát chầu văn "Cô bé Cửa Suốt" đậm đà màu sắc Quảng Ninh, giới thiệu nhiều địa danh, lịch sử văn hoá Quảng Ninh, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhất là chiến công của nhà Trần trên đất Quảng Ninh xưa. Chương trình đã có sự khái quát văn hoá Quảng Ninh giàu bản sắc, là nơi hội tụ lan toả giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc Quảng Ninh, góp phần quảng bá văn hoá dân tộc.
Đặc sắc nhất là tiết mục hát then cổ "Pắt phu san soỏng" (Bắt phu đan sọt) do Nghệ sĩ Vùng mỏ Hà Thị Ngọc dịch lời, Tô Đình Hiệu dàn dựng, tập thể nam nữ nghệ sĩ nghệ nhân biểu diễn. Qua tiết mục này, tiếng then Bình Liêu nói riêng, người Tày Quảng Ninh nói chung được giới thiệu với bạn bè toàn quốc. Người Tày Quảng Ninh hiện đang lưu giữ nhiều nghi lễ then cổ vô cùng đặc sắc, tồn tại song song với then văn nghệ được cải biên, cách điệu cho phù hợp với việc biểu diễn trên sân khấu đại chúng. Cả hai đều là những món ăn tinh thần không thể thiếu và đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc Tày ở Quảng Ninh.
"Bắt phu đan sọt" là một trích đoạn trong nghi lễ lảu then, kể chuyện đoàn quân then chọn phu vào rừng lấy tre về đan sọt để gánh lễ vật lên mường trời. Lời thơ ẩn dụ hoà với giai điệu của tiếng đàn tính 2 dây đặc trưng cùng lối biểu diễn mộc mạc của các nghệ nhân Bình Liêu đã diễn tả thật ấn tượng trích đoạn nghi lễ then - hình thức diễn xướng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quảng Ninh là tỉnh có sự giao thoa văn hoá đặc sắc, trong đó thể hiện ở sự đa dạng các loại hình dân ca. Tỉnh có gần như đầy đủ một số loại hình dân ca đặc sắc nhất đại diện cho bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc Quảng Ninh. Chương trình đã đem đến sự riêng biệt với cây đàn tính hai dây thanh âm khác biệt so với những cây đàn tính ba dây ở nơi khác.
Nghệ nhân Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện Bình Liêu, thành viên Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Việc mang then đi tham gia Liên hoan Đàn hát dân ca 3 miền đã tạo điều kiện cho then Tày Quảng Ninh được giới thiệu với đông đảo vùng miền hơn. Then đã đóng vai trò như một đại sứ văn hóa, góp phần quảng bá vùng đất, con người và văn hóa Quảng Ninh nói chung, huyện Bình Liêu nói riêng đến bạn bè trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Hồng Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Ninh, cho biết: Quảng Ninh có nhiều loại hình dân ca của đồng bào các dân tộc. Chúng tôi đã lựa chọn các loại hình đặc sắc nhất, các nghệ nhân, nghệ sĩ có giọng hát tốt để xây dựng chương trình kịch mục sao cho quảng bá tốt nhất nét văn hóa các dân tộc Quảng Ninh tại hội diễn lần này.
Cùng với các hoạt động tại Hội diễn, Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh còn mang những tiết mục đặc sắc biểu diễn nghệ thuật đường phố tại Lễ bế mạc Festival ví giặm năm 2023. Sau 5 ngày "mang chuông đi đánh xứ người", đoàn đã giành huy chương bạc toàn đoàn; 1 huy chương vàng cho tiết mục hát then cổ "Pắt phu san soỏng", 2 huy chương bạc cho tiết mục hoà tấu "Cảm xúc quê hương" và tiết mục hát văn "Cô bé Cửa Suốt". Hai nghệ nhân Triệu Tiến Hùng và Bàn Thị Hạnh được nhận giấy khen dành cho diễn viên xuất sắc. Các tiết mục của đoàn đã để lại ấn tượng sâu sắc với các đoàn tham gia hội diễn nói riêng, khán giả Nghệ An nói chung.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()