Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:38 (GMT +7)
Chuyện tìm kiếm, phát triển tài năng bơi lặn
Thứ 7, 01/07/2023 | 09:23:49 [GMT +7] A A
Bơi lặn Quảng Ninh từng có những gương mặt VĐV xuất sắc như Cao Thị Hảo, Dương Thị Thơm, Ngô Đình Chuyền... Hiện ngành thể thao của tỉnh đang nỗ lực đào tạo lớp VĐV mới kế cận, tiếp nối truyền thống này.
Môn bơi lặn trước đây thuộc sự quản lý của Trung tâm Lặn cứu nạn và Thể thao dưới nước Quảng Ninh, nay thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Bơi là một trong số ít môn thể thao được tuyển sinh đào tạo thống nhất cả 3 tuyến: Năng khiếu, tuyển trẻ và tuyển tỉnh.
Là môn thể thao đặc thù, việc tuyển sinh các VĐV bơi lặn tuyến năng khiếu phải thực hiện từ nhỏ khi mới 8-9 tuổi với môn bơi, 10-11 tuổi với môn lặn. Các VĐV môn bơi lặn sau giai đoạn năng khiếu, tập luyện và thể hiện khả năng, có thành tích nhất định sẽ được tuyển chọn, "lên lớp" ở đội tuyển trẻ, đội tuyển tuyến tỉnh, hoặc sẽ bị thải loại nếu không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Với tuyến trẻ, VĐV được lựa chọn thường ở độ tuổi từ 13-17. VĐV tuyển tỉnh thường ở độ tuổi 17 đến trên 20 tuổi sau một thời gian rèn giũa, đủ khả năng chuyên môn tham gia các giải vô địch cấp quốc gia.
Đội tuyển bơi lặn của Quảng Ninh hiện được "biên chế" 35 VĐV với 13 VĐV năng khiếu, 16 VĐV tuyến trẻ, còn lại là tuyến tỉnh. Để phát triển được tài năng môn bơi lặn, việc tuyển chọn các VĐV năng khiếu đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đây là khâu được quan tâm hàng đầu, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn nhất.
Các HLV thường phải tuyển VĐV năng khiếu qua các giải đấu, sự kiện thể thao, hoặc qua sự hỗ trợ của cộng tác viên ở địa phương. Ngoài ra, việc tuyển chọn còn gặp khó khi phải thuyết phục phụ huynh cho con theo đuổi con đường thể thao, bởi các em phải xa gia đình, tập thể thao từ khi còn nhỏ, tâm lý phụ huynh thường lo lắng.
Do khó khăn về nguồn tuyển sinh, ngành thể thao phải mở rộng "kênh" tuyển sinh ra ngoài tỉnh, tập trung ở các địa phương: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thái Bình, Nam Định... Tuy vậy, số VĐV diện này cũng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 15-20% ở tuyến năng khiếu, tuyến trẻ của môn bơi lặn.
Với đặc thù của môn thể thao đòi hỏi thể hình, thể lực cao, việc tuyển sinh được ưu tiên tìm kiếm ở những địa phương có phong trào, vùng sâu, vùng xa, nơi thường có VĐV có các tố chất phù hợp. "Về thể hình, VĐV phải cao, bàn tay to, ngón tay thon, dài; độ dẻo khớp vai, lưng, chân, gối, cổ chân phải đạt yêu cầu và được test cẩn thận. Với VĐV bơi lặn, sải tay phải dài hơn thân, có chiều cao tốt; lấy hơi tốt... Thông thường với VĐV bơi lặn ở độ tuổi 8-9, phải đạt chiều cao 1,38-1,4m; bố mẹ có chiều cao tốt..." - HLV Ngô Văn Báo chia sẻ.
Người sinh sống trên vùng núi cao không khí loãng, nên có dung tích phổi lớn hơn bình thường. Đây là đặc trưng rất phù hợp với VĐV bơi lặn. Hơn nữa thông thường các VĐV ở vùng xa, khó khăn, thường được lao động rèn luyện từ nhỏ, có thể lực tốt. Vì thế, việc tuyển sinh VĐV ở các địa phương: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu... đang được ngành thể thao Quảng Ninh quan tâm, mở rộng.
Hiện tuyến năng khiếu của tỉnh được duy trì và tuyển sinh tổng chỉ tiêu 13 VĐV. Đây là con số không lớn nếu muốn có nhiều lựa chọn trong đào tạo, phát triển VĐV lên các tuyến trên. Bởi VĐV năng khiếu sau khi được tuyển, được trau dồi, đào tạo, phát triển trong khoảng 3 năm. Nếu thể hiện và được khẳng định được trình độ qua những giải đấu trẻ, đoạt giải cao, đủ tiêu chuẩn, VĐV mới tiếp tục được phát triển lên tuyến trên. Ngược lại, VĐV không có tiến bộ sẽ bị thải loại.
VĐV trẻ thường có 3 giải đấu/năm để rèn luyện và chứng tỏ tài năng là: Giải vô địch các nhóm tuổi, vô địch trẻ và vô địch các CLB. Sau khi thành công ở những giải đấu dạng này, các VĐV sẽ tiếp tục được bồi dưỡng để có thành tích ổn định, thể hiện tốt hơn ở những kỳ thi đấu sau.
Để phát triển, vươn tới đỉnh cao, VĐV được chọn đưa đi đào tạo, tập huấn chuyên sâu. Cơ sở lựa chọn là thông qua thành tích các giải đấu, qua thi đấu nội bộ; thông thường chỉ có khoảng 30-40% VĐV giỏi được lựa chọn đào tạo. "Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất, thường xuyên theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó có phương án, giáo án cụ thể cho VĐV phát triển. Với cách làm hiện nay, hy vọng thời gian tới môn bơi lặn sẽ giới thiệu được những gương mặt tài năng" - HLV Đỗ Văn Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, phụ trách môn bơi lặn chia sẻ.
Dù còn không ít khó khăn, nhưng với nỗ lực của thầy trò môn bơi lặn, Quảng Ninh đang có lớp VĐV trẻ được bồi dưỡng, giàu tiềm năng như Triệu Thị Uyên, Nguyễn Hải Nam cùng một số gương mặt trẻ khác đoạt HCV, phá nhiều kỷ lục quốc gia ở lứa tuổi U13 trong hai năm gần đây.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()