Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:54 (GMT +7)
Có địa phương nợ xây dựng cơ bản lên tới 3.800 tỷ đồng
Thứ 7, 01/11/2014 | 11:44:59 [GMT +7] A A
Con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong 1 năm.
Đây là con số được đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) trích dẫn trong phát biểu của mình về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Về đề án này, theo đại biểu Nguyễn Thái Học, mục tiêu TCC còn chung chung. “Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến về đề án TCC nền kinh tế do Chính phủ trình. Quá trình thảo luận nhiều đại biểu cho rằng, đề án nêu mục tiêu, giải pháp còn quá chung chung, thiếu những mục tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được. Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án cho thấy, ý kiến này của ĐBQH là có cơ sở” – đại biểu Nguyễn Thái Học nói.
Đại biểu Nguyễn Thái Học |
Cụ thể, Đề án TCC nền kinh tế đề cập nhiều lĩnh vực của nền kinh tế với lộ trình thực hiện khá dài, giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu từng năm và từng giai đoạn. Do vậy, sẽ không có cơ sở cho việc đánh giá, mức độ đạt được cũng như tồn tại hạn chế so với chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
Đến thời điểm giám sát hôm nay, chúng ta đã đi được 1/3 thời gian của quá trình tái cơ cấu nhưng hiệu quả mang lại thế nào cũng khó phân định. Ngay cả báo cáo giám sát của UBTVQH cũng không có cơ sở để đưa ra số liệu có tính phân tích, so sánh hiệu quả mang lại của TCC nền kinh tế thời gian qua. Một khi mục tiêu thiếu sự lượng hóa thì việc nhìn nhận, đánh giá mặt được và chưa được của từng giai đoạn thực hiện TCC cũng sẽ rất chung chung, thiếu cơ sở để xác định, ràng buộc trách nhiệm.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, chính điều này dễ tạo tâm lý chủ quan, ỷ lại trong quá trình triển khai đề án. Còn đại biểu Quốc hội và cử tri thì rất khó theo dõi, giám sát, vì tất cả đều rất chung chung, thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện.
TCC nền kinh tế là yêu cầu mang tính khách quan, cần thiết và cấp bách, xuất phát từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế nên quá trình triển khai thực hiện cần sự phối hợp triển khai đồng bộ quyết liệt từ trung ương đến địa phương.
Thực tế, TCC nền kinh tế có hiệu quả phải dự trên hệ thống pháp luật đồng bộ. Tuy nhiên, theo nhận xét của Đại biểu Nguyễn Thái Học, nhiều luật liên quan trực tiếp đến TCC chưa được ban hành, hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực, hoặc có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. “Chúng ta muốn có sự đổi mới, đột phá trong quá trình TCC nhất là quản lý đầu tư công nhưng luật pháp chưa được bổ sung, ban hành để thể chế hóa vấn đề này thì mong muốn của chúng ta cũng khó thực hiện được” – đại biểu Thái Học khẳng định.
Một thực tế được đại biểu Thái Học đưa ra là nhiều ngành, địa phương còn chưa thực sự quan tâm chú trọng đến quá trình TCC kinh tế. Báo cáo giám sát nêu sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở trung ương và giữa trung ương với địa phương còn lúng túng, chưa đồng bộ.
Thực tế này đặt ra câu hỏi, vì sao việc triển khai đề án lớn, quan trọng mang tầm quốc gia như vậy mà khi thực hiện lại xảy ra tình trạng này? Phải chăng còn có nhiều vướng mắc từ trong những nội dung của đề án cũng như trong quá trình thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị “Chính phủ nhìn nhận thực tế này để có biện pháp khắc phục”.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý còn buông lỏng. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Chính phủ nhận định, công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý chưa nghiêm nên không những gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài mà còn gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản.
Báo cáo giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu công tác kiểm tra, đôn đốc, qui trách nhiệm và xử lý chưa được thường xuyên và nghiêm túc.
Thực trạng nêu trên dẫn đến hệ quả là nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế được phát hiện nhưng chậm xử lý.
Đại biểu Nguyễn Thái Học đưa ra hai dẫn chứng: Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong thời gian dài nhưng đến nay chưa có khắc phục triệt để. Chính phủ cho biết, tính đến tháng 6/2014, nợ xấu XDCB lên tới hơn 44.000 tỷ đồng. Báo cáo nêu tên 16 tỉnh, thành có số nợ đọng XDCB lớn, cá biệt, số nợ đọng XDCB lên tới trên 3.800 tỷ đồng. Con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong 1 năm.
Hay việc CPH DNNN chậm, nhiều lãnh đạo DNNN trì hoãn việc xây dựng đề án TCC. Chủ trương thoái vốn đầu tư trái ngành của nhiều TCT còn rất chậm.
Việc lập, thẩm định dự án đầu tư công luôn được cho rằng có nhiều tồn tại và phát sinh tiêu cực. Nhưng quá trình TCC đầu tư công vẫn chưa được khắc phục.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()