Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 14:54 (GMT +7)
Cơ hội giải cơn khát thiếu phim trường dưới góc nhìn chấn hưng văn hoá từ điện ảnh
Thứ 3, 19/09/2023 | 07:39:47 [GMT +7] A A
Nhiều bảo tàng nghìn tỉ, nhiều nhà văn hóa, thư viện xây lên bỏ không, quanh năm hoang vắng, nhưng sự cấp thiết có một phim trường chuyên nghiệp để giúp điện ảnh, truyền hình “công nghiệp hóa” vẫn là chuyện chưa có hồi kết.
Ở nước ta, theo đạo diễn - NSND Trọng Trinh, việc sản xuất một dự án phim lịch sử vô cùng khó vì nhiều yếu tố, trong đó vấn đề nan giải lớn nhất nằm ở việc, không có phim trường.
Cơn khát phim trường kéo dài nhiều thập kỷ
Trong 12 lĩnh vực trọng điểm của chiến lược công nghiệp hóa văn hóa đến năm 2030 (tầm nhìn đến 2045) do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất có điện ảnh và truyền hình. Thế nhưng, trong kế hoạch chấn hưng văn hóa (cũng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), xen giữa những đề xuất hàng trăm nghìn tỉ xây dựng thêm hệ thống các công trình văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa... lại chưa có thông tin về việc cần thiết xây dựng phim trường phục vụ cho việc sản xuất phim điện ảnh, truyền hình - giữa bối cảnh thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Phim trường (trường quay) vốn đã trở thành cơn khát của các nhà làm phim Việt Nam kéo dài nhiều thập kỷ.
Kể từ cuối thập niên những năm 1990 thế kỷ trước, khi phim truyền hình có những bước ngoặt đầu tiên trong việc xây dựng “giờ vàng cho phim Việt”, đẩy mạnh sản xuất phim Việt, NSND Khải Hưng đã đề xuất mong có phim trường nhiều lần lên các cơ quan chức năng.
NSND Khải Hưng thời điểm đó là Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông nói: “Tôi đã đi qua nhiều quốc gia, ở bất kỳ quốc gia nào có nền phim ảnh phát triển, họ đều có trường quay. Dù nhỏ hay lớn, việc có một trường quay đủ để xây vài căn nhà, đã rất tốt cho việc thu tiếng (được sạch sẽ) và ghi hình.
Còn ở đây, từ thời của tôi đến bây giờ, hơn 20 năm đã trôi qua, chúng ta vẫn chưa thể có nổi một trường quay. Khi tôi còn làm việc, tôi đã kêu ca suốt về trường quay, được cắt đất rồi - nhưng cuối cùng một cơ quan cấp bộ khác lại dùng mảnh đất đó”.
Việc không có phim trường đã trở thành nỗi bi hài cho phim truyền hình Việt Nam. Đạo diễn - NSND Trọng Trinh kể với phóng viên Lao Động, “Hiện, các đoàn phim chúng tôi vẫn phải đi thuê mướn bối cảnh. Khi tìm được căn nhà ưng ý để quay, thì xung quanh lại ồn ào, tiếng máy nổ ầm ầm pha lẫn tiếng karaoke, không thể thu tiếng.
Phim nối sóng liên tục trên 2 kênh sóng mà không có trường quay, đó là một khó khăn rất lớn. Chúng tôi phải quay cuốn chiếu để kịp tiến độ lên sóng, nhưng vì không có trường quay, tiến độ sản xuất phim bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Đôi khi phải chịu những ảnh hưởng không thể ngờ tới. Ví dụ, đang thuê một căn nhà làm bối cảnh, vợ chồng chủ nhà cãi nhau, giận nhau, không khí gia đình căng thẳng, việc xuất hiện cả một đoàn phim ra vào nườm nượp càng khiến họ khó chịu, họ yêu cầu dừng quay mấy ngày cho đến khi vợ chồng làm lành. Chúng tôi chỉ còn biết khóc dở mếu dở”.
Đạo diễn - NSND Khải Hưng mơ ước, có một phim trường đủ xây vài căn nhà, dù nhiều quốc gia trên thế giới đã xây cả thành phố, cả cung điện nguy nga hoành tráng trong phim trường để các đoàn phim ghi hình ở không gian thu hình, thu tiếng đạt chuẩn.
Giá trị kinh tế của phim trường
Với phim trường, câu chuyện khai thác kinh tế đơn giản hơn khi đã có nhiều bài học nhãn tiền từ các quốc gia trên thế giới, cụ thể như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ở ngay chính Việt Nam, những “cơn sốt du lịch” bắt nguồn từ phim ảnh cũng nhiều lần rầm rộ. Khi bộ phim Hollywood “Kong: Skull Island” dựng trường quay tại Tràng An, Ninh Bình đã giúp nơi đây trở thành “hot trend” (xu hướng) về du lịch trong thời gian dài.
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ với những thước phim đẹp như mơ đã giúp Phú Yên trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch. Hay, “Mắt biếc” cũng làm nên kỳ tích tương tự với những bối cảnh quay tại Huế.
Hàn Quốc vẫn luôn được coi là “biểu tượng” về sự thành công trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa trên phim ảnh, từ đó thu hút lượng lớn khách du lịch từ khắp thế giới đến tham quan những phim trường nổi tiếng. Mỗi năm, Hàn Quốc có những dự án phim lịch sử, cổ trang gây bão màn ảnh, ví dụ như những câu chuyện thâm cung bí sử của triều đại Joseon...
Phim trường MBC nằm ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) trở thành điểm đến của khán giả khắp châu Á - du khách được trải nghiệm nhiều dịch vụ liên quan đến phim, chụp ảnh tại những bối cảnh ấn tượng trên phim...
Hoành Điếm (Hengdian World Studios) được biết đến là phim trường rộng lớn bậc nhất thế giới của Trung Quốc. Hoành Điếm khiến bất cứ ai đến đây cũng phải choáng ngợp bởi quy mô, sự chuyên nghiệp, hoành tráng - một tổ hợp những công trình đầy dấu ấn của văn hóa, lịch sử Trung Quốc, trở thành điểm đến du lịch, được xếp vào danh sách Thắng cảnh quốc gia cấp 5A (cao nhất) của Trung Quốc.
Phim trường Universal Studios - nơi quay hàng loạt bom tấn của điện ảnh Mỹ - cũng trở thành “thủ đô giải trí của Los Angeles” thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm.
Thực tế đã cho thấy, ở các quốc gia, không chỉ những bom tấn phim ảnh “hái ra tiền”, phim trường cũng trở thành địa điểm “hái ra tiền” cho du lịch văn hóa.
Đầu tư xây dựng phim trường, sản xuất phim ảnh vừa giúp quảng bá hình ảnh quốc gia, quảng bá vẻ đẹp văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút khách du lịch, vậy - tại sao chúng ta lại không?
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()