Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 22:49 (GMT +7)
Cơ hội mới cho phát triển kinh tế rừng ở Bình Liêu
Thứ 7, 11/01/2025 | 20:45:39 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, từ định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng của huyện Bình Liêu, người trồng rừng trên địa bàn đã đi sâu vào những mô hình trồng rừng giá trị cao, đồng thời kết hợp kinh tế rừng với kinh tế du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đồng Văn là xã vùng cao, xa nhất của huyện Bình Liêu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số… Với ưu thế có diện tích rừng lớn, trong đó hơn 2.000ha rừng hồi, rừng quế trưởng thành đã giúp người dân trồng rừng Đồng Văn có nguồn thu nhập đều đặn. Năm 2024, giá mỗi kg hoa hồi khô mà người dân Đồng Văn bán ra trên dưới 140.000 đồng, mang lại thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm/hộ. Từ đây, tỷ lệ hộ nghèo ở Đồng Văn giảm nhanh chóng, nhiều hộ dân trong xã có nhà to, xe đẹp, có của ăn, của để.
Hộ gia đình anh Dường Cắm Chăng, thôn Sông Mooc A đã vừa hoàn thành ngôi nhà mới trị giá trên 700 triệu đồng từ số tiền thu được trong 3 vụ thu hoạch hoa hồi gần đây. Anh Dường Cắm Chăng chia sẻ: Năm 2015, nhà tôi còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Thế nhưng từ khi con lớn, 2 vợ chồng đều chăm chỉ chăm sóc, bảo vệ 3ha rừng hồi thì thu nhập tốt hơn. Hiện gia đình không còn nghèo nữa mà đã đủ ăn, còn có tích luỹ để xây nhà, sắm sửa đồ đạc.
Giống như Đồng Văn, ở xã Húc Động những năm gần đây, số lượng những ngôi nhà xây mới hiện đại, to đẹp ngày càng nhiều. Kinh phí để người dân xây dựng nhà một phần từ các lò miến dong truyền thống, phần còn lại là từ rừng. Ngôi nhà trị giá 500 triệu đồng của anh Chìu Tắc Lò, thôn Sú Cáu còn thơm mùi sơn mới, được xây dựng từ nguồn thu 2ha hồi, 2ha quế mà gia đình anh Lò đang có. Anh Chìu Tắc Lò tâm sự: Nhiều năm ở trong ngôi nhà lụp xụp, giấc mơ của tôi chỉ là xây được một ngôi nhà kiên cố. Giờ đây, điều đó đã trở thành hiện thực, nhờ nguồn thu từ rừng mà gia đình tôi xây được nhà rồi.
Anh Dường Cắm Chăng, anh Chìu Tắc Lò là 2 trong số rất nhiều hộ dân của huyện Bình Liêu được cải thiện đời sống từ rừng. Theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, tính từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, toàn huyện có cả trăm hộ dân thoát nghèo, cận nghèo từ rừng. Đặc biệt, kể từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều những hộ trồng rừng thu nhập trên 500 triệu đồng/năm
Đáng mừng là giá trị rừng ở Bình Liêu giờ đây không chỉ thông qua sản lượng lâm sản thu được, sản phẩm chế biến từ lâm sản, mà rừng còn là chất liệu để địa phương này phát triển mũi nhọn du lịch bản địa. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu cho biết: Huyện Bình Liêu đã thường niên tổ chức một số hoạt động du lịch liên quan đến cây hoa sở, ví như lễ hội hoa sở, trong đó vùng hoa sở Đồng Tâm đã trở thành một thương hiệu du lịch gắn với rừng của Bình Liêu. Sự kết hợp kinh tế rừng với kinh tế du lịch không chỉ tạo nên hình ảnh đẹp cho Bình Liêu mà còn mang lại cơ hội về việc làm, thu nhập cho người dân và kinh tế địa phương. Từ thành công này, tới đây cũng có thể Bình Liêu còn có những lễ hội khác gắn với cây hồi, cây quế, vốn cũng là thế mạnh rừng của Bình Liêu.
Được biết, tiếp tục nâng cao giá trị của rừng, năm 2025, huyện Bình Liêu khuyến khích người dân tăng cường các giải pháp canh tác rừng theo hướng thâm canh để gia tăng giá trị. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu cho biết, trước mắt, huyện đặt mục tiêu trồng mới khoảng trên 1.000ha rừng sản xuất nhằm bù đắp cho diện tích rừng bị thiệt hại do bão cũng như nâng cao độ che phủ rừng. Cùng với đó, huyện Bình Liêu chú trọng cải tạo giống, trồng bổ sung, trồng mới các loại cây bản địa như hồi, quế, thông, sở, lấy đây là nguồn thu trước mắt cũng như lâu dài của người dân; tăng cường trồng mới diện tích rừng thông dọc các xã vùng giáp biên; tăng cường trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Bình Liêu cũng hướng tới nhân rộng diện tích rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện để phối hợp Công ty Green LinK hoàn thiện Đề án lâm nghiệp tre - kinh tế sinh học và tín chỉ các bon.
Có thể thấy, đi lên từ rừng, lấy rừng làm dư địa phát triển, lấy rừng làm tư liệu sản xuất đa mục đích… đó chính là sự chuyển động rất đáng mừng ở Bình Liêu hôm nay. Với sự vào cuộc của chính quyền và người dân, tin rằng, rừng của Bình Liêu sẽ tiếp tục phát huy giá trị, không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn mà còn biến Bình Liêu trở thành vùng đất có thương hiệu du lịch bản địa gắn với rừng.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()