Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:25 (GMT +7)
Cơ hội và triển vọng phục hồi du lịch
Chủ nhật, 27/03/2022 | 10:20:06 [GMT +7] A A
Quyết định mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 để từng bước lấy lại đà tăng trưởng, ngành du lịch nước nhà đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn căng thẳng. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội để nhanh chóng phục hồi, phát triển.
Nối lại toàn bộ các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế, ngành du lịch đặt kỳ vọng trong năm 2022 sẽ thu hút hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. So với năm 2019, thời điểm chưa bị ảnh hưởng dịch Covid-19 khi Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, những con số nêu trên nhỏ hơn nhiều, song vẫn là mục tiêu khá tham vọng, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường du lịch lớn của nước ta đang có sự xáo động mạnh.
Ðơn cử, Trung Quốc lâu nay vẫn là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam (năm 2019, nước ta đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 32,2% tổng lượng khách quốc tế), nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành du lịch chưa thể khai thác vì nước bạn vẫn đang thực hiện nghiêm ngặt chính sách "Zero Covid". Nga cũng là thị trường tiềm năng đã đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam những năm qua, song chiến sự với Ukraine cũng đang gây ảnh hưởng đối với việc du lịch của người dân nước này.
Do số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam vẫn đang tăng, trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ vừa xếp Việt Nam vào nhóm 130 nước khuyến cáo hạn chế đi lại. Cùng với đó còn là tâm lý e ngại của du khách quốc tế khi về nước có thể bị cách ly hoặc nếu dương tính với Covid-19 trong hành trình du lịch sẽ khó nhập cảnh theo thời gian đã định...
Ðây là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam vẫn có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phục hồi.
Tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: Ðến nay, có khoảng hơn 50 nước, trong đó có một số nước Ðông Nam Á đã triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.
Việc các nước đồng loạt mở cửa, tạo điều kiện cho khách quốc tế và công dân của chính họ đi du lịch là yếu tố khách quan và là cơ sở thuận lợi để Việt Nam triển khai chính sách mở cửa, thu hút du khách. Thêm nữa, ở thời điểm này, khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ còn chưa mở cửa thì sự lựa chọn của du khách cũng chưa thể đa dạng như trước đại dịch. Ưu thế sẽ thuộc về những điểm đến mở cửa sớm với cơ hội quảng bá, làm mới hình ảnh du lịch, thu hút được sự quan tâm của du khách.
Theo dữ liệu phân tích từ Google Destination Insights-một công cụ theo dõi xu hướng du lịch, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã bắt đầu tăng từ tháng 12/2021 và tăng vọt vào thời điểm cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ năm 2021). Ðặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí ngày 21/1 tăng 425%, ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ năm 2021. Ðây là những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang là điểm đến du lịch được nhiều khách thế giới quan tâm.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam nhận định: Các nước Ðông Bắc Á lâu nay vẫn là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Hiện chưa thể đón khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, trong khi Hàn Quốc cũng vẫn còn những rào cản về du lịch quốc tế nhưng đã bắt đầu có những chính sách thuận lợi hơn cho khách quốc tế đến và người dân đi du lịch, cho nên hy vọng có thể khai thác được. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đã mở cửa trở lại, do đó triển vọng đón khách từ khu vực này rất lớn.
Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand cũng là những thị trường tiềm năng. Dù lượng khách Nga sẽ bị ảnh hưởng nhất định về việc đón khách, nhưng bù lại, lượng khách từ các nước Uzbekistan, Kazakhstan... đang khá khả quan. Ðặc biệt, Việt Nam đã khôi phục lại chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, trong đó có các nước Tây Âu sẽ thu hút được lượng khách từ các nước này. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đang tích cực mở các đường bay tới những thị trường trọng điểm. Ðây chính là đối tượng mục tiêu du lịch Việt Nam cần chú trọng khai thác thời gian tới. "Không phải cứ mở cửa là khách đến ồ ạt, cần có lộ trình đón khách chứ không thể ngày một ngày hai.
Mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam từ tháng 9 đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Vì thế, mở cửa ở thời điểm này là nhằm kết nối các thị trường, truyền thông mạnh mẽ để có thể thu hút khách mùa chính vụ"-Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh. Ðối với du lịch nội địa, đây là địa hạt vô cùng tiềm năng và cần tập trung khai thác của du lịch Việt Nam. Bằng chứng là chỉ trong hai tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 17,6 triệu lượt. Riêng tháng 2/2022, khách du lịch nội địa đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Trong bối cảnh dịch bệnh, lượng khách nội địa vẫn tăng cao, chứng tỏ nhu cầu du lịch trong nước của người dân đang rất lớn sau hai năm dịch bệnh phải hạn chế di chuyển.
Ðể nắm bắt, tận dụng thời cơ khôi phục cả du lịch quốc tế và nội địa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Chính phủ Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026, chia thành các lộ trình phục hồi và phát triển. Trong đó, hai năm 2022-2023 là giai đoạn phục hồi, cần nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ đầu tư từ Nhà nước và các bộ, ngành, cố gắng đến hết năm 2023, ngành du lịch phục hồi 45-50% so với trước dịch. Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, muốn thu hút du khách, bên cạnh hoàn thiện các nguồn lực, xây dựng sản phẩm đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu du lịch sau đại dịch của du khách, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá cả trong và ngoài nước. Thời gian tới, cùng với tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông số "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) hướng đến khách quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, liên kết, kích cầu trong nước để tạo khí thế và môi trường thuận lợi giúp du lịch từng bước phục hồi.
Việc chính thức đi vào hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch từ năm nay cũng đang mang đến nhiều hy vọng cho sự phục hồi du lịch, nhất là trong nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến. Ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Quỹ cho hay, hoạt động đầu tiên của Quỹ là đồng hành cùng Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM 2022 diễn ra từ ngày 31/3 đến 3/4/2022 tại Hà Nội, tập trung ở ba nội dung: phối hợp tổ chức Diễn đàn "Phục hồi du lịch Việt Nam-Ðịnh hướng mới, hành động mới"; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; và tham gia một số hoạt động truyền thông, nghiệp vụ khác tại Hội chợ. Có thể thấy, triển vọng vực dậy ngành "công nghiệp không khói" đang rộng mở với sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ của tất cả các cấp, ngành cũng như những người làm du lịch...
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()