Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:34 (GMT +7)
Phát triển du lịch xanh bền vững: Đâu là chiếc ‘chìa khóa vàng’?
Thứ 7, 26/03/2022 | 17:03:50 [GMT +7] A A
Để có thể chuyển đổi thành công cơ cấu du lịch sang xanh, để lộ trình du lịch xanh đi đúng hướng, thuận lợi và bền vững, đâu sẽ là chiếc "chìa khóa vàng" để du lịch Việt phát triển hậu COVID-19?
Phát triển và tăng trưởng du lịch xanh chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng nhưng là một tất yếu và hậu COVID-19 chính là thời điểm mà toàn ngành sẽ phải đồng lòng đi theo con đường này. Mỗi doanh nghiệp du lịch cần kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu, dài hạn cũng như thiện chí đồng hành và đặc biệt cũng cần những cơ chế chính sách tài chính rộng mở hơn của Chính phủ.
Để lộ trình du lịch xanh đi đúng hướng, thuận lợi và bền vững, các chuyên gia đã cùng có ý kiến tại hội thảo “Quảng Nam phát triển Du lịch xanh-Gìn giữ giá trị bản địa,” khởi động chuỗi hàng trăm sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2022, vừa diễn ra sáng nay (26/3), tại Quảng Nam.
Phát triển du lịch xanh: con đường tất yếu
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Trên thế giới đã có nhiều bài học điển hình về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như sự thành công của quốc đảo Maldives hay bài học từ thất bại của đảo Boracay (Philippines). Thời gian qua, nhiều địa phương của Việt Nam cũng đã thành công trong lộ trình phát triển du lịch xanh.
“Mặc dù là điểm nóng thu hút khách du lịch, nhìn chung, Quảng Nam không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ tổng thể: phát triển thành phố thông minh và đô thị xanh,” ông Anh Tuấn đánh giá.
Có thể nói, Đà Nẵng là một trong những tấm gương tích cực phủ xanh thành phố bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà, công trình thông minh; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; tăng cường quản lý vệ sinh, môi trường, đặc biệt tại các bãi biển...
Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đang thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Ninh Thuận...
Các chuyên gia nhận định, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam thời gian qua tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng đã có tín hiệu tích cực. Tất nhiên, trong quá trình phát triển đó cũng không tránh khỏi nhiều vấn đề bất cập.
Ví như việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, thậm chí, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại nghiêm trọng. Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng vỡ trận ở nhiều khu du lịch trọng điểm.
Các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc và chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa có biện pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới...
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng việc thực hiện du lịch xanh là không dễ. Bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu, dài hạn và thiện chí đồng hành.
“Chìa khóa vàng” để du lịch xanh
Theo tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, môi trường, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp trung ương và địa phương.
Ngoài ra, sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng này phải áp dụng trên phạm vi cấp ngành, vùng, địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể…
Đặc biệt, các địa phương có tài nguyên du lịch phải cân nhắc bài toán giữa phát triển và bảo tồn; khai thác tài nguyên phát triển du lịch. Khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc: tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương sẽ tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh với các địa phương khác để lan tỏa giá trị của sản phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng khi hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh. Trước mắt sẽ liên kết với các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch xanh liên hoàn từ khâu cung ứng nguyên liệu đến khâu thành phẩm cung cấp đến du khách.
Thế nhưng, chiếc “chìa khóa vàng” để có thể chuyển đổi thành công cơ cấu du lịch sang xanh thực sự lại nằm ở những chính sách về tài chính.
Bà Trần Minh Huế, Trưởng nhóm Nghiên cứu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, cho dù có làm chính sách tốt tới đâu, nói hay như thế nào thì tài chính vẫn là vấn đề quyết .
Bà Huế cho hay: “Chúng tôi đã đề ra 9 nhiệm vụ xuyên suốt mà tất cả các bộ, ngành, địa phương có thể áp dụng được, trong đó có hoàn thiện chính sách, tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhân lực… đặc biệt là huy động nguồn lực.”
“Nhà nước phải đóng vai trò cốt lõi như là cung cấp nguồn vốn mồi, thực hiện mang tính chất khởi điểm. Nhưng nhà nước cũng cần các nhà đầu tư đồng hành. Với cương vị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ đã khuyến khích chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước để du lịch xanh cũng như ngành du lịch thúc đẩy tăng trưởng xanh trong thời gian tới.”
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bộ cũng đang cố gắng tìm những nguồn lực khác, ví dụ như các quỹ khí hậu xanh và các quỹ liên quan đồng thời sẽ trình Thủ tướng vào tháng Tư này để có hướng dẫn, kế hoạch hành động phát triển tăng trưởng xanh cụ thể cho các bộ ngành, địa phương.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()