Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:27 (GMT +7)
Có một nỗi đau dài theo năm tháng
Thứ 2, 08/08/2022 | 10:06:33 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng với nhiều cựu chiến binh (CCB) bước ra từ cuộc chiến, họ không chỉ mang vết thương trên thân thể của bản thân, mà còn là vết thương lòng đớn đau khi những người con của họ đang hằng giờ, hằng ngày phải chiến đấu với di chứng chất độc da cam (CĐDC).
Dai dẳng...
Giữa cái nóng như thiêu đốt của buổi chiều một ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà CCB Nguyễn Đại Số, 83 tuổi, ở khu 6, phường Hà Lầm (TP Hạ Long). Đón chúng tôi vào nhà, rót mời cốc nước, ông Số kể: Ông sinh ra tại Móng Cái. Năm 1950, khi ông 10 tuổi, cả gia đình ông chuyển về TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) sinh sống. Năm 23 tuổi (năm 1963), ông nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Bộ Quốc phòng). Thời gian đầu đơn vị đóng quân ở miền Bắc. Năm 1969 đơn vị ông được điều vào miền Nam chiến đấu ở mặt trận B5 (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế).
Ông Số trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971; Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; chiến đấu tại nước bạn Lào… Ông bảo: “Mình là người lính, khắp chiến trường đều có dấu chân; hành quân ở đâu dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống ở đó. Có ai nghĩ rằng bản thân mình bị nhiễm CĐDC...”.
Nhìn 2 người con là Nguyễn Thị Hải (47 tuổi) và Nguyễn Mạnh Hà (43 tuổi) bị ảnh hưởng bởi CĐDC, ông Số nói: "Khi sinh ra cả 2 đứa bình thường xinh xắn như hòn bột. Thế nhưng càng lớn thì bệnh phát ra. Gia đình đã chạy vạy đưa con chữa trị khắp nơi, nhưng chỉ thuyên giảm phần nào. Trong đó cháu Hải bị nặng hơn, trái gió trở trời là lên cơn đập phá". Vừa nói ông Số vừa chỉ lên chiếc tivi mà ông tự chế ra cách bảo vệ khi con gái lên cơn.
Nguyễn Mạnh Hà bị nhẹ hơn, học hết lớp 9, đã lập gia đình riêng cách đây gần 10 năm, có một con gái. Người vợ thấy bệnh tình của chồng càng nặng đã đưa con bỏ về quê. Năm 2020, vợ ông Số là bà Đào Thị Thúy (75 tuổi) bị tai biến mạch máu não. Một mình ông phải cáng đáng từ ăn, uống đến vệ sinh cá nhân cho cả 3 người. Giọng ông chợt nghẹn lại: "Ở cái tuổi gần đất xa trời, mấy chục năm qua, không có đêm nào tôi có được một giấc ngủ trọn vẹn vì thương con, thương vợ...".
Chúng tôi đến thăm CCB Phạm Đức Chập, 67 tuổi, ở khu 6A, phường Hà Phong (TP Hạ Long). Ông có 5 người con thì 3 người bị ảnh hưởng CĐDC. Ông Chập ngồi bần thần khi kể về nỗi đau không lành sẹo của gia đình mình. Ông nhập ngũ năm 1974, được biên chế vào đơn vị vận tải của Sư đoàn 304.
Ông Chập kể: "Tôi đã đi khắp các chiến trường miền Nam, nhưng không biết bị nhiễm CĐDC ở đâu và từ bao giờ. Chỉ biết, khi sinh 3 người con đầu là Phạm Thị Thúy (39 tuổi, vừa mất); Phạm Thị Chanh (hiện 37 tuổi) và Phạm Đức Chính (hiện 34 tuổi) đều bị di chứng liệt chân không đi được, bại não. 2 người con sau là Phạm Thị Huyền Trang (hiện 31 tuổi) và Phạm Đức Hiếu (hiện 30 tuổi), tuy may mắn lành lặn, học hết lớp 12 bình thường, nhưng đều có biểu hiện sức yếu, bệnh tật triền miên. Cả 2 đã lập gia đình riêng, nhưng đều không có được hạnh phúc, hiện tại về ở cùng với ông, bà".
Hằng ngày ông Chập và vợ đi chợ, nấu nướng cho 2 người con không có khả năng lao động, không làm được gì. Tình cảnh của ông Số, ông Chập cũng là nỗi đau chung của tất cả những nạn nhân CĐDC.
Xoa dịu
Ông Nguyễn Đại Số không dám đi đâu xa vì ở nhà để tiện chăm con, cũng là bảo vệ đồ đạc còn lại trong nhà. Ông Số cho hay: Hiện mỗi tháng vợ chồng ông được 9 triệu đồng tiền lương và tiền hỗ trợ da cam; cộng thêm trợ cấp của 2 con, tổng thu nhập cả nhà gần 12 triệu đồng/tháng. Ông bảo: "Như thế đã là sự quan tâm rất lớn của Nhà nước rồi...".
Ông Số phải tằn tiện, chắt bóp chi tiêu để dành tiền chữa bệnh cho vợ và con. Hằng ngày vợ ông được bác sĩ đến châm cứu chữa trị, nên đã đi lại được, giảm gánh nặng cho ông phần nào. Ông chỉ mong bản thân có sức khỏe để chăm lo cho các con được tốt hơn. Nói đến đây, mắt ông rớm lệ, khuôn mặt trầm tư...
Phó Chủ tịch UBND phường Hà Lầm Nguyễn Thu Thủy cho biết: Thời gian qua, địa phương đã kết nối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị thường xuyên thăm hỏi động viên gia đình ông Số; quyên góp ủng hộ để giúp gia đình vượt qua khó khăn, đảm bảo cuộc sống. Về lâu dài, trường hợp của gia đình ông Số rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là họ hàng, nội tộc, để cùng quan tâm sẻ chia, đùm bọc. Ông Số tuổi đã cao, một mình không thể chăm lo cho các con được, đây cũng là điều mà chính quyền địa phương luôn trăn trở.
CCB Phạm Đức Chập cho rằng, trước hoàn cảnh của gia đình mình thì bản thân không phó mặc được, phải vượt lên. Khi còn trẻ vợ, chồng ông lao vào làm kinh tế, từ chăn lợn, nuôi gà, lái xe đường dài… để có tiền lo thuốc thang cho con, xây căn nhà khang trang. Ông không có lương hưu, chỉ có tiền trợ cấp CĐDC hằng tháng của ông và 2 con, nhưng nhờ tiền tích lũy làm kinh tế nhiều năm trước đây, nên về mặt vật chất không phải lo nhiều.
Nhưng ông Chập vẫn lo lắng. Bản thân tuổi đã cao, bệnh tật thỉnh thoảng tái phát. Ông sợ rằng khi mình không còn nữa, ai là người lo cho những đứa con của ông...
Theo số liệu của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4.524 nạn nhân CĐDC/dioxin còn sống và hưởng chế độ trợ cấp. Trong đó 3.839 người trực tiếp tham gia kháng chiến (thế hệ thứ nhất); 685 người là con đẻ (thế hệ thứ 2); 208 người bị dị tật nặng không tự chăm sóc được bản thân, không có khả năng lao động và hòa nhập xã hội...
Ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước, những nạn nhân CĐDC được chăm lo tốt hơn, nhà ở được sửa chữa, xây mới; trợ cấp hằng tháng được nâng lên, đảm bảo mức sống tối thiểu.
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã kêu gọi Đảng ủy Than Quảng Ninh hỗ trợ cho 60 hộ gia đình với 79 nạn nhân CĐDC nặng tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều với mức 500.000 đồng/người/tháng, duy trì từ năm 2008 đến nay.
Hội vận động Hội Doanh nhân trẻ hỗ trợ 20 nạn nhân trong 3 năm (2022-2025) mỗi tháng 500.000 đồng/người. Hội phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Hội CCB tỉnh, Hội CTĐ tỉnh… chỉ đạo các cấp hội trực thuộc vận động nguồn lực để quan tâm chăm lo nạn nhân CĐDC. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, huy động được trên 2,7 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để giúp đỡ nạn nhân CĐDC có điều kiện tốt hơn trong đời sống và sinh hoạt.
Hội vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền thuốc điều trị; mua thẻ BHYT cấp phát miễn phí cho người thân chăm sóc các nạn nhân CĐDC. Đến thời điểm này, cơ bản đối tượng nạn nhân CĐDC và thân nhân nuôi dưỡng được cấp thẻ BHYT.
Năm 2016, Trung tâm Giải độc tố và Phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC/dioxin (Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh) đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tiến hành khử độc tố cho 700 hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin; quá trình khử độc, tập phục hồi chức năng mỗi đợt là 21 ngày.
Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Nguyễn Minh An chia sẻ: Khi gặp gỡ, tiếp xúc với những người cha, người mẹ bị phơi nhiễm có con bị di chứng bởi CĐDC ở thể nặng, họ đều trăn trở rằng sau này mất đi, con cái bị bệnh tật ai sẽ chăm sóc. Vấn đề này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội suy nghĩ quan tâm, mang tính lâu dài. Hiện cả nước chưa có khu tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc riêng cho nạn nhân CĐDC.
Theo ông An, việc chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC khác hoàn toàn với trung tâm bảo trợ xã hội. Bởi họ là trường hợp nặng, không tự chủ bản thân, mắc nhiều dị tật, do đó cần cơ chế đặc thù với những người chăm sóc cũng như đội ngũ y tế để họ gắn bó với nghề.
Tại nhiều cuộc họp và hội thảo, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã đề xuất vấn đề này. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC cần nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn xã hội hóa. Hy vọng rằng cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành hiện thực. Điều đó sẽ giúp xóa đi những day dứt, trăn trở của những CCB, những nạn nhân CĐDC...
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()