Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:40 (GMT +7)
Cố nhà báo, nhà thơ Như Mai: Trang viết và cuộc đời
Chủ nhật, 04/07/2021 | 09:16:40 [GMT +7] A A
Nhà thơ - nhà báo Như Mai (1924 - 2020) dành cả cuộc đời đắm đuối với chữ nghĩa và ông cũng gặp lắm thăng trầm từ chữ nghĩa.
Nhà thơ - nhà báo Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh, sinh năm 1924 tại Hải Phòng, nhưng theo cha mẹ về Sở Bưu điện Hà Nội nên tuổi thơ của ông lớn lên và học tập ở Hà Nội. Ông đỗ bằng Thành chung năm 1941 khi mới 17 tuổi.
Ông Như Mai hoạt động cách mạng từ khi mới 20 tuổi, tham gia đội Thanh niên tuyên truyền Cứu Quốc của Việt Minh, phụ trách Thanh niên cứu quốc Liên khu 2. Tháng 11/1945, ông là chính trị viên Đại đội Ký Con cùng các chiến sĩ đánh trận Đồn Cao Cô Tô. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông về Hà Nội, làm báo Cứu quốc rồi làm tại Sở Tuyên truyền văn nghệ Hà Nội, cho đến khi giải phóng thủ đô.
Ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đóng tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vào năm 1949, được coi là mô hình đào tạo báo chí đầu tiên của nước ta.
Hòa bình lập lại, tháng 12/1954, nhà báo Như Mai công tác tại Sở Báo chí Trung ương. Năm 1956, Trung ương tổ chức một trại sáng tác tại Hà Nội, viết về thành công của cải cách ruộng đất. Một hôm, đọc xã luận báo Nhân dân, thấy báo phê phán lối sáng tác máy móc, ông viết luôn truyện “Thi sĩ máy”, đăng trên tạp chí "Nhân văn” số 5, đả kích lối văn chương rập khuôn, máy móc, nhạt nhẽo và vô bổ. Truyện vui này đã khiến ông bị liệt vào nhóm “Nhân văn giai phẩm”.
Năm 1958, ông Như Mai về công tác ở Báo Vùng Mỏ (sau này là Báo Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) làm Tổ trưởng Tổ Công nghiệp, rồi Thư ký toà soạn. Từ năm 1978-1987, ông là Phó Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn. Ông được biết đến là một nhà báo rất cẩn trọng từng chữ nghĩa. Ông thẳng thắn phê phán những hiện tượng sáo rỗng, rập khuôn, máy móc, một chiều. Trong việc bếp núc của nghề, ông rất trân trọng sức lao động của phóng viên và cộng tác viên. Ông cẩn trọng chăm chút từng tin, bài, trăn trở với từng vấn đề từng chi tiết để sao cho báo ra đẹp và hay, báo ít sạn nhất.
Năm 1987, nhà báo Như Mai nghỉ hưu và sau đó làm cộng tác biên tập cho Báo Hạ Long của Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Báo Văn nghệ Hạ Long ngày một được bạn đọc mến mộ. Ông đấu tranh quyết liệt với tiêu cực bằng văn nghệ. Với những bút danh như: “Máy Gạt” hay “Châm Văn Biếm”, nhà báo Như Mai đã làm cho Báo Hạ Long tăng cường tính phản biện phê phán cái xấu, cái lạc hậu, đấu tranh chống tiêu cực. Báo Hạ Long được bạn đọc mến mộ chào đón mỗi khi xuất bản. Không riêng gì giới văn nghệ sĩ đọc báo mà công chúng xã hội cũng tìm đọc.
Ngoài làm báo, ông Như Mai còn được biết đến với tư cách nhà thơ. Khi viết báo, nhà báo Như Mai sắc sảo, tỉnh táo bao nhiêu thì khi làm thơ, ông lại ngẫu hứng bấy nhiêu. Ngẫu hứng cũng là tên tập thơ duy nhất ông cho xuất bản. Thơ ông mang nặng tâm sự thời thế. Nhưng còn một mảng thơ khác là tình mới đúng cái "chất Như Mai", một giọng điệu thơ thiết tha, xúc động, ngẫu hứng tuôn trào theo dòng cảm xúc.
Ghi nhận những đóng góp cho quê hương đất nước và sự nghiệp báo chí, nhà báo, nhà thơ Như Mai đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và nhiều bằng khen vì sự nghiệp báo chí, sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()