Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:49 (GMT +7)
Có những người Hòn Gai thế đấy
Chủ nhật, 02/01/2022 | 11:29:55 [GMT +7] A A
Sau khi tìm gặp vợ chồng ông bà Bùi Văn Hùng - Trịnh Thị Sinh cùng người con trai Bùi Văn Hà, ở ngõ 2, phố Rạp Hát, phường Bạch Đằng, tôi được nghe ông Phùng Văn Ân, sinh năm 1947, trong ngôi nhà khiêm nhường ở tổ 9A, khu 1, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, kể câu chuyện dưới đây.
Tháng 3/1993, qua bạn đồng nghiệp ở Điện lực Quảng Ninh, tôi đến nhà bà Tài Sơ, ngụ tại phường Bạch Đằng, đối diện Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Ninh. Qua câu chuyện, bà tha thiết đề nghị tôi và anh Nguyễn Bá Sơn cùng con trai cả của bà - anh Bùi Văn Hùng, vào phía Nam tìm mộ con trai - liệt sĩ Bùi Văn Thái, sinh năm 1948, hy sinh ngày 7/5/1972 tại mặt trận Kon Tum. Sau lúc tôi nhận lời, bà mẹ liệt sĩ chân tình: “Tôi cảm ơn trước công lao các anh tìm được phần mộ em nó. Nếu không tìm thấy, các anh hãy xem như tôi tặng một chuyến du lịch hiểu biết thêm cảnh đẹp đất nước. Còn sau khi tìm thấy phần mộ (giọng bà đột nhiên xúc động, chùng hẳn xuống), đưa hài cốt về đây hay để nó yên nghỉ cùng đồng đội thì phải hỏi em Thái”.
Tới đây, tôi thấy cần phải nói đôi dòng về anh Nguyễn Bá Sơn. Anh sinh năm 1937, quê gốc ở Xuân Sơn, TX Đông Triều hiện nay. Năm 1962, Bá Sơn đi lính Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Năm 1964, anh ra quân, về làm nhân viên bảo vệ Nhà máy điện Hòn Gai - một trong hai đơn vị tiền thân của Điện lực Quảng Ninh ngày nay. Trong thời điểm căng thẳng của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tháng 7/1967, Nguyễn Bá Sơn tái ngũ. Khi Bùi Văn Thái hy sinh, anh Sơn là Chính trị viên C209, D406 đặc công, tỉnh đội Kon Tum.
Anh Nguyễn Bá Sơn, tôi và ông Hùng lên Hà Nội được em gái ông - bà Bùi Thị Dương, lo giúp chuyến bay vào miền Trung. Ngày ấy, sân bay Pleiku không đón được máy bay cỡ lớn. Chúng tôi phải vào sân bay Đà Nẵng rồi chuyển tiếp sang máy bay nhỏ hơn để đi sân bay Pleiku.
Ngược thời gian, ngày 27/7/1967, tôi và Bùi Văn Thái nhập ngũ ở Tràng Lương, Đông Triều, cùng C4, D9, E127, Bộ Tư lệnh Hải quân - Quân khu Đông Bắc. Trên đường Trường Sơn, đơn vị mang phiên hiệu Đoàn 341; vào Nam, biên chế C209, D406, tỉnh đội Kon Tum. Sau 2 tháng ở C209, Thái được rút lên tiểu đoàn bộ. Anh rất thông minh. Ngoài trôi chảy nhiệm vụ trợ lý quân giới, anh chuẩn bị các báo cáo của tiểu đoàn gửi cấp trên, luôn được biểu dương, khen thưởng. Nhiều lần anh xin ra trận, song lãnh đạo đơn vị, đặc biệt chính trị viên đại đội Nguyễn Bá Sơn động viên: “Có quân nhân ra phía trước, vẫn cần những người lính phía sau hoàn thành nhiệm vụ!”. Tuy vậy, Thái không nao núng. Không thể mãi từ chối nguyện vọng thiết tha của người chiến sĩ dũng cảm, ngày 7/5/1972, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, lãnh đạo tiểu đoàn cho Bùi Văn Thái ra trận cùng đồng đội. Hành quân ra chốt Ngọc Lặc, căn cứ Măng Bút, Kon Tum (trong chiến tranh biệt danh huyện 29, sau hòa bình mang tên huyện Cam Long). Đau đớn thay, chưa ra tới chốt, Bùi Văn Thái và Nguyễn Hữu Tưởng (quê Đức Chính, Đông Triều) đã vướng mìn claymore của giặc, hy sinh anh dũng.
Tháng 8/1974, Tiểu đoàn đánh lại căn cứ Măng Bút. Tôi bị sốt cao, không ra chốt được, liền đến bên mộ Thái nằm cạnh cây to, bóc vỏ cây, khắc hai chữ “BT”.
Trở lại chuyến đi của anh Sơn, tôi và anh Bùi Văn Hùng vào Pleiku. Chúng tôi được già làng và xã đội đưa đến tận nơi đầu tiên chôn cất hai anh Thái và Tưởng. Tuy nhiên, già làng xác nhận: “Năm 1978, hài cốt hai anh đã được Tiểu đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ, tỉnh đội Kon Tum, do đồng chí A Éo chỉ huy, đưa về nghĩa trang tỉnh Kon Tum”.
Tỉnh đội Kon Tum cử 6 đồng chí công binh, đem theo 10 lít rượu và 10m vải khâm liệm đi cùng chúng tôi về nghĩa trang liệt sĩ. Trên đường đi rét quá, anh Hùng phải lấy vải liệm quấn quanh người… Vượt quãng đường khoảng 40km rừng núi, đoàn chúng tôi về đến nghĩa trang Kon Tum an toàn; mau chóng tìm được hai phần mộ của liệt sĩ Bùi Văn Thái và Nguyễn Hữu Tưởng. Mặc dù đã chuẩn bị cho việc di chuyển hài cốt của liệt sĩ Thái về quê nhà nhưng cuối cùng, chúng tôi quyết định để anh ở lại nghĩa trang yên nghỉ cùng đồng đội.
Trước khi bài báo lên khuôn, qua điện thoại, người viết bài này được bà Bùi Thị Thụy - chị ruột liệt sĩ Bùi Văn Thái, kỹ sư nông nghiệp, đang ở phường Tân Phong, Quận 7, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trừ 2 năm bệnh dịch vừa rồi, còn hầu như năm nào thân nhân cũng đến nghĩa trang liệt sĩ Kon Tum thắp nén tâm nhang cho liệt sĩ Bùi Văn Thái và đồng đội của anh đang yên nghỉ trên mảnh đất phía Bắc Tây Nguyên hào hùng”.
Bà Thụy cũng một lần nữa thay mặt gia đình liệt sĩ Bùi Văn Thái bày tỏ tri ân chân thành của gia đình tới cố Chính trị viên Nguyễn Bá Sơn và ông Phùng Văn Ân. Cũng nhân dịp này, người viết bài gửi tới bà một số thông tin về họ: Thứ nhất, ông Nguyễn Bá Sơn, sinh năm 1937. Đầu năm 1974, ông rời quân ngũ với chức danh chính trị viên phó tiểu đoàn; trở lại Nhà máy điện Hòn Gai. Ông nghỉ hưu khi đang là Trưởng Phòng Bảo vệ Điện lực Quảng Ninh. Ông về cõi vĩnh hằng cách đây 2 năm. Người bạn đời của ông là bà Nguyễn Thị Gá, trước ngày nghỉ hưu cũng là công nhân Điện lực Quảng Ninh, trú tại tổ 6, khu 1, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Thứ hai, ông Phùng Văn Ân trước khi nhập ngũ tháng 7/1967 là công nhân phân xưởng lò Nhà máy điện Hòn Gai. Ra quân tháng 11/1975, ông trở về cơ quan cũ, làm nhân viên hành chính, sau đó là nhân viên bảo vệ Điện lực Quảng Ninh; về hưu tháng 8/1992. Vợ ông Ân là bà Nguyễn Thị Chiển cùng làm cơ quan với ông. Cần nói thêm, hai ông Nguyễn Bá Sơn và Phùng Văn Ân còn có điểm trùng hợp khá thú vị: Đều có 3 cô con gái hiền thảo.
Phùng Ngọc Dũng
Liên kết website
Ý kiến ()