Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:56 (GMT +7)
Coi trọng bảo vệ môi trường từ khai thác khoáng sản
Thứ 3, 23/08/2022 | 12:23:18 [GMT +7] A A
Là địa phương có nhiều mỏ khai thác khoáng sản, công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với các cơ sở khai thác khoáng sản luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, với quan điểm đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Theo đánh giá, rà soát của Sở TN&MT, qua kiểm tra và trên cơ sở báo cáo định kỳ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của các đơn vị cho thấy, các đơn vị khai thác khoáng sản cơ bản đưa công tác BVMT đi vào nền nếp. Cụ thể: Thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; quan trắc môi trường định kỳ; kê khai nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp; thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường theo quy định... Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh có 128 phương án cải tạo, phục hồi, BVMT với số tiền ký quỹ lên tới trên 210 tỷ đồng.
Trong đó, các đơn vị ngành Than đã triển khai, duy trì và tăng cường một số giải pháp bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường chính, như: Xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung (cả khai thác hầm lò và lộ thiên, nước thải sinh hoạt); xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom, lắng lọc nước mưa chảy tràn, kè chắn từ các mặt bằng sân công nghiệp, kho đống, bến cảng, khu chế biến than, hồ chứa; thu gom triệt để sản phẩm than cuốn trôi theo nước mưa. Các nhà máy tuyển than đã có hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường.
Công tác chống bụi trong sản xuất than cũng được đẩy mạnh bằng việc đầu tư bổ sung năng lực xe tưới nước dập bụi, hệ thống cấp nước chống bụi trên các bãi thải, làm bao che chống bụi cứng trên toa xe, xây dựng trạm rửa xe ô tô và toa xe, đầu tư xe tưới đường mỏ chuyên dùng công suất lớn.
Đối với các hoạt động khai thác khoáng sản khác, các đơn vị cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, quy định về BVMT. Trong đó, 100% đơn vị đang thực hiện khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, như: Lắp đặt nhà khung kín tại 2 bộ phận sàng nghiền; lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi tại các máng cấp liệu, đầu băng tải và xung quanh khu vực bãi chứa thành phẩm.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải tạo, phục hồi, BVMT nhưng thực tế hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường do việc phá vỡ cảnh quan, phát sinh bụi, đất đá thải mỏ, nước thải mỏ và chất thải nguy hại...
Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra trên địa bàn tỉnh từ lâu, song công tác cải tạo, phục hồi, BVMT mới chính thức được đẩy mạnh từ sau khi có Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg (ngày 29/5/2008) của Chính phủ về việc ký quỹ cải tạo, phục hồi, BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Do vậy, việc khắc phục hậu quả của quá khứ còn rất nặng nề, đòi hỏi các đơn vị phải bỏ một nguồn vốn lớn, thời gian đầu tư dài. Ngoài ra, nhận thức của một số chủ mỏ còn chưa đầy đủ với nghĩa vụ cải tạo, phục hồi, BVMT cần phải thực hiện. Các văn bản pháp luật triển khai chưa đồng bộ, nhiều vấn đề còn mới, pháp luật điều chỉnh chưa kịp thời, chưa sát với thực tế cuộc sống; quy định về khung xử phạt một số hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, khoáng sản còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Công tác quản lý về hoạt động khoáng sản còn chưa theo kịp tốc độ phát triển, công tác lập và thực hiện quy hoạch khoáng sản còn chậm. Việc đầu tư công nghệ chế biến sâu khoáng sản để nâng cao giá trị đã được quan tâm nhưng chưa được đồng bộ.
Đáng chú ý, một số khu vực khai thác than, đất, khoáng sản khác từ trước đây do quá trình đô thị hóa nhanh nên hiện nay lại trở thành tác nhân gây ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường khu vực. Cùng với đó, việc chồng lấn ranh giới, xen kẹp khai trường với khu dân cư do lịch sử để lại đã khiến cho hoạt động khoáng sản trái phép có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.
Chính vì vậy, quá trình khai thác than trên địa bàn tỉnh hiện cũng còn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, dân cư, sạt lở bãi thải, trôi lấp đất đá, bồi lấp sông suối thoát nước, mặt bằng sản xuất, khu dân cư hay bụi bẩn...
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Sở TN&MT cũng đã có văn bản báo Bộ TN&MT đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác, gia hạn, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án khai thác khoáng sản, nhất là các dự án khai thác khoáng sản của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi, BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản. Đồng thời, không tiếp nhận thẩm định hồ sơ cấp phép, gia hạn không đảm bảo các điều kiện về khoáng sản, đất đai và BVMT.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()