Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:18 (GMT +7)
Còn mãi ký ức ngày tiếp quản
Chủ nhật, 25/04/2021 | 06:40:29 [GMT +7] A A
Những ngày này cách đây 66 năm, Vùng mỏ rực rỡ cờ hoa, vỡ òa hạnh phúc đón bộ đội ta tiến về tiếp quản, chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp cai trị. Thời gian dẫu có lùi xa nhưng sự kiện đó vẫn vẹn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân về truyền thống đấu tranh bất khuất giành quyền làm chủ Vùng than.
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhớ lại: Ngay từ khi khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả còn nằm trong vùng tập kết 300 ngày, chủ trương của Đảng ta là phải đập tan các âm mưu ép đồng bào ta di cư vào Nam và chủ mỏ tháo dỡ máy móc đem đi.
Vào tháng 3/1955, chủ mỏ di chuyển 8 động cơ Nhà máy điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam, chúng ta đã tổ chức cho công nhân ở Nhà máy cơ khí Cẩm Phả buộc giới chủ mỏ phải dừng việc tháo dỡ máy móc ngăn chặn được chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu xuống tàu.
Các lực lượng ta tiến vào tiếp quản Hòn Gai ngày 25/4/1955. |
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm lúc đó mới có 30 tuổi đã được cử giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Hồng Quảng. Đồng chí Hoàng Hữu Nhân được Trung ương cử xuống làm Bí thư. Quán triệt chỉ đạo, biên bản bàn giao với Pháp được ký tối 21/4/1955. Sáng hôm sau, Ủy ban Quân chính khu Hồng Quảng tập kết tại Mông Dương chính thức tiếp quản Cửa Ông rồi qua Cẩm Phả về Hòn Gai. Các mũi khác tiến vào Uông Bí, Quảng Yên.
Cụ Trần Văn Lưu, hiện ở khu Thống Nhất, phường Cẩm Tây (Cẩm Phả), kể: Là lái xe trên mỏ, tôi được điều về Đông Triều để học lớp tiếp quản rồi được phân công lên Hà Nội nhận xe ô tô, nhận một số quân trang, quân dụng chở về Đồn Cao cho bộ đội. Ngày 18/4/1955, tôi chở đội công an trật tự về Cửa Ông để nhận bàn giao; ngày 22/4/1955 lại chở một đội khác về Hòn Gai.
Đến ngày 23/4/1955, cụ Lưu được điều sang Ban Quân chính, được phân công trực tiếp lái xe cho đồng chí Phạm Hoành, Chính trị viên Khu đội Hồng Quảng, trưởng đoàn cán bộ của ta vào nhận bàn giao với Pháp. Sáng 24/4/1955, cụ Lưu đưa đồng chí Phạm Hoành sang nhận bàn giao ở Hòn Gai rồi tiếp tục đón bộ đội vào tiếp quản. Khoảng 12 giờ trưa tôi đưa anh Hoành ra cầu Kênh Liêm để đón Trung đoàn 244 vào tiếp quản.
Theo cụ Lưu, lúc đó, đồng chí Phạm Hoành đứng trên xe mui trần giơ tay chào nhân dân. Đến cổng Nhà máy Cơ khí Hòn Gai thì xe dừng lại, đồng chí Phạm Hoành cử 3 bộ đội bồng súng vào thay thế cho lính Pháp để canh gác nhà máy. Lính Pháp giơ tay chào rồi rút ra bến Hòn Gai xuống chiếc tàu há mồm đang đợi sẵn. Chiếc tàu kéo một hồi còi buồn bã rời bến.
Về lực lượng giải phóng Vùng mỏ, ông Nguyễn Cảnh Loan, nguyên Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh, cho biết: Tiếp quản Hòn Gai lúc đó có 2 tiểu đoàn bộ binh, 4 đại đội trợ chiến. Đoàn tiếp quản đi qua phà Bãi Cháy đến Loong Tòong - Lán Đạo - dốc Bồ Hòn - Phố Chợ - Sân vận động. Bà con nhân dân tập trung đón bộ đội ở Phố Mới, Phố Chợ, nhà máy chính Hòn Gai.
Ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, cho biết: Tôi nhớ mãi cái hôm bộ đội vào tiếp quản cơ man nào là cờ, hoa đón chào không khí vui như mở hội. Lúc đó, tôi đã được bầu là Liên đội trưởng Liên đội thiếu niên của Trường Tiểu học Cẩm Phả. Chúng tôi luôn tổ chức các hoạt động ngoài giờ để giúp nhân dân, như: Quét dọn ngoài đường phố, sân vận động; gánh nước, trông em bé giúp những cô chú công nhân neo đơn...
Cụ Hoàng Bách (tức Phạm Khắc Hựu), nguyên Bí thư Đảng ủy mỏ than Đèo Nai, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả, là người được kết nạp Đảng và tham gia chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng mỏ Cẩm Phả, trực tiếp vận động công nhân đấu tranh với chủ mỏ, gia nhập quân đội, xây dựng lực lượng nòng cốt trong đấu tranh và trực tiếp tham gia tiếp quản khu mỏ ngày 22- 25/4/1955.
Bộ đội ta tiếp quản thị trấn Cửa Ông. Ảnh: TTXVN |
Khi nhận được chỉ thị của tổ chức, Khu ủy Hồng Quảng chuẩn bị giải phóng khu mỏ, cụ Hoàng Bách đã trực tiếp chỉ đạo các cơ sở Đảng, các tổ chức công đoàn vận động công nhân chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, dựng cổng chào, băng zôn chào mừng bộ đội; vận động công nhân đấu tranh bảo vệ giữ lại các máy móc, xe ô tô mà bọn thực dân Pháp định mang xuống tàu chở về nước, vận động công nhân và nhân dân đấu tranh với bọn tay sai, cai thợ, giám thị tiếp tay cho Pháp phá hoại sản xuất, chuẩn bị lực lượng công nhân và nhân dân chờ đón bộ đội ta về tiếp quản khu mỏ.
Ngày 25/4/1955, bộ đội ta tiến vào tiếp quản Hòn Gai. Chủ tịch Ủy ban Quân quản Nông Quang Dũng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định của Ủy ban Quân chính. Lãnh đạo khu Hồng Quảng lúc đó gồm đồng chí Hoàng Hữu Nhân là Bí thư, Nông Quang Dũng là Chủ tịch Ủy ban Quân quản, Nguyễn Ngọc Đàm là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, Tăng Văn Hội làm Khu đội trưởng và đồng chí Phạm Hoành làm Chính trị viên. Sự kiện tiếp quản Vùng mỏ đã đánh dấu một mốc son chói lọi của phong trào cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong suốt chặng đường đấu tranh dựng nước, giữ nước và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Vùng mỏ đẹp giàu hôm nay.
Thời gian có thể làm lu mờ nhiều thứ nhưng với những người tham gia tiếp quản Vùng mỏ thì dường như sự kiện này mới diễn ra. Những câu chuyện của họ như những mảnh ghép sinh động tái hiện cho thế hệ sau về một sự kiện lịch sử đáng nhớ.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()