Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:38 (GMT +7)
Cơn mưa "vàng"
Thứ 7, 04/07/2020 | 05:44:06 [GMT +7] A A
Ngày hôm qua (3/7), rạng sáng hôm nay, những cơn mưa “vàng” đã đổ xuống một số địa phương của Quảng Ninh, trong đó có TP Hạ Long, sau một thời gian dài thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài. Những cơn mưa tuy không nhiều nhưng là một tín hiệu vui, tích cực, cắt nguy cơ thiếu nước bởi suốt vài tháng qua rất nhiều hồ trên địa bàn tỉnh đã rơi vào tình trạng báo động về mực nước chết, cạn trơ đáy.
Hẳn mọi người chưa quên tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn đã, đang xảy ra trên diện rộng, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua. Hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt gây khó khăn, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân nơi đây. Hàng triệu người dân miền sông nước Tây Nam Bộ phải đi xa vài cây số để mua nước ngọt với giá cao gấp hàng chục lần, lên đến 150.000-200.000 đồng/m3. Thiếu nước ngọt đã làm cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng không kém.
Ở Quảng Ninh, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, suốt một thời gian dài vừa qua, trên địa bàn tỉnh mưa rất ít. Dù thời điểm này đã bước vào mùa mưa nhưng lượng mưa quá thấp đã làm nhiều hồ thuỷ lợi khô hạn bất thường, xuống gần đến mực nước chết.
Đơn cử như tại Yên Lập - hồ lớn nhất tỉnh, lần đầu tiên trong lịch sử, mực nước trong hồ xuống mức thấp kỷ lục, nhiều khu vực cạn trơ đáy. Tại thời điểm đo ngày 30/6/2020, mực nước hồ Yên Lập chỉ còn 17,68 mét (cách mực nước chết 7,6 mét) tương đương 32,8 triệu m3 nước, bằng ¼ dung tích thiết kế (cao trình thiết kế 29,5 mét tương đương 127 triệu m3). So với cùng kỳ năm 2019, lượng nước trong hồ giảm 54,3 triệu m3. Theo tính toán thì 1 tháng nữa không có mưa, mực nước hồ Yên Lập sẽ chạm mực nước chết.
Thiếu nước, khô hạn, nguy cơ tiệm cận mực nước chết là tình trạng chung của nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh như: Khe Mai (Vân Đồn); Khe Cát, Khe Táu (Tiên Yên); Trại Lốc 1, Khe Ươn 1 (Đông Triều); Yên Dưỡng, Tân Lập (Uông Bí); Sau Làng (Hạ Long)…
Tính đến ngày 30/6/2020, lượng nước tại 25 hồ lớn của tỉnh còn hơn 133 triệu m3, giảm hơn 60 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mối lo về khả năng thiết hụt nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của các địa phương.
Trước thực trạng khó khăn này, để góp phần giảm nguy cơ thiếu nước thì việc dùng nước sạch, nước ngọt một cách tiết kiệm của người dân là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng khô hạn nên việc dùng nước thoải mái của người dân đã trở thành thói quen. Thế nhưng, lượng nước từ các hồ về nhà máy xử lý nước sạch rồi đến tay người tiêu dùng là vô cùng lớn. Chính vì vậy, khi các hồ sắp về mực nước chết, nếu mỗi người, mỗi nhà không tiết kiệm nước thì chắc chắn rằng tình trạng thiếu nước sạch sẽ xảy ra. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… trên địa bàn tỉnh.
Một trong những lĩnh vực cũng sử dụng nhiều nước ngọt đó là sản xuất nông nghiệp. Thời điểm này, một số địa phương đã bắt đầu làm đất, gieo cấy lúa vụ mùa, chắc chắn nhu cầu cấp nước sẽ tăng. Vậy nên để đảm bảo công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất, các địa phương cần xây dựng kế hoạch gieo trồng cho phù hợp với tình hình thực tế tại các hồ chứa nước, đồng thời có kế hoạch thay đổi cơ cấu cây trồng nếu cần thiết.
Nguồn nước từ các hồ đang cạn dần, nếu mưa không đến kịp thời thì chắc chắn rằng cuộc sống của hàng nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, điều cần làm ngay lúc này là các địa phương, ngành nước phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, không lãng phí trong sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, chúng ta mới chủ động vượt qua giai đoạn hạn hán kéo dài như hiện nay và chờ đợi những cơn mưa “vàng” sẽ đến kịp thời, nhiều hơn.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()