Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:49 (GMT +7)
Công cụ hữu hiệu bảo tồn đa dạng sinh học
Thứ 6, 08/12/2017 | 15:27:34 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được ví như “một nước Việt Nam thu nhỏ”, có đa dạng các loại địa hình từ đồng bằng, vùng núi, ven biển... là cơ sở tạo ra sự phong phú, độc đáo về đa dạng sinh học (ĐDSH).
[links()]
ĐDSH ở Quảng Ninh có giá trị rất to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh: Cung cấp nguồn gen quý, các nguyên vật liệu cần thiết, các giá trị về văn hóa - xã hội, các dịch vụ về hệ sinh thái (HST) được khai thác phục vụ cho cuộc sống của con người. Đây là những tài nguyên quý giá, không thể thay thế cần được quan tâm bảo vệ và quản lý khai thác, phát triển hợp lý.
Cá thể khỉ được thả về Vườn Quốc gia Bái Tử Long. |
Theo kết quả điều tra của Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 thì Quảng Ninh có tính ĐDSH cao với 4.350 loài, 2.236 chi, 721 họ thuộc 19 ngành; 3 giới động vật, nấm và thực vật đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng gen. Bên cạnh đó, có 5 dạng cảnh quan chính quyết định sự đa dạng của các hệ sinh thái trong tỉnh, như cảnh quan núi, đồi, bãi triều, đồng bằng hẹp ven biển, bãi bùn, biển, hải đảo... Toàn tỉnh có 4 khu vực chính có rạn san hô là Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đảo Cô Tô và đảo Trần. Ngoài ra, Quảng Ninh có hơn 2.000 hòn đảo, mỗi đảo lại có sự đa dạng độc đáo riêng tạo ra nhiều biến dị di truyền trong cùng một loài.
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương trên cả nước có nhiều khu vực được bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học, bảo vệ môi trường theo nhiều hình thức khu bảo tồn khác nhau, gồm: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu bảo vệ cảnh quan Rừng Quốc gia Yên Tử, Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm tại TP Hạ Long. Ngoài ra, theo Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Ninh có thêm 2 khu vực được quy hoạch để bảo tồn ĐDSH là: Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần và Khu vực vùng cửa sông Tiên Yên.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, một thực tế là đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh phải dựa vào tài nguyên thiên nhiên thông qua các hoạt động khai thác lâm sản làm nhà, chất đốt, thuốc chữa bệnh, khai phá đất đai làm nương rẫy sản xuất lương thực,... Bên cạnh đó nhiều người dân, các tổ chức còn khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm với nhiều loại có giá trị thương phẩm cao mang bán kiếm lời.
Có thể thấy, tài nguyên thiên nhiên đang bị sức ép rất lớn từ nhiều phía, nhất là cộng đồng người dân địa phương. 73% số người được hỏi đều trả lời hiện nay hộ gia đình mình có khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ rừng, tại khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Số lần vào rừng trung bình là 2-4 lần/tháng. Thời gian tập trung vào rừng nhiều nhất là các tháng trước thu hoạch. Đối tượng vào rừng nhiều nhất là các hộ nghèo đói, thiếu lương thực. Các sản phẩm khai thác gồm các loài cây, con lâm sản ngoài gỗ.
Một nguyên nhân nữa là do áp lực từ việc tăng dân số nhanh, các nhu cầu về sinh hoạt và đời sống đòi hỏi ngày một tăng, nạn buôn bán động vật hoang dã, hoạt động du lịch và trình độ nhận thức của người dân về công tác bảo tồn thiên nhiên còn nhiều hạn chế đã làm tăng mật độ các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng đệm, ngày càng ảnh hưởng mạnh tới ĐDSH và cảnh quan trong vùng. Bên cạnh các hoạt động khai thác bất hợp pháp các nguồn lợi tự nhiên đã tác động xấu đến môi trường sống của một số loài động vật, khiến nhiều loài phải di dời khỏi nơi sinh sống.
Hệ sinh thái tùng, áng trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Tạ Quân |
Việc dùng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đệm cũng đã và đang gây ô nhiễm môi trường và làm suy giảm các chức năng quan trọng của HST rừng. Nhiều diện tích nương rẫy cố định trong vùng đệm và vùng lõi do kỹ thuật canh tác chưa hợp lý nên làm cho đất bị suy thoái do xói mòn mạnh, một số loài động vật bị mất đi sinh cảnh sống. Mặt khác, mặc dù hệ thống kiểm lâm đã được bố trí từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, là nguồn lực tốt cho công tác bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là nguồn nhân lực và tài chính hạn chế, chỉ riêng bảo vệ tốt tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng đã là rất khó khăn, chứ chưa nói đến bảo vệ tốt các loài.
Hiện nay, Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 2754/QĐ-UBND ngày 25/10/2012 phê duyệt Kế hoạch hành động về ĐDSH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên Kế hoạch chưa được triển khai, trong khi nhiều nội dung của Kế hoạch đã không còn phù hợp. Cùng với đó, việc thiếu các quy hoạch, kế hoạch bảo tồn phù hợp đã để mất đi nhiều hệ sinh thái đặc thù, các loài động, thực vật quý hiếm, xuất hiện nhiều mối đe dọa tới ĐDSH của tỉnh như: Sự du nhập các giống mới và các loài ngoại lai (một cách chủ động và bị động) như các giống thủy sản, giống cây trồng, các loài ngoại lai xâm hại như cây mai dương (trinh nữ đầm lầy) hay ốc bươu vàng...
Từ thực tế trên cho thấy, việc thông qua "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ tính ĐDSH các hệ sinh thái, bảo vệ các loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng, bảo tồn nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()