Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:04 (GMT +7)
Công điện về việc chủ động các biện pháp đối phó với cơn bão số 14 (HAIYAN)
Chủ nhật, 10/11/2013 | 16:10:19 [GMT +7] A A
Trước diễn biến của cơn bão HAIYAN, dự báo sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, hôm nay 10-11, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 21 về việc chủ động các biện pháp đối phó với bão số 14 gửi chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Sơ đồ đường đi của bão số 14. |
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 11 giờ hôm nay (10/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông cách bờ biển Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị khoảng 190 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km. Đến 22 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thanh Hóa – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11 (89-117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, tốc độ di chuyển 15 km một giờ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm nay gió mạnh dần lên, vùng biển Cô Tô – Quan Lạn gió cấp 7 – 8, giật cấp 9 – 10. Vùng Hạ Long – Cẩm Phả gió cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9, biển động mạnh, toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to. Diễn biến của Bão HAIYAN còn rất phức tạp, để chủ động đối phó với bão, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
1.Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Công điện số 20/UBND, ngày 09/11 và Công điện số 10/VP của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh.
2. Các địa phương ven biển tổ chức sơ tán dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, công việc này cần hoàn thành trước 20 giờ hôm nay.
3. Các địa phương miền núi triển khai ngay các phương án phòng chống lũ quét và sạt lở đất đá, sơ tán dân ra khỏi những nơi có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Tuyên truyền phổ biến cho nhân dân không ra sông vớt củi, không đi qua các ngầm tràn khi đang có lũ.
4. Các địa phương, các chủ công trình hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để quản lý vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho hồ chứa và vùng hạ du. Chủ động tiêu thoát nước đệm ở những vùng trũng thấp đề phòng mưa lớn gây ngập úng.
5. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các công ty thành viên triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn cho các khu mỏ, hầm lò, nhà máy, xí nghiệp, bến cảng…
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, duy trì lực lượng cứu nạn để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu, báo cáo kết quả triển khai về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh.
Liên kết website
Ý kiến ()