Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo - Điểm sáng trong đại dịch Covid-19
Thứ 4, 16/11/2022 | 08:28:29 [GMT +7] A A
Để tạo sự bứt phá và lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới, ngay đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU "Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030". Đến nay, sau 2 năm thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, khẳng định hiệu quả, tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) phát triển nhanh, bền vững, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh.
Quảng Ninh luôn được Trung ương xếp vào nhóm các địa phương có dư địa phát triển ngành công nghiệp CBCT dựa trên nền tảng của ngành khai thác, chế biến than đã có từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành liên quan, ngành công nghiệp CBCT tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong 24 mã ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 thì đa số dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít, chưa phát triển đột phá công nghiệp sạch, công nghệ cao; hiệu quả SXKD của một số dự án đầu tư chưa cao, chưa có những doanh nghiệp công nghiệp lớn, thương hiệu mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước cũng như toàn cầu. Công nghiệp CBCT chưa đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh thời gian qua; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương còn nhỏ. Hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp CBCT còn thấp, phần lớn là các dự án còn thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, giá trị gia tăng thấp...
Từ nhận diện những thách thức và đánh giá tiềm năng, cơ hội phát triển ngành công nghiệp CBCT và với quyết tâm đưa ngành này trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020). Đây được xem là chủ trương, quyết sách đúng đắn để tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh hơn nữa cho ngành công nghiệp CBCT trong giai đoạn mới.
Quan điểm xuyên suốt Nghị quyết là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp CBCT có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở từng vùng, từng địa phương, từng KKT, KCN, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT để phát triển KCN và dự án công nghiệp CBCT. Ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp CBCT công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp CBCT với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Nghị quyết xây dựng rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó tập trung xây dựng và thực hiện chính sách phát triển công nghiệp CBCT; xây dựng, phát triển ngành công nghiệp CBCT gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tổ chức phân bố không gian trong xây dựng quy hoạch tỉnh; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng; huy động nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN và hợp tác quốc tế; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển ngành công nghiệp CBCT.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh xác định phải đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp CBCT, gồm đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp CBCT; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp CBCT trong GRDP và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển CBCT.
Với những quyết sách đúng đắn và chủ trương thu hút đầu tư bài bản, dài hạn, trong 2 năm qua, lĩnh vực công nghiệp CBCT có sự tăng trưởng đột phá, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế chung của cả tỉnh với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19% (gần gấp đôi so với năm 2020), đóng góp 3,36 điểm % vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 10,97%. Như vậy, bình quân 2 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, tốc độ tăng trưởng đạt gần 19% (cao hơn so với Nghị quyết 01-NQ/TU đề ra là 17%/năm). Tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong GRDP của tỉnh nâng từ 9,9% năm 2020 lên 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng năm 2022.
Toàn tỉnh đã thu hút 14 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp CBCT. Trong đó, năm 2021 thu hút 10 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án; 9 tháng năm 2022 thu hút 4 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 1 dự án. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp CBCT đạt con số ấn tượng với trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI trên 1,1 triệu USD (đạt 65,8% mục tiêu đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm). Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp CBCT đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động mới, nâng tổng số 63.000 lao động làm việc trong lĩnh vực này. Qua đó góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Dự án Jinko Solar Việt Nam có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng, tỷ suất vốn đầu tư 417 tỷ đồng/ha, cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN của tỉnh Quảng Ninh tính đến hiện tại. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ khi quyết định đầu tư vào Quảng Ninh để thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển. Khi thực hiện xây dựng, Quảng Ninh đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, giúp cho chúng tôi có thể hoàn thành nhanh chóng dự án để đi vào sản xuất. Đây cũng là dự án xác lập kỷ lục mới về thời gian cấp phép đầu tư, với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ. Nhờ đó ngay trong tháng 1/2022, dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD đã cho ra sản phẩm đầu tiên chỉ sau 4 tháng triển khai xây dựng, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra. Chúng tôi sẽ quyết tâm sản xuất nhiều sản phẩm để hoàn thành chuỗi cung ứng của công ty, cũng như đóng góp thuế đầy đủ trong quá trình hoạt động.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp CBCT công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()