Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 05:53 (GMT +7)
Công nghiệp văn hóa nhức nhối bản quyền
Thứ 6, 25/08/2023 | 07:39:22 [GMT +7] A A
Vụ Phimmoi.net kéo dài 13 năm, vụ kiện bài thơ Gánh mẹ bốn năm, phim Cô Ba Sài Gòn bị rò rỉ ngay ngày ra mắt. Doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa đau đáu vì bản quyền sở hữu trí tuệ.
Các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý trong hội thảo "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số" tổ chức ngày 23-8 tại Hà Nội.
Cần có tòa án riêng về sở hữu trí tuệ
Ông Phan Vũ Tuấn - phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, trưởng văn phòng luật Phan Law Việt Nam - khẳng định các luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá tiến bộ, thậm chí nhiều điểm tiến bộ hơn nước ngoài. Tuy vậy tình trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt trên môi trường số, đang tràn lan mạnh mẽ.
Ông Tuấn khuyên các nhà sản xuất và doanh nghiệp hợp tác thông qua các hiệp hội, các tổ chức chung để kiến nghị thay đổi chính sách. Một trong những điều cần kiến nghị trước tiên đó là cần sớm có tòa án riêng biệt để xử lý các vụ án về sở hữu trí tuệ, để xử các vụ kiện nhanh hơn chứ hiện nay quá chậm khiến nản lòng cá nhân, doanh nghiệp.
Ông ví vụ kiện Phimmoi.net, riêng quá trình điều tra kéo dài 8 năm, tới nay đã là 12 - 13 năm. Vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ bài thơ Gánh mẹ của nhà thơ Trương Minh Nhật khá đơn giản, nhưng tòa xử mất hơn bốn năm.
Dù các vụ kiện kéo dài mệt mỏi, ông Tuấn vẫn khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa cần mạnh dạn khởi kiện nhiều hơn. Chi phí khởi kiện không cao và mang lại nhiều tác động. Chẳng hạn, Phimmoi.net từng đứng thứ 10 trên thế giới về các trang xem phim online nhưng nhờ sự kiên trì của các doanh nghiệp thì cuối cùng Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự "xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" với Phimmoi.net.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh (BHD Vietnam Media Corp) cho biết điều đau đáu nhất của bà và nhiều doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa là chuyện vi phạm bản quyền.
BHD từng phát hành Cô Ba Sài Gòn ở rạp phim, một khán giả vào xem, quay lại phim và khiến bộ phim được đầu tư rất lớn này bị rò rỉ ngay sau ngày đầu tiên ra mắt. BHD đã tìm ra người phát tán lậu này và báo công an. Cuối cùng khán giả này bị phạt 3 triệu đồng, khóc nói không biết việc làm đó là sai pháp luật. Bà Hạnh cho rằng mức phạt đó là vô cùng không tương xứng.
Một bất cập nữa là hiện nay pháp luật Việt Nam chưa giúp định giá tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp mang tài sản trí tuệ đi cầm cố vay ngân hàng thì không được chấp nhận. "Chúng ta phải coi sản phẩm công nghiệp văn hóa là một tài sản trí tuệ, được định giá", bà Hạnh nói.
Nhìn sang Hàn Quốc, nhìn về Việt Nam
Ông Choi Seung Jin - giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam - cho biết Chính phủ Hàn Quốc xây dựng cơ chế giúp thúc đẩy phối hợp giữa trường học và doanh nghiệp để đào tạo nhân lực cho công nghiệp sáng tạo.
Ví dụ, Hàn Quốc có chính sách khi doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập trong khoảng hơn một năm thì chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí nhân công này.
Hàn Quốc còn hỗ trợ về tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực điện ảnh, chính phủ thông qua các cơ quan vận hành các quỹ do chính phủ xây dựng để họ lựa chọn dự án phim tiềm năng đầu tư vào. Cũng có trường hợp chính phủ trực tiếp đầu tư trong những lĩnh vực sử dụng kỹ thuật mới như với Netflix.
Ngoài ra chính phủ đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng. Phim và các chương trình truyền hình cần đầu tư hạ tầng rất lớn. Chính phủ sẽ xây dựng, vận hành các cơ sở hạ tầng này và cho doanh nghiệp thuê với giá ưu đãi. Phim Trò chơi con mực được sản xuất tại một studio do Nhà nước đầu tư hạ tầng.
Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, sản phẩm văn hóa. Khi xuất khẩu, sản phẩm của công nghiệp văn hóa có tác động lớn tới xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, tiêu dùng khác. Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa tăng 100 triệu USD thì sẽ kéo theo xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng 180 triệu USD.
Bà Nguyễn Phương Hòa - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - bày tỏ ao ước Việt Nam sẽ có những chính sách hỗ trợ công nghiệp sáng tạo như Hàn Quốc đang làm.
Trong khi đó nhạc sĩ Quốc Trung nêu hiện thực "cay đắng". Chưa nói đến chuyện hỗ trợ tài chính cho nghệ sĩ và doanh nghiệp tốt như Hàn Quốc, thủ tục hành chính và quy trình quản lý của các cơ quan nhà nước của chúng ta đã không theo kịp thời đại, đang gây lãng phí thời gian rất lớn cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, là lực cản lớn cho sự sáng tạo.
Ông kiến nghị doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp, những người cùng mục đích, chứ không phải quan hệ ban phát, xin cho.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()