Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:16 (GMT +7)
Công nghiệp văn hoá: Sức mạnh hàng tỉ USD nhìn từ BTS
Thứ 3, 30/08/2022 | 15:28:38 [GMT +7] A A
Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa, để từ đó tiến tới xuất khẩu thương hiệu văn hóa. Chiến lược được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tham vọng này là cần thiết khi công nghiệp văn hóa đang giúp nhiều quốc gia kiếm tiền như vũ bão.
Gần nhất, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện kế hoạch “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.
Những con số thực tiễn ở Việt Nam
Trong bối cảnh, nền công nghiệp văn hóa giải trí đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều quốc gia, đóng góp hàng tỉ USD cho GDP, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam lại chưa được đầu tư phát triển.
Theo thống kê công bố, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019.
Trong đó, doanh thu của ngành điện ảnh Việt Nam năm 2016 đạt 1.073 tỉ đồng. Năm 2018, doanh thu ngành này đạt 3.353 tỉ đồng (tương đương khoảng 140 triệu USD).
Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, bao gồm rất nhiều loại hình biểu diễn như: ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, opera, ballet, kịch hát dân ca, tạp kỹ... Theo thống kê của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, năm 2018, doanh thu ngành đạt khoảng 104 tỉ đồng (doanh thu bán vé), với 2.118 buổi biểu diễn.
Để dễ hình dung hơn về mức độ chênh lệch, chúng ta có thể thực hiện một vài phép so sánh với nền công nghiệp âm nhạc xứ Hàn – đang được gọi là đế chế Kpop. Nếu âm nhạc ở Việt Nam được gộp chung với các ngành nghệ thuật biểu diễn khác như múa, giao hưởng, ca kịch... Thì âm nhạc của Hàn Quốc là một đế chế hùng mạnh đang có sức ảnh hưởng bậc nhất thế giới.
“BTS đang kiếm được nhiều tiền hơn Việt Nam xuất khẩu gạo”
Chúng ta có thể làm một phép so sánh nhỏ về giá trị kinh tế của 1 nhóm nhạc đại diện cho Kpop là BTS, và ngành xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới (dự tính đứng thứ 3 trong năm 2022) về xuất khẩu gạo toàn cầu.
Theo số liệu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 6,2 triệu tấn tương đương 3,3 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2020.
Trong khi đó, từ năm 2018, New York Post dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) ước tính 7 thành viên BTS đã mang về cho nền kinh tế Hàn Quốc 3,6 tỉ USD mỗi năm. Con số này tương đương với đóng góp của 26 công ty có quy mô trung bình khi đó.
Đến năm 2020, theo CNN, BTS đã đóng góp giá trị hơn 4,5 USD tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 0,3% tổng GDP.
Có nghĩa, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2021 chưa bằng đóng góp của 1 nhóm nhạc Kpop – BTS cho GDP Hàn Quốc – tính từ số liệu năm 2018.
Điều đó cho thấy, những sản phẩm văn hóa có thể đóng góp cho kinh tế ở mức lớn như thế nào.
Ngoài việc thu lợi từ bán vé các show diễn, bán đĩa nhạc, tải nhạc và bán các sản phẩm in hình thần tượng, các ngôi sao K-Pop còn giúp kinh tế Hàn phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chỉ tính riêng năm 2017, cứ 13 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc thì có 1 người hâm mộ BTS. Du lịch Hàn Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc sau làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Lưu) khuynh đảo khắp Châu Á.
Đã có giai thoại kể lại, người Mỹ không mua xe hơi của Hàn Quốc cho đến khi xem phim “Tay đua kiệt xuất”. Người Châu Á chỉ đổ xô đến Hàn Quốc sau khi xem “Bản tình ca mùa đông”, “Mối tình đầu”.
Từ những sản phẩm văn hóa phim ảnh, âm nhạc có sức lan tỏa rộng rãi, du lịch cùng loạt sản phẩm về thời trang, ẩm thực, ôtô, điện máy Hàn Quốc được quảng bá rầm rộ, thậm chí trở thành “trending”, trào lưu được yêu thích khắp các quốc gia.
SCMP từng ước tính, chính phủ Hàn Quốc đã thu lời được 5 USD với mỗi USD đầu tư cho Kpop. Không chỉ với nghệ thuật đại chúng, Hàn Quốc đã bội thu ở nhiều lĩnh vực khác nhau đến mức không thể thống kê nhờ sức lan tỏa của Kpop và phim ảnh.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()