Tất cả chuyên mục

Mặc dù thời gian gần đây, các ngành sản xuất, xây dựng đã không ngừng đổi mới, hiện đại hoá dây chuyền, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ theo hướng cơ giới hoá, tự động hoá, nâng cao mức độ đảm bảo an toàn cho người lao động; song vẫn có những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, mà nguyên nhân phần nhiều đến từ bất cẩn của chính những người lao động và người sử dụng lao động.
Theo số liệu báo cáo, thống kê năm 2024, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 584 vụ TNLĐ làm 597 người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người là 27 vụ, số người chết là 36 người, số người bị thương nặng là 357 người; số người bị thương nhẹ là 204 người.
Còn trong khu vực không có hợp đồng lao động, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNLĐ làm chết 4 người. Nguyên nhân do cần bơm bê tông va đập trong thi công xây dựng công trình nhà dân, do điện giật, do ngã cao trong xây dựng.
Tất cả các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức điều tra kịp thời, chính xác, khách quan. Điều này giúp cơ sở nhanh chóng ổn định sản xuất, ổn định tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên chức. Đồng thời sớm chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong các vụ tai nạn lao động để làm cơ sở cho việc xử lý, rút kinh nghiệm đối với chủ doanh nghiệp và người lao động.
Qua điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn cho thấy có những nguyên nhân khách quan xảy ra như: Tình hình thời tiết dẫn đến tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, cháy nổ khí, thiết bị va đập… Tuy nhiên, nhiều vụ cũng do nguyên nhân từ sự bất cẩn của người lao động; thiếu thận trọng trong thao tác; chưa nhận định được nguy cơ xảy ra TNLĐ; chủ quan, vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn; sự phối hợp thực hiện công việc trong nhóm công nhân khi thực hiện phối hợp công việc chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội.
Bên cạnh đó, có những vụ do người sử dụng lao động xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn chưa đảm bảo. Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo, thiếu sâu sát; chưa đánh giá, phát hiện kịp thời những nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và vi phạm của người lao động để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời. Công tác kiểm tra giám sát, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), huấn luyện biện pháp thi công, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công, biện pháp an toàn cho người lao động còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Ở khu vực không theo hợp đồng lao động, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về đảm bảo ATLĐ trong quá trình sử dụng, vận hành máy thiết bị, quá trình làm việc dẫn đến tai nạn cho bản thân. Chủ thầu nhiều công trình xây dựng dân dụng chưa chấp hành nghiêm quy định đảm bảo ATLĐ, thiếu trang phục bảo hộ lao động cho người làm công...
Mất mát lớn nhất của các vụ TNLĐ chính là tính mạng người lao động; kèm theo đó là tài sản, những người liên quan bị đình chỉ, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị điều tra, khởi tố hình sự. Cụ thể ở khu vực có quan hệ lao động, ngoài 597 người bị nạn, chi phí thiệt hại do TNLĐ là 56.711 triệu đồng.
Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ năm 2024, Đoàn Điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 141 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 102 người; trong đó người sử dụng lao động, cán bộ quản lý là 88 người, công nhân lao động là 14 người. Đồng thời, Đoàn Điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn lao động, đề xuất xử phạt hành chính 7 doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ chết người do vi phạm các quy định về ATVSLĐ với tổng số tiền phạt là 111 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự đối với 3 vụ TNLĐ, đồng thời khởi tố 4 bị can do vi phạm các quy định về ATLĐ.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về vấn đề này. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật ATVSLĐ; kiện toàn bộ phận quản lý công tác ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, người lao động kiến thức về ATVSLĐ.
Ý kiến ()