Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:02 (GMT +7)
COVID-19 đang biến mất đột ngột?
Thứ 2, 22/11/2021 | 08:48:01 [GMT +7] A A
Làn sóng dịch bệnh COVID-19 bất ngờ suy giảm ở Nhật Bản và châu Phi, trong khi tăng ở một số nước châu Âu.
COVID-19 dường như đang “biến mất bí ẩn” ở Nhật Bản và châu Phi. Nhiều giả thuyết được các chuyên gia đưa ra, nhưng chưa có câu trả lời nào thực sự đầy đủ.
Diễn biến bất thường
Cuối tháng 8, đại dịch ở Nhật Bản đạt đỉnh, gần 26.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày. Nhưng sau 3 tháng, con số giảm mạnh. Nước này không ghi nhận bất cứ ca tử vong vì COVID-19 nào kể từ 7/11. Tuần từ 15/11, Nhật Bản chỉ ghi nhận trung bình khoảng 200 ca mắc mới mỗi 24 giờ.
Nhật Bản trở thành trường hợp hiếm hoi số ca COVID-19 không tăng dù các nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng đã mở cửa và đông đúc trở lại. Trong khi đó, những nước cũng đang áp dụng chính sách mở cửa tương tự với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu đang hứng chịu những làn sóng lây nhiễm mới, số ca mắc trong ngày liên tục phá kỷ lục.
Tại châu Phi, nơi được đánh giá là thiếu điều kiện y tế, thiếu vaccine, các quan chức y tế thế giới từng lo ngại hàng triệu sinh mạng có thể bị đại dịch cướp đi. Nhưng không biết từ lúc nào trong tiềm thức của người dân, virus đã là chuyện quá khứ, còn các bác sĩ tự nhiên "nhàn rỗi”.
Trong tuần từ 15/11, Zimbabwe chỉ ghi nhận 33 ca mắc COVID-19 mới và không có trường hợp tử vong nào. Đây cũng là xu hướng lắng dịu của dịch bệnh trên khắp châu lục. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy các ca mắc COVID-19 ở châu Phi đã giảm kể từ tháng 7 năm nay.
Các chuyên gia bối rối
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế cố gắng đưa ra lời giải thích, song bức tranh về những gì đang xảy ra ở châu Phi và Nhật Bản vẫn chưa hiện ra đầy đủ.
Khả năng thứ nhất được các học giả dùng để lý giải việc COVID-19 “tạm thời biến mất” ở Nhật Bản là tỷ lệ tiêm vaccine cao. 75% dân số nước này đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng.
Tuy nhiên, trong bộ phận dân số còn lại, vẫn đủ không gian để virus SARS-CoV-2 lây lan, theo chuyên gia Mike Toole từ Viện nghiên cứu y tế Burnet Institute.
Nhìn sang châu Phi, lục địa này có tỷ lệ tiêm chủng chưa đến 6%. Nhưng trong nhiều tháng, WHO đã mô tả đây là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới” bởi COVID-19.
Hơn nữa, nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh càn quét.
Khả năng thứ hai được xét đến là các yếu tố liên quan đến người dân.
Tại Nhật Bản, người dân được cho là có thói quen giãn cách xã hội, đeo khẩu trang từ lâu và cảnh giác tốt. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu cho biết dân số trẻ của châu Phi - độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu – cùng với tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn và xu hướng dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn của cư dân, có thể đã giúp họ tránh được những tác động chết chóc hơn của virus, ít nhất là cho đến nay.
Một số nghiên cứu xem xét thêm lý do di truyền hoặc quá khứ có thể đã từng nhiễm các bệnh ký sinh trùng của cư dân châu Phi (như sốt rét).
Một nguyên nhân lớn khác được đề cập là virus SARS-CoV-2 có thể đã biến đổi gen trong quá trình tự nhân bản. Khi tích lũy quá nhiều đột biến trên một protein có chức năng sửa lỗi di truyền mang tên nsp14, virus mất dần khả năng tự sửa lỗi và “tự hủy diệt”, theo các chuyên gia.
Chủng virus SARS-CoV-2 có protein nsp14 bị đột biến nhiều nhất hiện là ở Nhật Bản.
Khả năng kết thúc dịch bệnh
Tuy nhiên, các diễn biến với châu Phi và Nhật Bản chỉ là tạm thời và các nhà khoa học cho rằng không có gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục chống chọi được làn sóng dịch bệnh tiếp theo.
Khả năng virus gây ra dịch bệnh COVID-19 “tự biến mất” vì đột biến gen không phải là không có, nhưng còn quá sớm để hy vọng như vậy.
"Delta từng khiến các biến chủng khác không lan rộng ở Nhật Bản. Nhưng lúc này biến chủng Delta đã không còn, các biến chủng khác sẽ có cơ hội lấp chỗ trống. Chỉ một biện pháp tiêm chủng là không đủ để chấm dứt đại dịch", ông Ituro Inoue, giáo sư Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản nói.
Tương tự, châu Phi cũng không thể lơ là cảnh giác. Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học tại Đại học KwaZulu-Natal của Nam Phi, người từng tư vấn cho chính phủ Nam Phi về COVID-19 cho biết: “Chúng ta cần phải tiêm phòng cho tất cả để chuẩn bị cho đợt tiếp theo. Nhìn vào những gì đang xảy ra ở Châu Âu, khả năng có thêm nhiều ca nhiễm tràn sang đây là rất cao”.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()