Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:28 (GMT +7)
COVID-19: Lý giải tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới của Peru
Thứ 2, 22/11/2021 | 22:50:21 [GMT +7] A A
Mặc dù đạt tăng trưởng kinh tế và cải thiện trong hệ thống y tế công cộng, song nhìn chung hạ tầng cơ sở y tế của Peru vẫn yếu kém trước làn sóng dịch bệnh.
Với 200.000 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số gần 33 triệu dân, tác động của đại dịch COVID-19 đối với Peru là rất nghiêm trọng, khi nước này có tỷ lệ tử vong tính theo đầu người ở mức cao nhất thế giới.
Ước tính, nước này cũng có tỷ lệ trẻ em bị mất cha, mất mẹ hoặc bị mất người giám hộ do COVID-19 ở mức cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu so sánh với nhiều quốc gia khác, Peru ứng phó với dịch COVID-19 khá tốt. Trước khi đại dịch xảy ra, Peru là quốc gia có thu nhập trên trung bình, kinh tế tăng trưởng, tuổi thọ của người dân tăng, tỷ lệ nghèo đói giảm và đạt được tiến bộ đáng kể trong cải thiện hệ thống y tế công cộng khi ngày càng nhiều người dân được tiếp cận.
Peru cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh yêu cầu người dân không đi ra ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo phân tích, nguyên nhân khiến Peru có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới là do nước này đã không áp đặt lệnh phong tỏa, hệ thống y tế còn yếu kém, chi phí y tế đắt đỏ.
Chính phủ Peru ngày 15/3/2020 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi phát hiện 28 ca mắc COVID-19. Một loạt các biện pháp đã được triển khai như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại trên toàn quốc, cấm tụ tập, đóng cửa trường học, đại học, nhà thờ, hạn chế các hoạt động hay dịch vụ không thiết yếu, kể cả việc chăm sóc sức khỏe ban đầu không khẩn cấp.
Tuy nhiên, việc triển khai sớm các biện pháp này vẫn không làm giảm được tác động của đại dịch COVID-19, với số ca mắc bắt đầu gia tăng.
Chính phủ Peru đã thừa nhận rằng rất khó có thể áp đặt lệnh phong tỏa siết chặt bởi nước này có một lực lượng lao động phi chính thức đông đảo và hệ thống an sinh xã hội khá hạn chế. Vì vậy, chính phủ Peru đã ban hành một loạt chính sách như chuyển tiền mặt để hỗ trợ người dân khi yêu cầu họ ở nhà.
Tuy nhiên, do nhà nước không thể phân phối tiền mặt và lương thực theo cách kiềm chế người ở trong nhà, nên người dân vẫn phải ra ngoài và đứng xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng để nhận tiền. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cần đi chợ hằng ngày. Do vậy, ngân hàng và chợ đã trở những ổ dịch.
Việc gia tăng số ca mắc COVID-19 ở Peru đã bộc lộ yếu kém về cơ cấu trong hệ thống y tế. Mặc dù đạt tăng trưởng kinh tế và cải thiện trong hệ thống y tế công cộng, song nhìn chung hạ tầng cơ sở y tế của Peru vẫn yếu kém trước làn sóng dịch bệnh.
Bộ Y tế Peru hồi tháng 1/2020 cho biết 78% trung tâm y tế của nước này không thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do không đủ trang thiết bị hoặc trang thiết bị lỗi thời.
Tỷ lệ này đã tăng tới 97% vào đầu năm 2021. Tương tự, trước đại dịch, Peru có 29 giường chăm sóc tích cực (ICU)/1 triệu người, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Brazil (206 giường), Colombia (105 giường), Chile (73 giường) và Ecuador (69 giường). Ngoài ra, thiếu nhân viên cũng ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế của Peru hoạt động rời rạc khiến cho việc phối hợp ứng phó với đại dịch trên quy mô cả nước là một thách thức lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Và trên hết là thực trạng bình đẳng trong hệ thống y tế, với việc tiếp cận hệ thống y tế thường được quyết định bởi các yếu tố như sự giàu có, giới tính, sắc tộc và vị trí địa lý.
Ví dụ, thổ dân ở vùng Amazon của Peru nằm trong số những cộng đồng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch. Họ không được tiếp cận các dịch vụ y tế, nước và vệ sinh, cũng như tỷ lệ nghèo đói và suy dinh dưỡng cao khiến cho cộng đồng này nằm trong nhóm dễ bị tổn thương hơn.
Mặc dù đạt được một số tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí, ước tính từ 10-20% dân số Peru không tiếp cận được bất kỳ bao phủ y tế nào. Thậm chí, những người có thể tiếp cận chăm sóc sức khỏe thông qua các cơ sở y tế công cộng phải trả một số khoản phí. Tình trạng này đã gia tăng trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã phơi bày mức độ đắt đỏ của hệ thống y tế Peru. Đối với những người không có bảo hiểm cá nhân hay không tiếp cận được các trung tâm y tế tốt của nhà nước, các chi phí thậm chí có thể cao hơn, trong đó giá thuốc và chăm sóc được tính với mức cao ở một số bệnh viện tư nhân.
Đối với một số người, chi phí khám chữa bệnh cao khiến họ không thể đi bệnh viện. Do vậy, thu nhập là một rào cản khác khiến nhiều người không thể tiếp cận hệ thống y tế. Nguyên nhân là có ít quy định trong ngành y tế Peru, khiến các công ty tư nhân có thể cung cấp bảo hiểm y tế, dịch vụ y tế, thuốc men và vật tư y tế mà không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ chế kiểm soát giá nào của chính phủ.
Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Peru đã tăng từ tháng Sáu đến nay, số ca mắc và tử vong đã giảm và ổn định ở mức thấp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy hệ thống y tế của nước này dễ bị tổn thương. Chính phủ Peru cần cải thiện hơn nữa năng lực hoạt động và khả năng tiếp cận của hệ thống y tế nếu không các thảm họa khác như đại dịch COVID-19 có thể tái diễn./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()