Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:39 (GMT +7)
COVID-19 tới 6 giờ 21/8: Nhiều nước châu Á kéo dài phong tỏa; Mỹ phát triển vaccine cải tiến, Cuba cấp phép 2 vaccine nội địa
Thứ 7, 21/08/2021 | 08:05:00 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 647.086 trường hợp mắc COVID-19 và 9.610 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 211 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,4 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 211.457.836 ca, trong đó có 4.426.141 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu. Hàng loạt nước tại châu Á mấy ngày qua đã quyết định kéo dài hoặc tái phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch mới.
Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với gần 130.000 trường hợp trong 24 giờ qua.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 189.235.456 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.796.239 ca và 109.013 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 20/8, thế giới có 151 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với trên 38.360.000 ca, trong đó có 644.222 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 573.511 ca trong tổng số 20.528.099 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 433.622 ca tử vong.
Xét về khu vực, châu Á đứng đầu với 67.212.317 ca, còn châu Âu đứng thứ hai đang có 53.871.340 ca. Con số này của Bắc Mỹ là 45.807.942 ca và Nam Mỹ là 36.489.111 ca.
Ngày 20/8, Trung tâm Quản lý Thuốc, Máy móc và Thiết bị Y tế Cuba (CECMED) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine nội ngừa COVID-19 mang tên Soberana 02 và Soberana Plus do viện Vaccine Finlay (IFV) bào chế. Đây là hai loại vaccine được sử dụng kết hợp để ngăn ngừa biến chủng và đã được chứng minh đạt hiệu quả 91,2% trong các thử nghiệm lâm sàng.
Trong thông báo đăng tải trên mạng Twitter, IFV cho biết hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau khi CECMED kết thúc quá trình đánh giá nghiêm ngặt hồ sơ được trình lên và tiến hành kiểm tra quy trình sản xuất. Cơ quan kiểm định y tế của Cuba xác nhận hai loại vaccine trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và những minh chứng về hiệu quả đạt được.
Hiện tại, hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus của IFV cũng đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em từ 3 - 18 tuổi tại Cuba, trong đó có 350 tình nguyện viên đến từ thủ đô La Habana.
Tại Mỹ, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Reports số ra ngày 19/8, các nhà khoa học thuộc Hệ thống y tế Northwestern (Mỹ) đang phát triển một phiên bản mới, cải tiến và đầy triển vọng của vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, các nhà khoa học đã tiêm vào chuột một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay được bào chế từ protein gai (protein S) của virus SARS-CoV-2 và bổ sung vào vaccine này một kháng nguyên khác là protein nucleocapsid (protein N) của virus. Vài tuần sau đó, các nhà khoa học cho chuột đã tiêm chủng này, phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua đường mũi. Ba ngày sau, các nhà khoa học đo lượng virus trong hệ hô hấp hay hệ thần kinh của chuột để phát hiện trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ vaccine (ca nhiễm đột phá).
Các nhà khoa học phát hiện rằng protein N – một protein của virus SARS-CoV-2 có liên quan tới bộ gen RNA bên trong sẽ giúp kích hoạt hệ miễn dịch mạnh và nhanh hơn so với khả năng kích hoạt của protein S vốn nằm trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.
Tình hình dịch bệnh tại Australia và New Zealand vẫn phức tạp. Ngày 20/8, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo gia hạn lệnh phong tỏa Sydney và siết chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở một số điểm nóng trong thành phố lớn nhất cả nước này sau khi ghi nhận 644 ca mới và 4 ca tử vong tại đây trong 24 giờ qua. Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian, nêu rõ lệnh phong tỏa thủ phủ Sydney và một số vùng lân cận sẽ được gia hạn đến hết tháng 9 tới. Từ ngày 23/8, mọi người dân khi ra khỏi nhà, trừ lúc tập thể dục, đều bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 4 ngày sau một đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra ở ngoại ô Auckland - thành phố lớn nhất cả nước. Thủ tướng Ardern nhấn mạnh New Zealand sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế cấp độ 4 – cấp độ phòng dịch cao nhất – cho đến ngày 24/8 tới.
New Zealand là một trong số các quốc gia khống chế hiệu quả dịch COVID-19 với chỉ 26 ca tử vong trên tổng số 5 triệu dân. Người dân nước này không bị buộc phải ở nhà trong một năm qua và cuộc sống gần như trở lại bình thường, không bị hạn chế việc tập trung đông người. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này vẫn còn chậm khi mới chỉ có khoảng 20% dân số đã được tiêm đủ liều.
Tại Đông Bắc Á, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định chính phủ sẽ không xem xét khả năng đóng cửa tất cả các trường học, từ cấp tiểu học cho đến trung học phổ thông, để khống chế dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hagiuda cho biết bộ sẽ tôn trọng quyết định kéo dài thời gian nghỉ Hè hoặc tạm thời đóng cửa trường học của các chính quyền địa phương do tình hình dịch bệnh không giống nhau giữa các khu vực. Ngày 20/8, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận thêm 5.405 ca mới trong cộng đồng, ngày thứ 3 liên tiếp ở trên ngưỡng 5.000 ca/ngày.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum thông báo quyết định gia hạn một số biện pháp hạn chế hoạt động đối với nhà hàng và quán cà phê để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh nước này đang chật vật khống chế làn sóng thứ 4 của đại dịch.
Cụ thể, ông Kim Boo-kyum cho biết từ ngày 23/8 tới, các quán cà phê và nhà hàng tại các vùng đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) sẽ phải đóng cửa lúc 21h, sớm hơn 1 giờ so với quy định hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ quyết định cho phép tổ chức các cuộc tụ tập riêng tư tại nhà hàng và quán cà phê với tối đa 4 người tham gia nếu 2 người trong số đó đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và đã hình thành kháng thể sau 14 ngày.
Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng thông báo lao động tại các cơ sở có nguy cơ cao mắc COVID-19 sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Nhà chức trách có kế hoạch tăng mức xử phạt hành chính đối với những người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch. Theo ông Kim Boo-kyum, chính phủ sẽ tăng cường quản lý và sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc để điều trị tốt hơn cho các bệnh nhân COVID-19 và nhanh chóng đảm bảo thêm nhiều giường bệnh.
Liên quan đến các liệu pháp điều trị COVID-19, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh cho biết cơ quan này đã cho phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve trong phòng ngừa và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo MHRA, Ronapreve là thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên được phê duyệt tại Anh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Thuốc Ronapreve do công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ và công ty công nghệ sinh học Regeneron của Mỹ hợp tác phát triển.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA), đơn vị quản lý y tế của Australia, đã phê duyệt việc sử dụng thuốc kháng thể Sotrovimab để điều trị bệnh nhân COVID-19. Phương pháp điều trị mới có thể giảm tới 79% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong ở người trưởng thành mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình. Thuốc được sử dụng thông qua truyền tĩnh mạch.
Dự kiến, thuốc Sotrovimab sẽ được dùng để điều trị cho những người trên 55 tuổi mắc COVID-19 và cũng có một hoặc nhiều yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh nặng hơn như tiểu đường, béo phì, bệnh thận mãn tính, suy tim, bệnh phổi và hen suyễn từ trung bình đến nặng.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 92.300 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 201.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Singapore, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines tiếp tục chứng kiến xu thế số ca mắc mới giảm, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Nhưng trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong tăng mạnh, với 317 trường hợp.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia.
Ngày 20/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 233 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ năm trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình dịch COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/8 ghi nhận thêm trên 19.815 ca bệnh mới (nhiều thứ ba khu vực), trong khi số ca tử vong là 240 người, giảm đôi chút so với ngày trước đó.
Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc quanh 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này chỉ có 519 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Singapore ngày 20/8 cũng ghi nhận 40 ca COVID-19 mới và 1 ca tử vong.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 201.029 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.546 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 9.137.945 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 7.764.149 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()