Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:17 (GMT +7)
COVID-19 tới 6 giờ sáng 12/2: Thế giới gần 10.000 ca tử vong mới; Nhiều nước châu Âu bỏ hạn chế phòng dịch
Thứ 7, 12/02/2022 | 07:50:59 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.175.681 trường hợp mắc COVID-19 và 9.557 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 408 triệu ca, trong đó trên 5,81 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 408.500.769 ca, trong đó có 5.817.770 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron và các biến thể phụ của Omicron.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức, Nga và Brazil với số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 230.000 ca), trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 328.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 74 triệu ca và trên 88.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 11/2, thế giới có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 75 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với hơn 79 triệu ca mắc và 939.427 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 42,5 triệu ca mắc và 507.208 ca tử vong, Brazil ghi nhận hơn 27,1 triệu ca mắc và 636.111 ca tử vong...
Tại châu Đại dương, người dân Australia và người cư trú tại nước này sẽ cần phải tiêm các mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường mới được xem là tham gia đầy đủ chương trình tiêm chủng, trong khi người nước ngoài muốn nhập cảnh nước này chỉ cần tiêm đủ 2 mũi. Đây là nội dung quy định hướng dẫn tiêm chủng điều chỉnh mới nhất được Nội các Australia công bố tối 10/2 dựa trên khuyến nghị của cơ quan giám sát tiêm chủng của nước này.
Trong thông báo nội dung quy định mới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết chứng nhận tiêm chủng người dân và người cư trú tại Australia sẽ được xem là hết hạn nếu họ không tiêm mũi tăng cường trong vòng 6 tháng kể từ ngày ngày tiêm mũi 2.
Hiện giới chức Australia chỉ bắt buộc tiêm chủng vaccine đối với một số lực lượng tuyến đầu phòng dịch, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các tập đoàn lớn, nhà hàng và các nhà bán lẻ đã yêu cầu khách hàng khi đến làm việc, giao dịch hoặc sử dụng dịch vụ cần trình chứng nhận tiêm chủng.
Trong khi đó, tại châu Âu, ngày 11/2, Italy đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Người dân nước này giờ đây chỉ phải đeo khẩu trang ở những khu vực đông người ngoài trời cũng như các địa điểm công cộng trong không gian kín.
Quy định mới này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/3 khi tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 tại Italy, cơ chế cho phép các cơ quan chức năng có quyền hạn đặc biệt để thực hiện, sửa đổi hoặc thu hồi các biện pháp phòng chống dịch, dự kiến kết thúc.
Cũng từ ngày 11/2, các câu lạc bộ đêm, vũ trường và phòng nhảy tại Italy được phép mở cửa trở lại sau khi phải đóng cửa ngay trước đêm Giao thừa 31/12/2021. Theo quy định mới, người dân Italy cần phải có "siêu thẻ xanh" để được vào các câu lạc bộ và phải đeo khẩu trang trừ khi ở trên sàn nhảy, trong khi các địa điểm được phép hoạt động với công suất tối đa là 50% trong nhà và 75% ngoài trời. Nước này cũng có kế hoạch tăng dần sức chứa của các sân vận động từ ngày 1/3 tới, khi lượng khán giả tham dự ngoài trời tối đa được đề xuất tăng lên 75% (hiện tại là 50%) và lên 60% đối với các nhà thi đấu (hiện tại là 35%). Chính phủ gần đây đã nới lỏng một số hạn chế đối với các trường học và những người đã tiêm vaccine - bao gồm cả "siêu thẻ xanh" có thời hạn vĩnh viễn cho những người đã tiêm mũi tăng cường.
Chính phủ Hà Lan cũng thông báo dự định dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế cho đến cuối tháng này do số ca mắc COVID-19 nhập viện ở nước này ở mức vừa phải, mặc dù số ca mắc cao kỷ lục trong những tuần gần đây.
Trong thư trình lên Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Ernst Kuipers cho biết từ ngày 18/2, các quán bar và nhà hàng sẽ được phép mở cửa cho đến 1h sáng thay cho quy định hiện nay là phải đóng cửa vào lúc 22h hằng ngày.
Các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ tại những nơi công cộng vào cuối tháng này, song những người đến các địa điểm này sẽ cần phải trình chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hay khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19. Các nhà hát và sự kiện thể thao sẽ được phép mở cửa trở lại với công suất hoạt động 100% nếu những người tham dự phải có đầy đủ các giấy chứng nhận này.
Trong khi đó, các câu lạc bộ ban đêm và lễ hội có thể mở cửa trở lại với yêu cầu những người tham gia có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Dự kiến, Chính phủ Hà Lan sẽ công bố chính sách mới vào ngày 15/2 tới sau khi tham vấn các chuyên gia y tế.
Ngày 11/2, Bộ Y tế Pháp ra tuyên bố cho biết tại những địa điểm công cộng yêu cầu giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang trong nhà. Tuy nhiên, Pháp vẫn giữ nguyên quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng và không gian kín không yêu cầu giấy chứng nhận tiêm vaccine.
Quy định mới này dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/2, phù hợp với khuyến nghị của hội đồng y tế và sau khi tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này giảm xuống.
Cùng ngày, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo gia hạn thêm 2 tuần lệnh cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ, cho đến ngày 4/3.
Trước đó, Hong Kong đã gia hạn lệnh cấm này đến ngày 18/2. Ngoài ra, từ 0h00' ngày 12/2 đến ngày 4/3, Hong Kong cũng sẽ áp đặt lệnh cấm các chuyến bay đến từ Nepal. Theo chính quyền đặc khu, hiện là thời điểm then chốt để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại Hong Kong. Do đó, cần hạn chế các ca nhập cảnh nhằm tránh gây quá tải cho hệ thống y tế.
Các chuyến bay đến Hong Kong đã giảm 90% và hầu như không có chuyến bay nào được phép quá cảnh vì trung tâm tài chính này đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh đa phần các ca mắc mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Ngày 11/2, Hong Kong ghi nhận 1.325 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở đặc khu này.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 121.042 ca mắc mới COVID-19 và 332 ca tử vong.
Tới hết ngày 10/2, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 17.536.463 trường hợp và 317.256 ca tử vong. Trong ngày 11/2, Indonesia có số ca mắc mới (trên 40.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (100 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 11/2 ghi nhận thêm trên 15.000 ca bệnh mới và 23 người tử vong.
Campuchia số ca mắc mới cũng tăng trở lại sau một thời gian giảm, với trên 200 bệnh nhân mới nhưng không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 138.000, số ca mắc mới trên 400 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 4 trường hợp.
Trong ngày 11/2, giới chức y tế Brunei xác nhận 981 ca mắc mới COVID-19 - con số thống kê cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh tại nước này lên 20.454 trường hợp. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp Brunei ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, sau khi nước này có 628 ca bệnh trong ngày 10/2.
Tính đến ngày này, đã có 94,9% dân số Brunei được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi 94,1% đã tiêm đủ 2 liều và 44,9% đã tiêm 3 liều. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 102 người tại Brunei.
Cũng trong ngày 11/2, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em từ 5-11 tuổi đang gia tăng, khiến chính phủ phải đẩy nhanh việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Người phát ngôn CCSA - ông Taweesilp Visanuyothin nêu rõ từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em 5-11 tuổi là 6,6% - tăng mạnh so với mức 1,4% ghi nhận từ tháng 1-11/2020 khi đại dịch mới bùng phát. Tính đến ngày 2/2, tổng số ca mắc COVID-19 ở trẻ em thuộc nhóm tuổi này kể từ đầu dịch là 137.262 ca. Tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên cùng với sự bùng phát của các biến thể Delta và Omicron.
Thái Lan bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em từ 5-11 tuổi có bệnh nền từ ngày 31/1 và mở rộng ra các trường học từ ngày 7/2. Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 15.242 ca mắc COVID-19 cùng 23 ca tử vong trong vòng 24 giờ (tính đến sáng 11/2), nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.561.115 ca, trong đó có 22.387 người không qua khỏi.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Theo bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới hơn 2 năm qua vẫn chưa thể kết thúc do có thể sẽ có thêm biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Phát biểu ngày 11/2 trong chuyến đi cùng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thị sát các cơ sở sản xuất vaccine tại Nam Phi, bà Swaminathan nhấn mạnh: "Chúng ta chứng kiến virus tiến hóa, đột biến... chúng ta biết sẽ có thêm biến thể và thêm biến thể gây quan ngại, chúng ta chưa ở thời điểm đại dịch kết thúc.”
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()