Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:39 (GMT +7)
COVID-19 tới 6h sáng 20/6: Brazil vượt 500.000 ca tử vong; thủ đô Nga ca nhiễm tăng kỷ lục
Chủ nhật, 20/06/2021 | 15:45:13 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 340.000 ca nhiễm và trên 7.300 ca tử vong. Brazil đã vượt qua mốc 500.000 ca tử vong và theo các nhà khoa học nước này, hiếm có người nào ở Brazil không mất người thân vì COVID-19.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 20/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 178.930.375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.874.467 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 341.235 và 7.342 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 163,.456.260 người, 11.599.648 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 83.006 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (81.574 ca), Ấn Độ (58.588 ca), và Colombia (28.734 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.179 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.239 ca) và Colombia (589 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.400.534 triệu người, trong đó có 617.074 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.881.352 ca nhiễm, bao gồm 386.740 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.883.750 ca bệnh và 500.800 ca tử vong.
Brazil vượt mốc nửa triệu ca tử vong
Ngày 19/6, Brazil đã vượt mốc 500.000 ca tử vong theo thống kê của trang Worldometers.
Theo CNN, các nhà khoa học địa phương cho biết hầu như không có một người nào ở Brazil ngày nay không mất người thân vì COVID-19, khi đất nước này đạt đến cột mốc đau đớn với nửa triệu người chết. Quốc gia Nam Mỹ, chiếm một nửa dân số lục địa, đang bị "tiêu diệt" bởi virus. Chỉ riêng vào ngày 18/6, Brazil đã chiếm gần một phần ba tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới, theo Our World in Data - một con số mà các chuyên gia cảnh báo đang nhanh chóng tăng lên khi virus lây lan khắp đất nước mà không được kiểm soát.
Theo các chuyên gia, con số 500.000 người chết cao gấp đôi so với 6 tháng trước, một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong đang tăng nhanh. "Vào tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã vượt 50.000 ca tử vong vì COVID-19. Chỉ trong một năm, chúng tôi đã nhân con số này lên gấp 10 lần. Rất đáng sợ", nhà khoa học người Brazil Miguel Nicolelis phát biểu. Ông Nicolelis từng dự đoán hồi tháng 1 rằng đất nước sẽ đạt 500.000 ca tử vong trong tháng 7. "Vào thời điểm đó, mọi người nghĩ rằng con số tôi đưa ra đã được phóng đại", ông nhớ lại.
Ấn Độ nguy cơ đối mặt làn sóng thứ ba vào tháng 10
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 19/6 công bố thêm 60.753 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 29.823.546 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc mới dưới mốc 70.000 ca và là ngày thứ 12 liên tiếp dưới ngưỡng 100.000 ca. Mức giảm này là rất đáng kể sau khi lên tới mức đỉnh khoảng 400.000 ca mỗi ngày hồi tháng 4 và tháng 5.
Trong khi đó, số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Ấn Độ tăng 1.647 ca lên 385.137 ca. Cũng trong 24 giờ qua, 28.678.390 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện. Như vậy, Ấn Độ hiện có 760.019 bệnh nhân COVID-19, mức thấp nhất trong 74 ngày qua.
Giám đốc Viện Khoa học y khoa All India, Giáo sư Randeep Guleria, mới đây cho biết Ấn Độ sẽ kiểm soát dịch tốt hơn vì số ca mắc mới sẽ ít hơn do chiến dịch triển khai tiêm vaccine và đạt được mức độ miễn dịch nhất định sau làn sóng thứ hai.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters thực hiện từ ngày 3-17/6, các chuyên gia y tế quốc tế đều chung nhận định rằng nhiều khả năng làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 sẽ tấn công Ấn Độ vào tháng 10 tới và cho dù nước này sẽ ứng phó tốt hơn, đại dịch COVID-19 sẽ vẫn là mối đe dọa về y tế công tại quốc gia Nam Á này ít nhất là đến năm 2022.
Dù nhận định chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh trong năm nay, nhiều ý kiến cho rằng giới chức Ấn Độ không nên sớm dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch.
Nga: Thủ đô Moskva ca mắc mới cao kỷ lục
Tình hình dịch COVID-19 tại Nga đang diễn biến hết sức phức tạp khi nước này ngày 19/6 ghi nhận thêm 17.906 ca mắc mới, trong đó riêng thủ đô Moskva có tới hơn 9.000 ca.
Theo cơ quan thống kê nhà nước, trong 24 giờ qua, Moskva ghi nhận 9.120 ca mắc mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại thủ đô của Nga tăng cao kỷ lục. Thị trưởng Sergei Sobyanin cho rằng sở dĩ số ca mắc tăng vọt là do sự xuất hiện của biến thể Delta (xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ) của virus SARS-CoV-2. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 5.299.215 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 466 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 128.911 ca.
Tính từ tháng 4/2020 đến tháng 4 năm nay, Nga đã ghi nhận khoảng 270.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Italy diễn biến tích cực nhưng tiềm ẩn rủi ro
Trong bối cảnh dịch bệnh chuyển biến tích cực, kể từ ngày 21/6, cả nước Italy, trừ khu vực Val d'Aosta, sẽ được xác định là vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về COVID-19. Giám đốc phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế Italy, ông Gianni Rezza nhấn mạnh dịch COVID-19 có diễn biến tích cực tại nước này là nhờ việc thực hiện các biện pháp thận trọng song song với chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng "dịch bệnh vẫn chưa kết thúc và chúng ta phải tiếp tục chiến dịch tiêm chủng với tốc độ tối đa".
Giới chức cảnh báo rằng dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tại Italy là đặc biệt đáng lo ngại, do biến thể này có thể vô hiệu hóa khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19. Biến thể này đã được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 60%.
Hà Lan nới lỏng kiểm dịch từ tuần tới
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho hay nước này sẽ nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch từ tuần tới khi số ca mắc mới COVID-19 giảm. Theo đó, hầu hết những hạn chế về số người tại các nhà hàng, quán bar và cửa hàng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 26/6, song người dân phải duy trì khoảng cách ít nhất là 1,5 m để đảm bảo phòng dịch, hoặc có thể trình giấy chứng nhận tiêm vaccine hay kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ông nêu rõ người dân vẫn phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và sân bay.
Canada dỡ bỏ gần như toàn bộ hạn chế tại tỉnh Alberta
Tại châu Mỹ, chính quyền tỉnh Alberta của Canada thông báo từ ngày 1/7 tới sẽ trở thành tỉnh đầu tiên ở "xứ sở lá phong" dỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế về y tế công cộng liên quan đến đại dịch COVID-19. Chính quyền Alberta đã đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng trước, cam kết bãi bỏ các hạn chế trong vòng hai tuần sau khi 70% số người đủ điều kiện ở Alberta đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Thủ hiến Jason Kenney cho biết Alberta đã vượt qua ngưỡng quan trọng này vào ngày 17/6.
Hàng chục nước dừng tiêm chủng vaccine mũi 2 do thiếu nguồn cung
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện khoảng 30-40 quốc gia trên thế giới không có khả năng cung cấp mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, đặc biệt là những nước dựa vào nguồn cung vaccine của hãng AstraZeneca.
Ông Bruce Aylward - cố vấn cấp cao tại WHO, nêu rõ nhiều quốc gia nghèo hơn đã phải tạm dừng triển khai tiêm phòng mũi thứ hai. Nguồn cung vaccine ở những nước phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phân phối thông qua cơ chế COVAX do WHO bảo trợ, đã giảm mạnh sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên thị trường trong nước. Theo ông Aylward, các quốc gia khu vực phía Nam Sahara châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông cũng như các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Nepal và Sri Lanka đều bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 14/6, WHO cảnh báo virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh hơn tiến độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cho rằng cam kết của các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) viện trợ 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo có thể là không đủ. Tính đến ngày 17/6 vừa qua, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX mới chỉ phân bổ 88 triệu liều vaccine tới hơn 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Trung Quốc: Đài Loan thêm nhiều ca nhiễm cộng đồng
Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 30 ca mắc mới, tăng 23 ca so với 1 ngày trước đó. Trong số các ca mắc mới có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông. Trong ngày 19/6, sân bay ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã phải hủy gần 400 chuyến bay và thắt chặt kiểm soát nhập cảnh sau khi một nhân viên nhà hàng có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Delta.
Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 128 ca mắc mới, trong đó có 127 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong cũng tăng thêm 20 ca. Hiện Đài Loan đã ghi nhận 13.896 ca mắc, trong đó có 538 ca tử vong. Giới chức Mỹ cho biết nước này đã gửi 2,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới Đài Loan trong cùng ngày, gấp hơn 3 lần số vaccine mà Washington dự kiến gửi tới Đài Loan.
Hàn Quốc sử dụng vaccine Pfizer làm mũi tăng cường
Chính phủ Hàn Quốc ngày 18/6 thông báo quyết định sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer làm mũi tăng cường cho 760.000 người đã tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca do việc chậm trễ trong việc chuyển giao vaccine loại này trong khuôn khổ chương trình COVAX.
760.000 người tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca đều là nhân viên y tế và lực lượng ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc. Tất cả số mũi tiêm này đều được thực hiện trong tháng 4 vừa qua.
Theo kế hoạch, số người này sẽ tiêm mũi thứ 2 của AstraZeneca vào cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, chuyến hàng vacine của AstraZeneca dự kiến chuyển tới Hàn Quốc sẽ bị chậm lại cho đến tháng 7 hoặc muộn hơn. Do đó, Hàn Quốc quyết định sử dụng vaccine của Pfizer tiêm chủng cho số người này.
Trên thực tế, một số nước như Canada và Tây Ban Nha đã sử dụng vaccine của Pfizer làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine của AstraZeneca. Theo một nghiên cứu của Tây Ban Nha, việc sử dụng vaccine của Pfrizer làm mũi 2 tăng cường cho người đã tiêm chủng mũi 1 của AstraZeneca tăng hiệu quả phòng bệnh và an toàn hơn.
Tính đến ngày 18/6, đã có hơn 14,23 triệu người dân Hàn Quốc đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19, chiếm khoảng 27,7% trong số 51,3 triệu dân số nước này.
Hàn Quốc ngày 19/6 thông báo có thêm 482 ca mắc, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 150.720 ca. Số ca tử vong tăng thêm 1 ca lên 1.997 ca.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo tự cách ly 14 ngày
Ngày 19/6, trang Facebook cá nhân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết người đứng đầu Chính phủ Campuchia đã hủy tất cả kế hoạch các cuộc họp trực tiếp, trong đó có cuộc gặp với quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Anh, dự kiến diễn ra ngày 23/6 tới tại Cung Hòa Bình (thủ đô Phnom Penh).
Trên trang Facebook cá nhân, ông Hun Sen cho biết ông đã có tiếp xúc không trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Do đó, các bác sĩ đã yêu cầu ông phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, ông khẳng định mặc dù một số cuộc gặp bị hủy song ông vẫn có thể làm việc từ xa với tất cả các bên qua hội đàm trực tuyến.
Trong khi đó, ngày 19/6, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 20 trường hợp. Với 20 ca tử vong được công bố trong ngày, tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 đến nay tại Campuchia là 414 trường hợp. Ngoài số ca tử vong cao nhất trong ngày, Bộ Y tế nước này cũng ghi nhận 471 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua.
Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận 42.052 ca mắc COVID-19 và 414 ca tử vong. Nước này cũng phát hiện 7 ca đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Delta, vốn xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là các ca nhập cảnh từ Thái Lan.
Indonesia: Gần 13.000 ca nhiễm mới; chuẩn bị tiếp nhận 50 triệu liều vaccine Pfizer
Bộ Y tế Indonesia cùng ngày thông báo có thêm 12.906 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.976.172 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 248 ca lên 54.291.
Theo Reuters, Indonesia sẽ nhận 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech dự kiến từ tháng 8 tới. Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á đang đối mặt với một đợt gia tăng lây nhiễm mới trong những tuần gần đây và ghi nhận ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục kể từ cuối tháng 1 vào ngày 18/6, với 12.990 ca.
Quốc gia 270 triệu dân đã ghi nhận gần 2 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát và 54.291 ca tử vong, tính đến ngày 19/6. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người vào năm tới. Đến ngày 19/6, 12,2 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Thái Lan bỏ kế hoạch kéo dài khoảng cách giữa hai mũi vaccine
Theo Straits Times, Thái Lan đã huỷ bỏ kế hoạch kéo dài khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca lên 16 tuần, và lựa chọn khoảng cách ngắn hơn là 10-12 tuần.
Chính phủ Thái Lan dự định sử dụng vaccine AstraZeneca cho phần lớn dân số và định tăng khoảng cách giữa hai liều để có thể "phủ sóng" mũi vaccine đầu tiên tới nhiều người trong thời gian nhanh hơn. Tuy nhiên, khoảng cách 16 tuần dài hơn nhiều so với khoảng cách tối đa 12 tuần mà Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị. Khoảng cách 16 tuần cũng chưa từng được áp dụng trong các cuộc thử nghiệm vaccine ở người.
Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 từ tuần trước và đã tiêm 72 triệu liều kể từ tháng 2/2021. Một công ty thuộc sở hữu của Hoàng gia Thái Lan đã đạt thoả thuận sản xuất vaccine AstraZeneca tại địa phương, nhưng quá trình này bị trì hoãn, ảnh hưởng tiến độ cung cấp vaccine cho cả Malaysia, Philippines và Đài Loan/Trung Quốc.
Philippines ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo ghi nhận thêm 6.959 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.353.220 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 23.538 người sau khi có thêm 153 bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19. Trước tình hình trên, Thứ trưởng Tài chính Philippines Gil Beltran đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hiệu quả các nguy cơ do dịch COVID-19 gây ra, cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không chính phủ sẽ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Với hơn 110 triệu dân, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 13 triệu người kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020.
Malaysia: Xu hướng ca tử vong tăng mạnh
Malaysia thông báo ghi nhận thêm 5.911 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 19/6, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 691.115, trong đó bang Selangor tiếp tục là nơi ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới nhiều nhất với 2.111 ca, tiếp theo là bang Negeri Sembilan với 770 ca và bang Sarawak có 569 ca.
Bộ Y tế nước này cũng cho biết, trong 24h, Malaysia ghi nhận thêm 72 người không qua khỏi vì COVID-19, nâng tổng số người tử vong lên 4.348. Đáng chú ý, số ca tử vong có xu hướng gia tăng mạnh. Trong tháng 5, đã có 1.289 ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia tử vong và từ đầu tháng 6 tới nay, số ca tử vong đã lên tới 1.552. Tính đến ngày 19/6, có 64.523 người tại Malaysia đang dương tính với SARS-CoV-2 trong đó có 886 bệnh nhân phải điều trị tích cực và 441 bệnh nhân phải đặt nội khí quản.
Lào gia hạn phong toả đến đầu tháng 7
Ngày 19/6, Lào đã quyết định gia hạn chỉ thị số 15/TTg ra ngày 21/4 của Thủ tướng nước này, tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 4/7 để ngăn làn sóng COVID-19 vốn đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.
Có hiệu lực từ ngày 20/6 và kéo dài đến ngày 4/7, Chỉ thị 15 quyết định phong tỏa thủ đô Viêng Chăn do Lào vẫn ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng ở khu vực này, trong khi đó biến chủng mới nguy hiểm đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng. Bên cạnh đó, tình trạng chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định khiến dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()