Động thái này được UBND huyện Vĩnh Cửu thực hiện trong kế hoạch "giãn cách các khu trọ" tập trung nhiều công nhân ở các ổ dịch, khu phong tỏa tại xã Thạnh Phú. Đến nay, huyện đã ghi nhận 622 ca trong tổng số 4.478 ca trên địa bàn tỉnh. Những người về quê được xét nghiệm Covid-19 miễn phí trước khi lên đường.
Đây là chuyến thứ ba CSGT Đồng Nai dẫn đường cho các công nhân xã Thạnh Phú về quê sau hai lần đưa 1.700 người về Đăk Lăk. Để đảm bảo an toàn trên hành trình khoảng 200-300 km, phụ nữ mang thai, trẻ em... được bố trí đi ôtô khách, những người còn lại chạy xe máy. CSGT dùng ôtô dẫn đoàn nhằm kiểm soát không để người dân ghé dọc đường, tránh lây lan mầm bệnh.
Cùng ngày, UBND TP Biên Hòa đưa 240 công nhân làm việc trên địa bàn về Bình Thuận, Ninh Thuận. Những người này chủ yếu là công nhân, người lao động đang ở trọ trên địa bàn thành phố.
Tối cùng ngày, UBND Bình Thuận gửi công văn yêu cầu UBND Đồng Nai dừng hoạt động đưa công nhân về, đi qua tỉnh mình khi chưa có sự bàn bạc, thống nhất.
Bình Thuận cho rằng, nhiều người đi xe máy sau khi theo đoàn vào địa phận tỉnh đã tự tách ra, về các địa phương mà không đã không khai báo y tế để cách ly, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Tỉnh này đề nghị Đồng Nai cung cấp danh sách những người về trước ngày 2/8.
Liên quan đến phản ứng này, ông Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư huyện Vĩnh Cửu cho biết, địa phương bố trí ôtô, xe tải, xe y tế, thực phẩm và cử người theo để hỗ trợ đưa công nhân ở Ninh Thuận trở về quê, chỉ đi ngang qua Bình Thuận, có lực lượng CSGT Ninh Thuận đón. "Xã Thạnh Phú có khoảng 4.500 người quê Ninh Thuận. Cuộc sống ở các khu trọ giờ khó khăn, nguy cơ lây nhiễm cao, các lao động mong muốn về quê nên huyện đã liên hệ với tỉnh này", ông Thuộc nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch TP Biên Hòa cho biết, thành phố đã phối hợp, gửi danh sách hơn 80 người về quê cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Thuận. Tuy nhiên, nhiều lao động nghe tin đã đăng ký thêm nên số lượng tăng hơn 120 người, phải bổ sung muộn danh sách gửi về Bình Thuận.
Theo ông Nguyên, các công nhân nhân khi về quê đã được xét nghiệm và đều có kết quả âm tính nCoV. "Trước khi đoàn xuất phát, địa phương cũng đã báo cho cơ quan chức năng ở Bình Thuận tiếp nhận", ông Nguyên nói.
Một lãnh đạo UBND Đồng Nai cho biết theo nguyên tắc đưa người tỉnh nào về thì phải có sự phối hợp. Tỉnh sẽ cho kiểm tra lại quy trình.
Tại Tây Nguyên, chiều qua, dòng người từ các tỉnh phía Nam vẫn đổ về quê trên quốc lộ 14. CSGT các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đều phối hợp dẫn các đoàn xe máy qua địa phương. Ở chốt cầu 110, đoạn qua xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai, giáp ranh Đăk Lăk, hàng trăm người xếp hàng chờ khai báo y tế. Chạy suốt quãng đường dài bằng xe máy, nhiều lao động tỏ ra mệt mỏi, tìm vị trí nghỉ ngơi, ăn lót dạ trước khi tiếp tục hành trình về nhà.
Ngồi trong căn lều bạt, anh Đặng Văn Hiền, 32 tuổi, ở quận 1, TP HCM ăn vội ổ bánh mì và uống chai nước lọc do các mạnh thường quân tại chốt hỗ trợ. Ăn xong, anh lại nằm nghỉ trên võng chờ CSGT dẫn đường qua Gia Lai.
Một ngày trước, khi nghe tin TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội, anh rủ thêm hai người bạn, quyết định chạy xe máy về quê. 21h, gói ghém đồ đạc xong, họ chạy trong đêm. Đến trưa, đoàn xe nhóm anh Hiền đến chốt cầu 110. "Quãng đường khoảng 450 km, nghỉ 2 lần đổ xăng và qua 3 chốt kiểm soát dịch", anh Hiền kể.
Mấy ngày qua, ở chốt này, chính quyền đã dựng lên 10 chiếc lều với tổng diện tích khoảng 120 m2, để người dân vùng dịch về nghỉ tạm. Lều được dựng bằng khung sắt, mái che bạt, tương tự như mẫu xây dựng ở các rạp cưới. Xã đang xây nhà vệ sinh, dự kiến 2 ngày nữa sẽ xong. Trước đó, ngành chức năng cũng đã xây dựng bể nước và 5 vòi nước để dân rửa mặt, tay chân.
Ý kiến ()