Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 09:17 (GMT +7)
"Tôi thấy mình hạnh phúc bởi nhiều lần được gặp Bác Hồ ở Vùng mỏ"
Chủ nhật, 19/05/2019 | 06:14:48 [GMT +7] A A
Cụ Nguyễn Thọ Chân là Bí thư Khu ủy Hồng Quảng từ năm 1961 đến năm 1963. Khi Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh, cụ được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khóa đầu tiên. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, cụ Nguyễn Thọ Chân đã may mắn nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Nguyễn Thọ Chân. |
- Thưa cụ, cụ có nhớ hồi đó lý do nào khiến cụ được Bác Hồ và Trung ương điều về tăng cường cho Vùng mỏ?
+ Tôi đang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thì được điều về Hồng Quảng vào năm 1961. Thời điểm đó, trí thức ở miền Bắc khá ít nhưng chúng tôi đều tin tưởng một cách hoàn toàn vào sự phân công của Đảng, của Bác Hồ. Bác Hồ và Trung ương điều đi đâu chúng tôi sẵn sàng đi đó.
Tôi về là vì mục tiêu phát triển ngành Than ở Vùng mỏ. Như anh đã biết, Hồng Quảng lúc đó quan trọng lắm. Hồng Quảng được coi là “thủ đô than” của Việt Nam. Nước ta lại đang thiếu dầu, thiếu điện nên than vẫn là năng lượng chủ yếu. Nhiệm vụ của Vùng mỏ là sản xuất nhiều than cho Tổ quốc, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp sức để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau năm 1955, người Pháp rút đi, Vùng mỏ rất thiếu thốn trang thiết bị máy móc để khai thác than. Lúc tôi về vùng Mỏ, mặc dù có cả chuyên gia hỗ trợ, rồi anh em đi học Liên Xô về nhưng mỗi năm chỉ khai thác được vài ba triệu tấn, năm nào cao nhất mới được 5 triệu tấn.
Năm 1963, Hồng Quảng và Hải Ninh hợp nhất, tôi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Tỉnh còn rất nhiều khó khăn nhưng lúc nào chúng tôi cũng tin tưởng một ngày nào đó Vùng mỏ sẽ giàu mạnh. Tôi nhớ có phái đoàn Liên Xô sang thăm Việt Nam, xuống Hồng Quảng. Tôi dẫn các đồng chí đi mỏ, họ kêu ca bụi ghê gớm lắm. Một chuyên gia Liên Xô hỏi tôi từ Hà Nội về đây công tác thì thế nào? Tôi đáp đây là vùng than rất quý. Có lẽ cả thế giới chưa có chỗ nào được ưu ái than không khói antraxit như của chúng tôi. Chúng tôi còn có biển, có Vịnh Hạ Long phong cảnh tuyệt vời không nơi nào có được. Vùng mỏ còn có núi rừng rất đẹp, núi đá vôi làm xi măng rất tốt. Tỉnh tôi còn nghèo nhưng rồi sẽ giàu có. Tôi tin thế. Tóm lại, có thể nói, một phần cuộc đời sôi nổi, đầy ắp kỷ niệm và đáng nhớ nhất của tôi là ở Hồng Quảng, ở Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân (thứ ba, phải sang) tháp tùng Bác Hồ đi thăm Uông Bí năm 1965. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh. |
- Có lẽ những lần gặp Bác ở Vùng mỏ là nhiều nhất và nhiều kỷ niệm nhất thưa cụ?
+ Tôi nhớ nhất cái Tết năm 1965, Quảng Ninh đón nhận nhiều niềm vui: Thợ mỏ hoàn thành kế hoạch 5 triệu tấn than, máy bay Mỹ bị quân dân Vùng mỏ bắn rơi mà bắt được phi công đầu tiên trong cả nước. Năm đó, Bác Hồ phấn khởi lắm, Bác về thăm Vùng mỏ. Trước khi về, Bác yêu cầu giữ bí mật chuyến đi, không được ăn gì của người dân Quảng Ninh mà phải mang bánh, giò chả, thức ăn của mình đi.
Chiều 30, tôi đi đón Bác Hồ. Bác có một chiếc xe nhỏ thôi. Trên xe có anh Vũ Kỳ, có công an bảo vệ Bác. Bác Hồ trùm khăn bịt kín khiến dân chẳng ai biết là trên xe có cụ Hồ. Tôi được Bác mời lên xe ngồi cùng. Suốt dọc đường, Bác hỏi tôi tình hình của tỉnh. Tối 30 Tết, Bác cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn làm việc và mời cơm Thường vụ Tỉnh ủy. Bữa cơm đơn giản mà ấm áp. Bác mời chúng tôi uống rượu Tết. Chúng tôi thưa Bác rất nhiều vấn đề từ kinh tế đến phong tục, tập quán đón Tết. Bác bàn về những chiếc bánh làm dịp Tết từ gạo nếp, đỗ xanh mỗi nơi gói một khác thành bánh Tày, bánh Chưng. Bác hỏi đồng chí Nguyễn Văn Trân đi cùng: “Chú có biết Nam Bộ làm bánh gì không?”. Đồng chí Trân không biết. Bác bảo: “Đó là bánh tét. Mình sống mỗi ngày biết thêm một chuyện đấy. Hôm nay, chú Trân biết bánh tét là cái gì còn tôi thì biết một đồng chí Trung ương chưa biết cái bánh tét là gì?”. Tôi nhận ra Bác đang nhắc nhở ngầm đấy. Bác nhắn nhủ cả nước đang vì miền Nam ruột thịt.
Cơm nước xong, tôi đưa bác về phòng nghỉ rồi xin phép ra về để xem đồng bào chuẩn bị Tết thế nào. Đến chừng 11 giờ đêm tôi nhận được điện bảo Bác ngồi một mình, sang nói chuyện cho bác vui. Tôi sang, thấy Bác Hồ đang đọc Báo Quảng Ninh. Bác ân cần hỏi han gia đình, vợ, con thế nào và dặn dò tôi phải chăm sóc vợ.
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân (ngoài cùng, bên phải) cùng Bác Hồ đi chúc Tết nhân dân ngày 2/2/1965 (tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ).Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh. |
- Thưa cụ, không chỉ quan tâm đến Vùng mỏ, đến việc sản xuất than, Bác Hồ còn rất chú ý chăm lo đời sống công nhân mỏ phải không ạ?
+ Đúng là như vậy. Thực tế thì lúc đó công việc của người thợ mỏ rất nặng nề nhưng đời sống vô cùng thiếu thốn, toàn cơm rau mắm, chả có thức ăn. Chúng tôi lo cho anh em công nhân nhưng chưa tìm được giải pháp. Có lần, Bác Hồ gọi tôi lên hỏi: “Này chú, Bác có một chuyện muốn nói với chú. Không biết chú có chịu làm hay không?” Tôi thưa rằng, Bác cứ chỉ thị, dù khó khăn đến mấy tôi cũng về bàn với anh em thường vụ làm cho bằng được. Bác bảo rằng anh em công nhân mỏ khổ lắm, ăn uống khem khổ như thế thì lấy sức đâu mà đào than. Các chú phải lo cho họ được bữa ăn có cá. Mỗi tháng 1 nhà phải có được 5 cân cá. Tôi thưa xin phép làm từ từ, đầu tiên là 3 cân đã. Được một thời gian, Bác lại gọi tôi kiểm tra. Tôi báo cáo đã được 3 cân rồi. Bác động viên: "Vậy tốt rồi. Các chú tiếp tục cố gắng".
Thành thực mà nói, 3 cân cá đó chia ra cho cả tháng thì một ngày cả nhà chỉ có lạng cá thôi, chả ăn thua gì nhưng thời đó thế đã là quý giá lắm rồi. Còn tại sao có được cá ư? Câu chuyện dài đấy anh ạ. Hồi đó Vịnh Hạ Long có cá nhưng chúng ta toàn đánh thủ công, đánh gần bờ chẳng có tàu lớn mà đi khơi. Chúng tôi đã nhờ giúp đỡ xin được 1 đôi tàu, mỗi chiếc 300 mã lực để đánh cá. Anh biết không, lúc đó đôi tàu vươn khơi này to tiền lắm chứ chẳng chơi. Nhưng có tàu rồi lại sợ nhất là ra ngoài khơi gặp tàu của Mỹ đành quay vào đánh gần bờ hay trong lộng thì toàn cá tạp, cá bé. Tất nhiên, dù là cá bé thời điểm đó cũng quý rồi.
Cụ Chân luôn treo hình ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong phòng làm việc của mình. |
- Những điều gì từ Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cụ đã học tập được và tâm đắc nhất ạ?
+ Đó là tinh thần học tập không ngừng, vượt khó vươn lên. Bác dạy chúng tôi rằng khi hoạt động cách mạng chỉ là vận động quần chúng trong bí mật, giờ chính quyền đã về ta thì người lãnh đạo phải biết nhiều thứ, biết thương nghiệp, xây dựng, công nghiệp, y tế, trị an, nhất là lĩnh vực kinh tế, tổ chức sản xuất. Bác bảo rằng quan trọng phải biết học quy hoạch, quản lý quy hoạch, không biết làm quy hoạch sẽ xây dựng lung tung, rất xấu. Làm lãnh đạo phải tìm thầy mà học, tìm những nhà chuyên môn để người ta dạy cho. Mình chỉ nghe cấp dưới báo cáo thôi nhưng mình nghe mình phải hiểu, khi hiểu rồi thì mình lắc đầu cũng có lý mà gật đầu cũng có lý. Nghe lời Bác dạy, tôi đến Đại học Bách khoa học 6 tháng về xây dựng.
Bác còn bảo tôi ra mỏ phải học địa chất, khai khoáng mới có thể lãnh đạo được cả khu mỏ. Tôi đi tìm các kỹ sư, chuyên gia Liên Xô để học, theo chuyên gia đi kiểm tra mỏ. Chúng tôi thường xuyên lên mỏ Đèo Nai, nơi Bác Hồ đã về thăm, do ông Trương Quang Đẩu (cha đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước - PV) lãnh đạo, lên kiểm tra công trường. Chuyên gia Liên Xô và ông Đẩu đã chỉ cho tôi những kiến thức về mỏ, đúng chỗ nào, sai chỗ nào. Tôi còn chui xuống hầm lò xem công nhân khai thác than ra làm sao.
Bác còn dạy chúng tôi bài học tiết kiệm. Bác bảo đất nước còn nghèo phải tiết kiệm là trước hết. Bác hỏi sản xuất ra 1Kwh điện mất bao nhiêu than, rồi Người dạy nếu 1Kwh mà tiết kiệm được đôi ba gam than thì hàng triệu Kwh tiết kiệm được nhiều lắm. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, việc cụ thể, đừng đưa ra cái lớn lao, to tát quá rồi không làm được.
Khi tôi tạm biệt Quảng Ninh để đi Liên Xô nhận nhiệm vụ đại sứ, tôi có thắc mắc rằng, tôi lùn và xấu thế này làm sao mà làm ngoại giao được? Bác Hồ đã dạy: "Làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm, cốt nhất là ở lòng chân thành, thân mật của mình với người ta. Chú là ngoại giao phải tranh thủ được bạn bè". Ông cụ cẩn thận dặn đọc sách gì về ngoại giao, biết tiếng Pháp thì nên đọc cuốn gì. Vâng lời Bác dạy, tôi đã làm công tác ngoại giao thành công không chỉ ở Liên Xô mà còn cả ở Thụy Điển, vận động các bạn cùng xuống đường đấu tranh cho hòa bình thống nhất ở Việt Nam.
Nhìn lại cuộc đời mình, tôi tự thấy tôi là người hạnh phúc khi được Bác Hồ tin tưởng biết đến. Và mỗi khi giao việc, Người đều có những sự chỉ dẫn, dặn dò cụ thể. Đấy anh thấy không, tôi giờ gần trăm tuổi, làm Bí thư Hà Đông lúc mới 21 tuổi, về làm Bí thư Hồng Quảng khi chưa đầy 40 tuổi. Mới ở tuổi 20, 30 so với ông cụ thì rõ ràng là mình còn trẻ con lắm (cười).
- Xin trân trọng cảm ơn cụ!
Phạm Học- Đăng Quang (Thực hiện)
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân sinh năm 1922, tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương từ năm 1936, làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội.Tháng 4/1943, đồng chí bị chính quyền Pháp kết án 20 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Chính phủ đón về, được cử về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, đồng chí bị quân Pháp bắt và bị giam giữ đến năm 1954. Năm 1956, đồng chí công tác tại Bộ Lao động, giữ chức Vụ trưởng, Tổng Thanh tra Lao động. Năm 1959, đồng chí làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội. Năm 1961, đồng chí về Vùng mỏ làm Bí thư khu ủy Hồng Quảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đầu tiên. Năm 1967, đồng chí được giao nhiệm vụ là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô. Năm 1969, ông được cử kiêm nhiệm chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thụy Điển. Sau khi về nước, đồng chí Nguyễn Thọ Chân được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ và Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương của Đảng (1971 - 1974), Bộ trưởng Bộ Lao động, Trưởng ban Thi đua Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng thi đua toàn quốc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1989. |
Liên kết website
Ý kiến ()