Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 18:27 (GMT +7)
Cụ thể hóa chủ đề công tác năm
Thứ 7, 18/02/2023 | 15:19:11 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa mục tiêu chủ đề công tác năm sát với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương.
3 năm qua, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt ứng phó và triển khai hàng loạt các giải pháp để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh luôn kết hợp tăng trưởng kinh tế, ban hành nhiều chủ trương, chính sách riêng có nhằm bảo đảm an sinh xã hội, như hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ nhà ở cho công nhân; mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số...
Thực hiện chủ đề công tác năm 2023, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với tình hình thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; tập trung huy động sức mạnh tổng lực, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số. Tỉnh ưu tiên ngân sách địa phương cho các chương trình, đề án chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo; linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, phát triển toàn diện cho trẻ em; bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi...
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn. Tỉnh đã tiếp xã giao và làm việc với đại diện Tập đoàn Amata Hạ Long, Công ty TNHH Tenma Việt Nam, Công ty TNHH Castem; làm việc với nhà đầu tư là Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SPF) để trao đổi nội dung phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Singapore lần thứ 7 tại Quảng Ninh. Lãnh đạo tỉnh tham dự buổi gặp gỡ với 60 doanh nghiệp HongKong (Trung Quốc); trao đổi làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc, Công ty Mastern Investment Management (Hàn Quốc)... Trong tháng 1/2023, tỉnh thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 425,6 tỷ đồng, bằng 40,7% cùng kỳ năm 2022; trong đó cấp mới giấy chứng nhận đầu tư FDI cho dự án Nhà máy sợi Khánh Nghiệp của Công ty TNHH Dệt nhuộm Khánh Nghiệp Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà với số vốn 12,84 triệu USD; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 1 dự án trong nước với số vốn 117,5 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 1, tỉnh có 151 đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022) với số vốn đăng ký 315 tỷ đồng; có 240 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 71% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số đến nay là 17.601 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với 352.500 tỷ đồng tổng vốn đăng ký.
Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, ngày 12/2 vừa qua, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng được tổ chức tại Quảng Ninh đã thu hút khoảng 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong vùng, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội nghị là cơ hội để các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để mở ra cơ hội mới phát triển nhanh thời gian tới, thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, dẫn dắt quá trình cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước. Thông qua hội nghị, Quảng Ninh tiếp tục mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư và các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023) phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 và Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho Quảng Ninh, một trong những địa phương của vùng đồng bằng sông Hồng, được coi là cửa ngõ giao thương của các nước ASEAN với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á. Đây cũng là cơ hội để Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo những nền móng mới cho phát triển KT-XH.
Thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, dành nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trong tháng 1/2023, tỉnh đã giải quyết kịp thời chính sách cho 155 người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định; tổ chức chúc thọ người cao niên, trợ cấp và tặng quà cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán 2023; giới thiệu việc làm cho 58 lượt lao động; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng cho 322 lao động...
Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở hoàn toàn các cửa khẩu giao thương thiết lập giữa Quảng Ninh - Trung Quốc, tỉnh đã khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo tốt yêu cầu kiểm soát dịch trong tình huống lượng người nhập cảnh tăng cao; tiếp tục đôn đốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, đến hết tháng 1/2023 tỉnh đã thực hiện 4.269.651 mũi tiêm phòng Covid-19 cho người dân. Các bệnh truyền nhiễm khác cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các đơn vị khám, chữa bệnh luôn chủ động kế hoạch và phương án cụ thể đảm bảo tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Tỉnh đang tăng cường chỉ đạo xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng”, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()