Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:26 (GMT +7)
Cử tri gửi gắm nhiều kỳ vọng
Chủ nhật, 06/12/2020 | 13:29:14 [GMT +7] A A
Hôm nay (7/12), Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIII chính thức khai mạc. Tại kỳ họp, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sự phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ được thảo luận, thông qua. Do đó, kỳ họp đang được các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi lại một số ý kiến của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh gửi đến kỳ họp.
Bà Lục Thị Điển (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long):
Đưa ra các giải pháp thiết thực tiếp tục thúc đẩy KT-XH năm 2021
Tôi được biết đây là kỳ họp cuối năm, sẽ đánh giá những kết quả phát triển KT-XH năm 2020, cũng như bàn thảo, đề ra những giải pháp quan trọng cho năm 2021 và những năm tiếp theo. Có thể thấy, trong năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhưng Quảng Ninh đã có rất nhiều chủ trương, chính sách đột phá trong phát triển KT-XH, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
Qua kỳ họp này, tôi mong rằng các đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, sáng tạo, tiếp tục thúc đẩy nền KT-XH chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Ông Lý Thương Mại (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn):
Tiếp tục dành nguồn lực cho đầu tư công
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn tập trung dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Đã có rất nhiều dự án, công trình hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cử tri chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết trong kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm này sẽ xem xét, quyết nghị nhiều vấn đề, nội dung quan trọng, trong đó có việc phân bổ nguồn lực đầu tư công năm 2021. Cử tri chúng tôi mong muốn, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công năm 2021, trong đó cần bố trí nguồn lực tập trung, không dàn trải; ưu tiên cho những công trình, dự án động lực, trọng điểm, tạo sự đột phá, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ theo hướng dịch vụ, du lịch.
Ông Vũ Văn Khiêm, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Chùa (xã Tiền An, TX Quảng Yên):
Quan tâm thu hút đầu tư vào KKT ven biển Quảng Yên
Tôi được biết hiện nay, KKT ven biển Quảng Yên đang thu hút được nhiều dự án đầu tư vào các KCN. Đây là cơ hội lớn để Quảng Yên bứt phá phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số dự án GPMB ở Quảng Yên còn chậm, bởi vậy cử tri chúng tôi mong muốn thời gian tới, địa phương sẽ tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn khâu GPMB, tạo quỹ đất sạch triển khai nhanh những dự án trọng điểm trong KCN. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng hoàn thiện, nhất là công trình giao thông kết nối đồng bộ đến các KCN. Ngoài ra, rất mong tỉnh sẽ có thêm nhiều quyết sách phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của thị xã, như: Xây dựng NTM nâng cao; thu hút đầu tư vào các KCN; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; giải quyết bài toán môi trường, việc làm khu vực nông thôn…
Ông Chíu Phúc Sếnh (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu):
Có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng sâu, vùng xa
Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, địa phương, đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa chúng tôi đã được nâng lên rất nhiều. Đặc biệt, năm 2020 đã có nhiều cơ chế, chính sách được HĐND tỉnh kịp thời ban hành, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những người lao động bị mất việc làm, đối tượng hộ nghèo...
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, điều kiện phát triển KT-XH, đời sống nhân dân trong thôn chúng tôi vẫn còn khó khăn. Được biết, kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm sẽ xem xét thông qua nhiều giải pháp phát triển KT-XH cho năm tới và những năm tiếp theo, tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, có các kế hoạch để đẩy mạnh chương trình, dự án phát triển kinh tế cho khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong đó, cần tiếp tục có cơ chế ưu tiên hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao KHKT và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân; tăng cường đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh. Qua đó, tiếp tục tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững.
Thu Chung - Mạnh Trường - Phạm Tăng (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()