Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:45 (GMT +7)
Quảng Ninh: Tạo bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ 4, 13/01/2021 | 07:55:39 [GMT +7] A A
Trong chiến lược phát triển lâu dài của Quảng Ninh, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được quan tâm và giữ vai trò quyết định mọi thành công. Vì vậy, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là điều kiện quan trọng để tỉnh triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc.
Từ nền tảng vững chắc
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Xuyên suốt quá trình phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như kỹ năng, tay nghề cho người lao động qua định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh. |
Đặc biệt, tại kỳ họp 16 HĐND tỉnh khoá XII đã thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh Quảng Ninh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030. Tiếp đó, tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực Quảng Ninh đến năm 2020 (Đề án 293) với những mục tiêu, giải pháp phù hợp, thiết thực. Trong đó chú trọng đến từng ngành, lĩnh vực cũng như nhu cầu đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn để tập trung thực hiện cho phù hợp. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và yêu cầu thực tiễn, như: Phát triển du lịch, dịch vụ; y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng quản trị hành chính công, xây dựng nông thôn mới, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...
Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách phân luồng giáo dục trên địa bàn, đặc biệt chú trọng phân luồng học sinh sau THCS, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường của mình và nhu cầu lao động của xã hội… Đồng thời tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đồng bộ đạt đẳng cấp quốc tế nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống, làm việc tại Quảng Ninh. Ngoài ra mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề chất lượng cao theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các lĩnh vực tỉnh đang thiếu và yếu nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng được mở rộng. Trong đó nổi bật là phát triển Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía Bắc; đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Giao thông cơ điện Quảng Ninh với tổng mức 70,6 tỷ đồng từ ngân sách…Cùng với đó chú trọng thu hút nguồn lực xã hội hóa, khởi công xây dựng Trường Đại học FLC với 3 chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch, hàng không… góp phần tạo đột phá, mở ra cơ hội giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Quảng Ninh cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài đã ký kết để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ sinh viên mới ra trường có nguyện vọng về làm việc tại Quảng Ninh…
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long thực hành hướng dẫn kỹ năng tại điểm du lịch. Ảnh: Trúc Linh |
Với sự vào cuộc hiệu quả cùng các giải pháp khả thi, trong vài năm gần đây, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tỷ trọng lao động các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh có trên 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động hiện chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đó là: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...
Tạo những bứt phá mới
Hiện nay, tỉnh có khoảng hơn 20,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Đồng thời có hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang tìm về mảnh đất này để nghiên cứu đầu tư. Theo tổng hợp của Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, 11 khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2020 của tỉnh được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích hơn 11.741 ha, mới có 6 khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng là đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Như vậy, dư địa thu hút “chim về làm tổ” với Quảng Ninh còn rất nhiều. Để thực hiện tốt điều này, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sát với nhu cầu thực tế tiếp tục được Quảng Ninh chú trọng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh đã lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó, tỉnh xác định tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước mắt, Quảng Ninh đang nghiên cứu xây dựng Nghị quyết về “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số” dự kiến hoàn thành trong quý III/2021 và Nghị quyết về “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” dự kiến hoàn thành trong quý IV/2021.
Cùng với đó, để tiếp tục có những bứt phá, một số giải pháp quan trọng đang được tỉnh cân nhắc, chú trọng xây dựng, thực hiện trong thời gian tới là cải cách toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có lộ trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 90%, trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%, số sinh viên/vạn dân đạt 500 sinh viên. Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm, ngư nghiệp sang khu vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tiếp tục phát triển, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy sản xuất thông minh, quản lý thông minh, chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đô thị xanh, công dân thông minh; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; quan tâm hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hoàn thành xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tại Đầm Hà, Đông Triều)…
Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, chắc chắn công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ tiếp tục có những bứt phá trong các năm tới, tạo đà giúp xây dựng Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()