Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 23:14 (GMT +7)
Cú xoay chiều lịch sử, ngành hàng tỷ USD chao đảo từ ngôi số 1 thế giới
Thứ 7, 29/04/2023 | 08:04:25 [GMT +7] A A
Chiếm vị trí số 1 thế giới về sản lượng điều nhân xuất khẩu gần hai thập kỷ, song cú xoay chiều lịch sử từ xuất siêu thành nhập siêu khiến ngành điều Việt Nam chao đảo.
Từ xuất siêu thành nhập siêu
Theo thống kê, hạt điều nhân của Việt Nam đã có mặt ở 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm. Năm 2006, với kim ngạch đạt 520 triệu USD, Việt Nam chính thức là quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới. Đến năm 2010, mặt hàng này lần đầu tiên giúp nước ta thu về 1 tỷ USD, đồng thời lọt vào "câu lạc bộ tỷ USD" của ngành nông nghiệp.
Sau đó, từ con số 2,84 tỷ USD năm 2016, xuất khẩu điều vọt lên 3,36 tỷ USD vào năm 2018. Giai đoạn 2019-2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này có xu hướng chững lại và giảm nhẹ. Song, trong suốt 30 năm ngành điều Việt Nam vẫn luôn xuất siêu.
Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng kết thúc năm xuất khẩu điều vẫn lập kỷ lục 3,64 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam chi tới 4,185 tỷ USD để nhập 2,87 triệu tấn điều thô. Tức, nhập khẩu điều tăng 91,3% về lượng và tăng 132,5% về giá trị so với năm 2020. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhập siêu kỷ lục sau hơn 3 thập kỷ duy trì xuất siêu.
Năm 2022, ngành điều lấy lại vị thế nhập siêu khi kim ngạch xuất khẩu đạt 3,08 tỷ USD, còn nhập khẩu chỉ dừng ở con số gần 2,68 tỷ USD.
Nhưng, những tháng đầu năm nay, thế mạnh này của nước ta lại quay lại thời nhập siêu. Cụ thể, quý I/2023, xuất khẩu hạt điều đạt 648 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi nhập khẩu gần 760 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Kể từ năm 2021, thị trường cung cấp điều thô cho Việt Nam cũng có sự dịch chuyển từ châu Phi sang Campuchia. Theo đó, năm 2021, nhập khẩu điều từ Campuchia chiếm gần 44,8% tổng giá trị nhập khẩu điều của nước ta; so với năm 2020 tăng 5,17 lần về lượng và tăng 6,79 lần về giá trị.
Năm 2022, nhập khẩu điều từ Campuchia chiếm 40,6% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của nước ta. Ngoài ra, còn nhập từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Tanzania,... Hạt điều tươi chưa bóc vỏ chiếm 96% tổng lượng nhập khẩu, còn lại là hạt điều tươi đã bóc vỏ.
Trong 3 tháng đầu năm nay, nước ta nhập khẩu điều chủ yếu từ các thị trường Campuchia, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria. Trong đó, Việt Nam chi tới 447,5 triệu USD nhập khẩu hạt điều từ Campuchia, chiếm 58,9% tổng giá trị nhập khẩu điều của nước ta.
Cảnh báo cho thế mạnh tỷ USD
Tại đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức tại TP.HCM hồi đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Vinacas, chia sẻ khẩu hiệu của ngành: "Nói đến hạt điều, nghĩ tới Việt Nam".
Lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới, do người Việt sản xuất. Hiện ngành điều có khoảng 500 DN sản xuất và chế biến, với công suất khoảng 4 triệu tấn điều thô mỗi năm.
Song, chủ trương của các nước trồng điều châu Phi (gần đây có cả Campuchia) là phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế suất xuất khẩu cao. Trái lại, họ miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu.
Còn tại Việt Nam, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào trong nước để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế.
Với chính sách trên, để tồn tại, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu, thu hẹp sản xuất theo hướng tập trung vào vài công đoạn cuối, bỏ phí phần lớn dây chuyền hiện đại đã đầu tư.
Theo Vinacas, nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó đang bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu chúng ta không thay đổi ngay từ bây giờ.
Vinacas lo ngại, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI, sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới.
Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.
Trước thực trạng trên, Vinacas đã gửi văn bản “cầu cứu” tới Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về các vấn đề liên quan đến thuế nhập khẩu điều; đồng thời áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam, như Ấn Độ đang làm với điều nhân nhập khẩu.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết, giá điều thô nhập khẩu rẻ hơn hàng trong nước. Những năm qua, ngành điều Việt phụ thuộc quá nhiều từ nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu nội địa. Thế nên, khi các quốc gia cung ứng điều thô thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu, ngành hàng thế mạnh này của nước ta lập tức bị ảnh hưởng.
Thực tế, diện tích điều ở nước ta có xu hướng giảm dần đều. Từ 440.000 ha năm 2007, đến niên vụ 2019-2020, diện tích điều trên cả nước chỉ còn 302.500 ha, sản lượng khoảng 339.800 tấn. Năm 2022, theo kế hoạch sản xuất, tổng diện tích điều cả nước duy trì ổn định 305.000ha. Năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha, sản lượng điều thô (hạt khô) ước đạt 370.000 tấn.
Đáng nói, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, nhưng việc gia tăng nhập khẩu điều thô khiến nông dân trồng điều khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi trong nước giảm.
Theo ông Thuỷ, doanh nghiệp điều Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng dần tỷ trọng trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới. Cùng với đó, xây dựng được vùng nguyên liệu, bởi không có nguồn nguyên liệu ổn định, ngành hàng rất khó để phát triển bền vững.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()