Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:17 (GMT +7)
Cục Hải quan tỉnh: Kiểm đúng, kiểm trúng trong khâu hậu kiểm
Thứ 6, 23/12/2022 | 17:09:42 [GMT +7] A A
Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là hoạt động “hậu kiểm” sau khi hàng hóa đã được thông quan nhằm mục đích đảm bảo tính tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và các quy định khác liên quan đến hoạt động XNK. Xác định công tác KTSTQ là xu thế tất yếu của hải quan hiện đại, năm 2022, Cục Hải quan tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện "kiểm đúng, kiểm trúng” trong khâu hậu kiểm để tiếp tục nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm, giảm bớt thời gian kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.
Năm 2022, Hải quan Quảng Ninh là một trong 10 Cục Hải quan trên cả nước có giá trị XNK cao nhất, đạt trên 15 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021). Lượng tờ khai thông quan lên tới gần 80.000 tờ khai. Với quyết tâm vừa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, vừa đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để vi phạm pháp luật, công tác KTSTQ tiếp tục được Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo hướng, không kiểm tra “dàn trải” nhưng vẫn phải nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra.
Ông Vũ Quý Hưng, Trưởng Chi cục KTSTQ chia sẻ: Trong KTSTQ, công tác thu thập, xử lý thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro là khâu nghiệp vụ đầu tiên và rất quan trọng. Nếu thông tin đúng thì kiểm tra mới trúng, thông tin có chính xác thì kiểm tra mới hiệu quả. Do đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Chi cục đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong năm 2022, đơn vị đã tập trung nhân lực, làm việc liên tục trong nhiều ngày để hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu giai đoạn 5 năm (2017-2022), với hơn 800.000 tờ khai, trên 3 triệu dòng hàng được kết xuất, tổng hợp từ các phần mềm nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức cách thức tổng hợp, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu; tăng cường công tác trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ KTSTQ với các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Song song với công tác thu thập, xử lý thông tin, việc KTSTQ theo chuyên đề với các doanh nghiệp, loại hình, hàng hóa có độ rủi ro cao, dễ xảy ra sai sót, gian lận, trốn thuế cũng là giải pháp quan trọng để hạn chế việc kiểm tra doanh nghiệp theo hướng dàn trải. Năm 2022, riêng đối với chuyên đề kiểm tra hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất là lĩnh vực có yêu cầu, đòi hỏi rất cao về công tác quản lý hải quan để đáp ứng các điều kiện được miễn thuế, không chịu thuế, Chi cục KTSTQ đã thực hiện kiểm tra và phát hiện 7/7 doanh nghiệp vi phạm, thu nộp NSNN tổng cộng 5,43 tỷ đồng.
Qua kiểm tra Chi cục cũng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt các quy trình, thủ tục hải quan và các quy định khác liên quan đến hoạt động XNK, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật. Đến nay, một số doanh nghiệp đã chủ động liên hệ đề nghị được kiểm tra sớm nhằm nắm bắt, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời, tránh các sai sót tích tụ, phát sinh số tiền thuế bị xử lý, truy thu lớn, ảnh hưởng đến hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính đến hết năm 2022, toàn Cục đã thực hiện 125 cuộc KTSTQ ở cả 2 cấp (cấp Cục và cấp Chi cục), thu nộp NSNN 10,24 tỷ đồng (đạt 106% về số cuộc và đạt 102% về số thu NSNN so với chỉ tiêu). Đáng chú ý, tỷ lệ phát hiện vi phạm các cuộc KTSTQ đạt mức cao, bình quân 74% (các chi cục đạt tỷ lệ 61% còn ở cấp Cục do Chi cục KTSTQ thực hiện đạt tới 91%). Với tỷ lệ này cho thấy, công tác hậu kiểm đã phát huy hiệu quả khi đã đảm bảo kiểm đúng, kiểm trúng.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác KTSTQ hiện vẫn còn gặp một số hạn chế khi công tác KTSTQ chưa thực sự gắn kết sâu, sát với những hoạt động diễn ra trong thông quan, những nội dung phát sinh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, trong năm tại các chi cục hải quan cửa khẩu. Nguyên nhân do chưa có nhiều đổi mới trong tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch KTSTQ hàng năm.
Mặt khác, theo phân cấp, Chi cục KTSTQ chỉ được thực hiện kiểm tra đối với các doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh, trong khi đến trên 70% số doanh nghiệp hoạt động XNK qua các cửa khẩu, cảng biển trong tỉnh có trụ sở ở tỉnh ngoài (hơn 1.200 doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK thì có tới gần 1.000 doanh nghiệp có trụ sở tỉnh ngoài). Số lượng doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh ít, dẫn đến Chi cục KTSTQ phải thu thập thông tin, kiểm tra đối với nhiều doanh nghiệp MST đầu 57 (doanh nghiệp Quảng Ninh) nhưng mở tờ khai nơi khác, như: Hải quan Hải Phòng, Hải quan Hà Nội, Hải quan Lạng Sơn... Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc phát hiện các sai sót, cảnh báo, hỗ trợ, bọc lót tốt cho khâu thông quan, giảm thiểu rủi ro và hạn chế tối đa các nội dung bị ghi nhận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, phát huy tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, năm 2023, công tác KTSTQ sẽ được Cục Hải quan tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mới sau: Tập trung phân công, giao việc, quản lý công việc để kiểm soát được số liệu, tình hình diễn ra từng tuần, từng tháng, từng quý tại các chi cục; tăng cường kiểm soát hồ sơ luồng xanh, tờ khai có C/O, hàng hóa là các mặt hàng nhạy cảm theo chính sách quản lý trong từng thời kỳ, hàng hóa có mã số, thuế suất thay đổi theo danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và các biểu thuế mới ban hành có hiệu lực từ đầu năm 2023...
Các đơn vị trong Cục cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tính tự nguyện tuân thủ, tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ tuân thủ và chương trình doanh nghiệp ưu tiên. Đồng thời, động viên các doanh nghiệp về mở tờ khai, nộp thuế tại các đơn vị hải quan trong tỉnh đóng góp vào kim ngạch, số thu NSNN trên địa bàn.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()