Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:30 (GMT +7)
Cúm A/H5N1 vẫn rình rập
Thứ 7, 26/01/2008 | 09:26:54 [GMT +7] A A
Ngày 23-1, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận, bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên được phát hiện trong năm nay là anh Trần Văn Đông ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Trước khi mắc bệnh và tửvong anh Đông đã ăn thịt gà chết và xung quanh gia đình anh cũng có nhiều gà, vịt chết.
Trước đó, vào cuối tháng 12-2007, Bộ Y tế cũng đã xác nhận một bệnh nhi tại Sơn La tử vong do nhiễm vi rút H5N1. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam là nước có số người nhiễm H5N1 nhiều nhất thế giới với 102 ca và đứng thứ hai về số người tử vong do H5N1 với 48 người (sau Indonesia).
Một điều đáng nói nữa là sau nhiều năm hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và cả tính mạng con người, thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm lại tái phát ở một số tỉnh. Tính đến nay, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trên địa bàn toàn quốc có 4 tỉnh đang tái phát dịch cúm gia cầm gồm Trà Vinh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Quảng Bình.
Những thực tế trên cho thấy, cúm A/H5N1 và cúm gia cầm (nguồn lây nhiễm cúm A/H5N1) vẫn luôn rình rập ở xung quanh chúng ta và có thể gây bệnh, tái phát bất cứ lúc nào. Trong khi đó người dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng lại hết sức chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó số lượng gà nhập lậu qua biên giới, không được kiểm soát dịch bệnh vẫn ùn ùn đổ vào nước ta. Công tác phòng, chống dịch cũng chỉ được “hâm nóng” khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Tất cả những yếu tố trên là “môi trường thuận lợi” cho dịch bệnh trú ngụ lâu dài và lây lan ra diện rộng.
Trước thực trạng đáng lo ngại này và để đảm bảo có nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, ngày 24-1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trên cơ sở đó các cơ quan chuyên môn phải coi trọng và tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo tới người dân và hộ chăn nuôi về nguy cơ dịch bệnh. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, không để mầm bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn. Ngành Thú y phải có biện pháp giám sát được nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm ở các chợ. Chính quyền các địa phương tổ chức, bố trí các điểm kinh doanh thực phẩm sạch để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, ngành Y tế chủ động đối phó, ngăn chặn từ xa không để dịch bệnh lây sang người...
Liên kết website
Ý kiến ()