Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:02 (GMT +7)
Cúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhi
Thứ 5, 21/10/2021 | 08:46:55 [GMT +7] A A
Cúm là một bệnh đường hô hấp có thể gây những biến chứng nguy hiểm với phụ nữ mang thai và ảnh hưởng đến thai nhi.
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thất thường, thay đổi đột ngột, lúc nóng ẩm, lúc khô hanh khiến cho các loại virus phát triển và lan nhanh. Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp, do các chủng virus cúm A, B, C gây ra. Trong đó, cúm A và B là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất.
1. Vì sao bị cúm khi mang thai lại nguy hiểm?
Mang thai không làm cho bà bầu dễ bị bệnh cúm mà là do những thay đổi trong cơ thể của phụ nữ mang thai khiến họ nếu mắc bệnh cúm sẽ dễ bị các triệu chứng cúm nặng hơn.
Có nhiều khả năng bệnh cúm trong thai kỳ có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như các vấn đề về hô hấp. Bạn cũng có nguy cơ cao bị viêm phổi và cần phải nhập viện.
Một số chủng cúm nặng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể dẫn đến thai chết lưu.
Đó là lý do tại sao phụ nữ mang thai được khuyên nên chủng ngừa cúm để bảo vệ cho cả bạn và con bạn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa tiêm vaccine và bị cúm hãy điều trị nhanh chóng bằng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ để có thể ngăn bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của cúm - bệnh đường hô hấp
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh cúm bao gồm:
- Rất mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Ho
- Sốt (39 độ C trở lên), ớn lạnh hoặc cơ thể run rẩy. Tuy nhiên, không phải ai bị cúm cũng bị sốt.
- Nhức đầu hoặc đau cơ hoặc cơ thể
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Viêm họng
- Nôn hoặc tiêu chảy
Bệnh cúm rất dễ lây, các triệu chứng khác có thể kéo dài khoảng một tuần hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, một số người có thể bị bệnh cúm trong một thời gian dài, bao gồm trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ mới sinh con.
3. Cảm cúm có thể gây hại cho thai kỳ như thế nào?
- Cảm cúm có thể nguy hiểm trong thai kỳ vì mang thai ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, tim và phổi. Hệ thống miễn dịch là cách cơ thể tự bảo vệ khỏi bệnh tật. Các biến chứng sức khỏe do cúm, như nhiễm trùng phổi được gọi là viêm phổi, có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong, đặc biệt nếu phụ nữ đang mang thai.
- Nếu phụ nữ mang thai bị cúm, có nhiều khả năng bị các biến chứng nghiêm trọng hơn những người khác. Khi mang thai, hệ thống miễn dịch không phản ứng nhanh với bệnh tật như trước khi mang thai.
Vì vậy, cơ thể của phụ nữ mang thai tự nhiên giảm khả năng bảo vệ và phản ứng với bệnh tật. Một lý do khác mà cảm cúm có thể gây hại khi mang thai là phổi cần nhiều oxy hơn, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Thai nhi ngày càng lớn gây áp lực lên phổi, khiến phổi phải làm việc nhiều hơn trong một không gian nhỏ hơn. Thậm chí, đôi lúc có thể cảm thấy khó thở. Tim cũng làm việc nặng hơn vì phải bơm, cung cấp máu cho cả mẹ và thai nhi khiến cơ thể bạn bị căng thẳng khi mang thai dễ dẫn đến mắc bệnh cúm.
Nếu bạn đang mang thai hoặc mới sinh con trong vòng 2 tuần, bạn có nhiều khả năng gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do cảm cúm hơn những phụ nữ khác. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị các biến chứng (bao gồm cả các biến chứng đe dọa tính mạng) nếu họ bị cúm, đặc biệt là trong giai đoạn sau của thai kỳ. Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh cúm là viêm phế quản có thể trở nên nghiêm trọng và phát triển thành viêm phổi. Các biến chứng khác có thể, bao gồm:
- Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa)
- Nhiễm trùng máu gây tụt huyết áp nghiêm trọng (sốc nhiễm trùng)
- Nhiễm trùng não và tủy sống (viêm màng não)
- Viêm não
- Viêm cơ tim (viêm nội tâm mạc)
4. Ảnh hưởng của bệnh cúm đến thai nhi
- Phụ nữ mang thai bị cúm có thể nguy hiểm cho thai nhi đang phát triển vì nó làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng.
- Phụ nữ mang thai bị cúm có nhiều khả năng bị chuyển dạ sinh non (chuyển dạ xảy ra trước 37 tuần của thai kỳ) và sinh non (sinh trước 37 tuần của thai kỳ), sinh con nhẹ cân.
- Thậm chí có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc tử vong trong tuần đầu tiên sau sinh. S
- ốt do cúm có thể có liên quan đến dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh, ảnh hưởng đến não, tủy sống, hở hàm ếch, tim bẩm sinh...
5. Tiêm phòng cúm khi mang thai
Theo WHO, tiêm phòng cúm được chứng minh là an toàn cho mẹ bầu và thai nhi. Tiêm vaccine phòng cúm là an toàn trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, từ vài tuần đầu tiên cho đến ngày dự sinh. Không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề cho bà mẹ hoặc thai nhi khi bà mẹ được tiêm phòng cúm trong thai kỳ.
Vaccine phòng cúm không mang lại rủi ro cho thai phụ hoặc thai nhi. Tiêm phòng cúm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, cũng có thể giúp giảm nhu cầu đến bệnh viện do các biến chứng tiềm ẩn. Phụ nữ mang thai được tiêm phòng cúm giảm 40% khả năng phải nhập viện nếu họ bị cúm.
Phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ, song khuyến cáo nên tiêm sớm vào mùa cúm (tháng 10). Ngoài lợi ích ngăn ngừa mẹ bị cúm khi đang mang thai, vaccine phòng cúm còn có những lợi ích tích cực đối với thai nhi.
Khi người mẹ tiêm phòng khi đang mang thai, các kháng thể sẽ được truyền từ người mẹ được tiêm chủng sang thai nhi qua nhau thai. Việc chủng ngừa có thể bảo vệ trẻ sơ sinh đến 6 tháng sau khi sinh. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc phòng ngừa cúm ở phụ nữ mang thai bằng cách tiêm chủng có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thai nhi.
Tiêm phòng cúm cũng được chứng minh là an toàn cho các bà mẹ đang cho con bú, vì các kháng thể đi qua sữa mẹ vô hại cho con bạn. Các tác dụng phụ sau tiêm thường nhẹ, bao gồm đau nhức, sưng tấy và mẩn đỏ nơi tiêm.
6. Điều trị cúm ở phụ nữ mang thai
Trong trường hợp mẹ bầu đã tiêm phòng cúm nhưng vẫn có thể mắc một chủng cúm đang lưu hành. Khi này, việc điều trị sớm rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt vì thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất khi bắt đầu sớm (trong vòng 48 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu).
Thuốc kháng virus có thể làm cho bệnh cúm giảm, cảm thấy dễ chịu hơn nhanh chóng. Và cũng có thể ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể do bệnh cúm.
Thuốc kháng virus phải do bác sĩ điều trị kê đơn. Sốt do nhiễm cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong thời kỳ đầu mang thai có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh ở em bé. Ngoài việc dùng thuốc kháng virus, phụ nữ mang thai bị sốt nên điều trị sốt bằng Tylenol®.
- Khi bị cúm, bạn cần nằm trên giường và nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước, đặc biệt nếu bạn bị sốt để không bị mất nước.
- Uống paracetamol để hạ sốt.
- Ibuprofen được khuyên dùng cho hầu hết người lớn bị cúm. Nhưng nếu bạn đang ở trong tam cá nguyệt đầu tiên hoặc tam cá nguyệt thứ hai, bạn cần nói chuyện với dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng ibuprofen vì nó thường không được khuyến cáo trong thai kỳ. Bạn không nên dùng ibuprofen trong giai đoạn cuối thai kỳ vì nó không an toàn cho con bạn.
Nếu phụ nữ mang thai có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất:
- Khó thở hoặc thở gấp
- Đau hoặc áp lực ở ngực hoặc bụng
- Chóng mặt đột ngột
- Nôn mửa dữ dội hoặc dai dẳng
- Sốt cao không đáp ứng với Tylenol®
- Thai nhi giảm hoặc không chuyển động.
7. Phòng ngừa bệnh cúm ở phụ nữ mang thai
Để có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh con an toàn, người mẹ trước khi mang thai cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cũng như khám sức khỏe định kỳ.
- Tiêm phòng: Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng mỗi năm.
- Tránh tiếp xúc gần: Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Khi bạn bị bệnh, hãy giữ khoảng cách với những người khác để bảo vệ họ khỏi bị bệnh.
- Ở nhà khi bạn bị ốm: Nếu có thể, hãy ở nhà không đi làm, đi học khi bạn bị ốm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh của bạn lây lan sang người khác.
- Che miệng và mũi của bạn: Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh bạn.
- Làm sạch tay của bạn: Rửa tay thường xuyên sẽ giúp bảo vệ bạn. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất tẩy rửa tay có cồn.
- Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng: Vi khuẩn thường lây lan khi một người chạm vào thứ gì đó bị nhiễm khuẩn và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ.
- Thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe khác: Những thói quen tốt cho sức khỏe như làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học, đặc biệt là khi có người bị bệnh; Ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng của bạn, uống nhiều nước và ăn thức ăn bổ dưỡng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()