Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 18:32 (GMT +7)
Mở ra nhiều cơ hội mới cho Quảng Ninh và các địa phương lân cận
Chủ nhật, 12/02/2023 | 17:08:31 [GMT +7] A A
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Nhiều đại biểu đánh giá Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Lấy việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh làm lực đẩy”.
Môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn, hệ thống quy định rõ ràng, đồng bộ, quy trình thực thi đơn giản, công khai, minh bạch sẽ là bệ đỡ để doanh nghiệp an tâm tìm kiếm, tận dụng cơ hội phát triển. Thời gian qua, có những tỉnh, địa phương làm rất tốt, như Quảng Ninh, hay ngành điện, ngành bảo hiểm cũng có những cải cách rất chủ động. Các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ những tư duy cải cách vì doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp là một quá trình, từ gia nhập thị trường đến các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh…; phải làm việc với rất nhiều cơ quan, tuân thủ các chuỗi quy trình, thủ tục. Do vậy không chỉ một vài nơi, vài đơn vị cải cách, mà ở đây là sự sâu chuỗi, đồng bộ của cả hệ thống.
Do vậy, vấn đề tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề cải cách sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi sâu hơn, toàn diện hơn ở cả góc độ đòi hỏi nhà đầu tư, doanh nghiệp và cuộc đua với các quốc gia khác để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nói một cách ngắn gọn, các nước đứng trên chúng ta trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh chỉ cần nỗ lực 1, thì chúng ta phải nỗ lực 2-3, thậm chí hơn. Tôi thấy rằng những giải pháp được các bộ, ngành, địa phương đưa ra tại hội nghị này sẽ là căn cứ rất quan trọng để các doanh nghiệp nắm bắt được các định hướng phát triển cũng như khẳng định những hành động cụ thể và đi đến những kết quả cụ thể, tạo ra sự tác động tích cực cho nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng: “Lấy gắn kết vùng tạo đà phát triển”
Để tạo được chuyển biến có tính đột phá, thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát định hướng xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị khoá XIII tại Nghị quyết số 30-NQ/TW. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò ngày một nâng cao của Nam Định khi toàn vùng tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng cao để hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021-2030, nhất là hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Để gia tăng kết nối vùng, tỉnh chủ trương thiết lập các chương trình, kế hoạch hành động chung (xúc tiến đầu tư, ưu đãi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư kết cấu hạ tầng…); phối hợp quy hoạch các ngành kinh tế, sử dụng tài nguyên nước, các vùng chuyên canh giữa các địa phương để thu hút vốn FDI hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao và các trung tâm công nghiệp lớn mang tính liên tỉnh.
Tôi tin tưởng rằng sau hội nghị này sẽ góp phần gia tăng sức liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSH. Nam Định phấn đấu cùng các địa phương trong vùng hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII đề ra.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam: “ĐBSH tiếp tục là khu vực có sức hút với các nhà đầu tư”.
Những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã ngày càng được tăng cường. Hàn Quốc đã và đang là một trong những nhà đầu tư nước ngoài và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhờ môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam, cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam đang càng rộng mở, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghiệp giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, bán lẻ, các ngành dịch vụ...
Với vị trí địa lý chiến lược và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc như một cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn để nâng cao hiệu quả chi phí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn chung, Việt Nam được công nhận là đối tác lý tưởng cho sự hợp tác kinh tế dựa trên lợi thế so sánh và quan hệ hợp tác chiến lược trong những năm tới.
Tại hội nghị lần này với những thông tin về phát triển vùng ĐBSH nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, chúng tôi có thêm điều kiện để tìm hiểu những cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh, một địa phương với nhiều tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt với hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và chính sách thu hút hợp lý như hiện nay, tôi thấy rằng Quảng Ninh đang có những nền tảng rất tốt để các doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề về đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ tốt nhất cho yêu cầu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Giám đốc Công ty CP và Giải pháp Năng lượng VinES (thành viên Tập đoàn VinGroup): “Quảng Ninh đang tiếp tục gia tăng lợi thế của địa phương trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư”
Trong triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 đối với khu vực ĐBSH, tôi đánh giá Quảng Ninh là một tỉnh có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Để du lịch phát triển bền vững, chắc chắn Quảng Ninh sẽ phải tiếp tục chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Qua tham dự hội nghị, lắng nghe những chia sẻ từ người đứng đầu của tỉnh để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 30 đạt hiệu quả cao như: Giữ vững sự ổn định và phát triển ngành Than theo quy hoạch gắn với đẩy mạnh dịch chuyển năng lượng, tăng trưởng xanh; tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới... Điều này cũng phù hợp với hướng đi của chúng tôi. Hiện VinES đang vận hành hai nhà máy sản xuất cell pin và pack pin trong tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô - xe máy điện VinFast (Hải Phòng). Thời gian tới, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy công suất 100.000 pack pin một năm tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) và một nhà máy liên doanh sản xuất pin LFP với đối tác Gotion tại Hà Tĩnh. Với vai trò là một doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư về lĩnh vực này tại Quảng Ninh.
Bên cạnh những giải pháp trong thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng tôi thấy Quảng Ninh cũng có những bước đi rất bài bản và nhất quán trong công tác quy hoạch. Chúng tôi cũng đặc biệt đánh giá cao việc Quảng Ninh hiện là địa phương đầu tiên chủ động trong việc triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040. Với sự chủ động này cùng những định hướng được tạo lập rõ ràng, cụ thể từ nhiều quy hoạch khác nhau, Quảng Ninh đang tiếp tục gia tăng lợi thế của địa phương trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Bà Đinh Thị Liên, Tổng giám đốc DNTN Trung tâm thương mại khách sạn dịch vụ du lịch Trưng Vương, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc: “Quảng Ninh sẽ là thị trường mục tiêu trong thu hút khách du lịch”.
Vùng ĐBSH là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch và có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Sau thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19, các tỉnh ĐBSH đã ngày càng khẳng định được sức hút trong lĩnh vực này khi đã thu hút gần 52 triệu lượt khách trong năm 2022. Hiện nay, các công ty du lịch trong tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang khai thác rất nhiều sản phẩm du lịch trong khu vực ĐBSH với nhiều tour tuyến đa dạng, Tuy nhiên, sự hợp tác liên kết phát triển vùng trong các hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Các giải pháp về cơ chế, chính sách hiện nay nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương chưa hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Chính phủ khi yêu cầu các địa phương trong khu vực ĐBSH phải tăng cường liên kết để trở thành trọng tâm phát triển du lịch cả nước, đầu mối phân phối khách cho các vùng khác trong cả nước.
Ngay sau hội nghị, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các định hướng phát triển của địa phương để cùng liên kết với các doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, trước mắt, Quảng Ninh sẽ là thị trường mục tiêu mà chúng tôi hướng đến vì tỉnh các bạn ngoài sở hữu những giá trị nổi bật về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử đa dạng thì chúng tôi nhận thấy, Quảng Ninh còn đang có những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và rất hấp dẫn. Đồng thời, các bạn cũng có môi trường du lịch an toàn, xanh sạch, cơ sở phục vụ du lịch đa dạng, nguồn nhân lực chất lượng cao và chính quyền quản lý chặt chẽ, triệt để các vấn nạn chặt chém, lừa đảo du khách.
Nguyễn Thanh - Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()