Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 21:16 (GMT +7)
Củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với Singapore, Nhật Bản
Thứ 7, 30/11/2024 | 11:27:42 [GMT +7] A A
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tới Singapore, Nhật Bản.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Singapore Seah Kian Peng và Phu nhân, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Nhật Bản từ ngày 1-7/12/2024.
Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chuyến thăm.
- Bà có thể chia sẻ về tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân từ ngày 1-7/12/2024?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Singapore là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2024) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2013-2024), quan hệ Việt Nam-Singapore không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hai bên đã thống nhất chủ trương sớm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là cặp quan hệ điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác. Nhật Bản duy trì vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác viện trợ ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Quan hệ hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển về chất và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất với mức độ tin cậy chính trị cao. Việc trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao diễn ra thường xuyên và mật thiết trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Hợp tác kinh tế ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác nguồn nhân lực ngày càng mật thiết và hiệu quả. Hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (năm 2023).
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hiện thực hóa đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội ta với Quốc hội Singapore, Nghị viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, cụ thể hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với Singapore, Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
- Dự kiến các hoạt động chính của Chủ tịch Quốc hội tại chuyến thăm chính thức Singapore và Nhật Bản lần này như thế nào, thưa bà?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Trong khuôn khổ chuyến thăm tại Singapore, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với tất cả lãnh đạo cấp cao nhất của Singapore: Chủ tịch Quốc hội Seah Kian Peng, Thủ tướng Lawrence Wong, Tổng thống Tharman Shanmugaratnam; tiếp các tập đoàn hàng đầu của Singapore đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; gặp gỡ cộng đồng người Việt; thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.
Tại Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội sẽ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu, Chủ tịch Hạ viện Nugaka Fukuhiro; hội kiến Thủ tướng Ishiba Shigeru; chào Nhật hoàng và Hoàng hậu; thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương của Chủ tịch nước Việt Nam cho một số nguyên lãnh đạo Nhật Bản; tiếp lãnh đạo Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt, lãnh đạo các chính Đảng lớn của Nhật Bản, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC), một số cựu lãnh đạo, chính trị gia có uy tín, có đóng góp cho quan hệ hai nước, lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Thống đốc một số địa phương có quan hệ thân thiết với Việt Nam; gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Đặc biệt trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu sẽ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp lên tầm cao mới trong những năm tới.
Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội được lãnh đạo hai nước đặc biệt coi trọng và đánh giá cao, chỉ đạo các cơ quan hai bên phối hợp rất tích cực và chuẩn bị chu đáo về chương trình, nội dung. Do đó, tôi tin tưởng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thành công tốt đẹp, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước.
- Thông qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này, hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Singapore, Nhật Bản cũng như quan hệ hợp tác giữa các địa phương của ta với phía bạn sẽ được thúc đẩy ra sao, thưa Bà?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Hợp tác nghị viện là một kênh quan trọng trong tổng thể quan hệ đối tác, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Singapore và Nhật NBản. Thời gian qua, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Singapore, Thượng viện Nhật Bản phát triển rất tốt đẹp trong cả khuôn khổ song phương và đa phương.
Tôi tin rằng, với chương trình tiếp xúc và các mục tiêu đã đề ra, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp, thông qua việc đẩy mạnh trao đổi đoàn, triển khai hoạt động hợp tác giữa các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Việt Nam với nghị sỹ Singapore, Nhật Bản, nghị sỹ trẻ, nữ nghị sỹ; phát huy vai trò cầu nối quan trọng của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị và các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác giữa các địa phương; phát huy vai trò quan trọng của ba Cơ quan lập pháp trong thúc đẩy giám sát việc triển khai hiệu quả các Hiệp ước, Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết; phối hợp hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp ba nước mở rộng hợp tác, đầu tư tại mỗi nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức đa phương và diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới (IPU, AIPA, ARF, APPF, ASEP...).
Đặc biệt, với Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản được ký nhân chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
Hợp tác địa phương là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-Singapore, Việt Nam-Nhật bản. Với Singapore, hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành) tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam. Mạng lưới các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước.
Với Nhật Bản, các địa phương Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 110 văn bản hợp tác, thiết lập khoảng 100 cặp quan hệ, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh-Osaka, Nagano; Hà Nội-Fukuoka, Tokyo; Đà Nẵng-Sakai, Yokohama; Phú Thọ-Nara; Huế-Kyoto; Quảng Nam-Nagasaki; Hưng Yên-Kanagawa; Hải Phòng-Niigata. Giao lưu, trao đổi đoàn giữa các địa phương hai nước diễn ra sôi động, đi vào chiều sâu là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân hai nước.
Tham gia đoàn Chủ tich Quốc hội thăm chính thức hai nước lần này có sự tham gia của lãnh đạo một số địa phương đại diện cho các miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Với các cuộc làm việc, trao đổi thực chất, sự tham gia tích cực của lãnh đạo các địa phương của Việt Nam, Singapore và Nhật Bản, tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản mà còn tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Singapore và Nhật Bản, mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp của ba quốc gia.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()