Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:39 (GMT +7)
Cùng đoàn làm phim xuống lò chợ Hà Lầm
Chủ nhật, 15/10/2023 | 07:47:14 [GMT +7] A A
Một ngày ở dưới lò chợ của Công ty CP Than Hà Lầm giúp tôi nghiệm ra rằng, khai thác than trong lòng đất vốn đã vất vả mà quay phim ở dưới đường lò cũng thật gian nan. Lý do là bởi bất kể ngày hay đêm, các dây chuyền của mỏ khai thác hầm lò hầu như đều duy trì hoạt động sản xuất và không gian thì chật chội chứ không phải như phim trường trên mặt đất. Thêm nữa, gần như các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn làm phim chưa ai từng xuống lò, từng làm quen với cảnh quay thực tế ở khu vực người thợ lò đào than.
Háo hức chui lò
Chúng tôi đang nói tới việc quay bộ phim “Bình minh đang lên”, do Trung tâm Truyền thông tỉnh sản xuất, tại một số công ty khai thác than trên địa bàn. Bộ phim có nhiều cảnh quay về thợ mỏ và sản xuất than gắn với nhân vật nam chính Thanh Sơn, là một quản đốc phân xưởng cơ điện mỏ hầm lò trẻ tuổi, nhiệt huyết với ngành than, luôn quan tâm đến đồng nghiệp. Phim còn có nhân vật Hùng Cường là bạn của Thanh Sơn đang làm phó quản đốc phân xưởng vận tải tại mỏ lộ thiên cùng một số nhân vật phụ và diễn viên quần chúng là thợ mỏ...
Khai trường sản xuất của Công ty CP Than Hà Lầm là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn làm phim trong chuỗi ngày quay bối cảnh tiền kỳ tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Trước đó, bối cảnh quay tiền kỳ đã được chọn tại Công ty CP Than Vàng Danh, Công ty CP Than Đèo Nai chỉ là khai trường lộ thiên hoặc là văn phòng điều hành sản xuất. Ngay cả ở Vàng Danh là đơn vị khai thác than hầm lò, đoàn phim cũng chưa quay trong lòng đất. Vì vậy, tôi nhận ra nét mặt háo hức của mỗi thành viên đoàn làm phim khi chuẩn bị được chui lò.
Mới sáng sớm tinh mơ, anh Nguyễn Văn Thông, Phó Chánh Văn phòng Công ty, đã đón chúng tôi từ trụ sở làm việc Công ty rồi theo xe của đoàn làm phim lên khai trường. Từ văn phòng Công ty đi lên mỏ chừng 5km. Đến khai trường đã thấy anh Trần Văn Thế, cán bộ Phòng An toàn là người trực tiếp đưa đoàn chúng tôi xuống lò. Điểm đến là Công trường mặt bằng +75, nghĩa là nơi chúng tôi đứng là một quả đồi cao hơn mực nước biển 75 mét.
Trước khi vào lò, chúng tôi được anh Thế truyền đạt những kiến thức về an toàn khi xuống lò tác nghiệp. Sau khi mặc quần áo bảo hộ, đi ủng rồi, nhiều người trong đoàn làm phim chúng tôi còn rất lóng ngóng không biết đeo đèn, bình tự cứu ô xy chống ngạt bên hông, đội mũ lò ra làm sao, rồi tắt mở cái đèn lò trên đầu mình thế nào nữa...
Trước đó, tôi đã nhiều lần đi lò và cũng vài lần xuống lò chợ Hà Lầm. Ấy vậy mà tôi vẫn chưa thể hình dung hết được sự phức tạp khi quay phim truyện truyền hình ở dưới lò. Cả đoàn phim 45 người nhưng chỉ 15 người được phép xuống lò là những người đảm bảo sức khoẻ và không thể thiếu được khi quay phim. Chúng tôi cuốc bộ đi vào lò chợ, nghĩa là lò đang khai thác. Tại lò chợ ở mức +35, chúng tôi thực hiện phân cảnh quản đốc Thanh Sơn xử lý sự cố băng tải than ngừng hoạt động. Ở đây, lãnh đạo Công ty đã bố trí sẵn một hệ thống băng tải tạm thời ngừng chở than. Đội thợ lò vẫn hoạt động bình thường.
Lò chợ khá chật chội. Hai bên vách lò tôi nghe tiếng rì rì của hệ thống hơi bơm từ trên xuống lò để sử dụng cho hệ thống khoan. Có người hình dung đó là tiếng ve kêu. Tưởng tượng như thế chứ mùa thu rồi lấy đâu ra ve. Lại là ve kêu dưới lòng đất. Nhưng sự tưởng tượng phong phú đôi khi cũng làm cho công việc của những người thợ lò quanh năm làm việc dưới lòng đất bớt đi phần tẻ nhạt. Và việc đưa nhịp điệu lao động sản xuất của người thợ lò vào phim cũng là cách thi vị hóa cuộc sống vất vả, nặng nhọc của những người đang khơi dòng than cho Tổ quốc.
Cuốc bộ đi trong bóng tối của đường lò như đi trong đêm đen, tôi mới nghiệm ra rằng hóa ra công việc của người thợ lò không hề nhàm chán. Họ như thể đang thực hiện một cuộc viễn du trong lòng đất, âm thầm mà vinh quang. Có những cuộc viễn du bằng đôi hài cổ tích vạn dặm, có cuộc viễn du được tính bằng năm ánh sáng nhưng người thợ chỉ có cuộc viễn du bằng thước tấc của riêng mình. Mỗi một mét lò được đào, mỗi một tấn than được bóc tách ra từ gương là biết bao mồ hôi đổ xuống.
Giới kỹ thuật nghĩ ra cụm từ "hộ chiếu cho lò" để định hướng đi của máy đào lò, máy khấu than. Có hộ chiếu nghĩa là người thợ lò đang đi du lịch trong lòng đất. Chỉ khác, họ đi rất chậm từng tấc thước mà thôi. Và vì thế mà mỗi thước phim theo hành trình của người thợ lò cũng vất vả, gian nan không kém nếu muốn ghi lại chân thực từng giọt mồ hôi trên vai áo thợ, muốn lột tả nụ cười lạc quan giữa bóng tối, giữa bụi bặm than đen.
Sau cảnh quay ở lò chợ, chúng tôi trở lại mặt đất để tiếp tục xuống sâu hơn đến mức -300 thực hiện phân cảnh tiếp theo. Nếu tính cả độ cao của quả đồi thì chúng tôi sẽ đi sâu xuống 275 mét. Nghệ sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc hình ảnh, bảo rằng, anh từng quay ở những đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á nhưng đây là lần đầu tiên anh vào lò. Càng mệt nhọc, anh càng nể phục những người thợ. Quay xong cảnh ở băng tải mức +35, anh lắc đầu bảo anh không thể xuống mức -300 được nữa vì sức khỏe không ổn. Người quay phim luống tuổi cả đời vác máy quay nhìn tôi rồi ôm một bên vai đau, nhăn nhó. Ánh mắt anh đầy ái ngại. Nhiều người hăm hở vì lần đầu tiên xuống lò, nhưng có người giữa đường đã phải dừng bước. Không chỉ anh Hùng mà Phó đạo diễn Võ Chí Cường bị tụt huyết áp cũng vừa phải nhờ hai anh em nghệ sĩ trong đoàn dìu lên mặt đất...
Có một phim trường thực tế dưới lò
Tạm biệt anh Hùng và những người ở lại trên mặt đất, chúng tôi xuống lò mức -300 bằng cái mà thợ lò quen gọi là "thùng cũi". Thực ra, đây là hệ thống giếng đứng được thiết kế như thang máy 2 tầng để vận chuyển người, thiết bị lên xuống, chuyển đất đá và than lên mặt đất.
Khoảng chưa đầy chục phút thì thùng cũi đến một khoảng rất rộng, hai bên sáng trưng như thành phố dưới lòng đất, vốn gọi là sân ga. Trước và sau nhà ga đều có hệ thống đường ray để cho xe goòng di chuyển ra vào thùng cũi. Trên cao có một công nhân vận hành đang túc trực để điều khiển hệ thống xe goòng và thùng cũi hai tầng.
Đạo diễn Bùi Hoài Thanh tập tễnh cái chân đau từ trước bước ra khỏi thùng cũi. Chân anh chưa kịp đặt xuống đất đã hô hào anh em tác nghiệp nhanh chóng, đừng gây ảnh hưởng cho thợ lò sản xuất. Anh rút chiếc máy quay 360 độ rất nhỏ ra rồi kéo ngay người quay phim cũng như nhân viên ánh sáng vào cuộc.
Chúng tôi bắt tay vào phân cảnh nhân vật Thanh Sơn và đồng nghiệp đi bộ dưới đường lò và sửa chữa trạm điện. Đi được một quãng, anh Thanh có vẻ yên tâm hơn. Vị đạo diễn thành thực chia sẻ: “Thực sự tôi rất hồi hộp, lo lắng trước khi xuống lò, không biết là thể lực của mình xuống dưới có làm sao không. Thứ hai là tác nghiệp dưới hầm lò trong không gian chật hẹp rất tối nên chúng tôi đã phải bố trí máy quay rất đặc biệt, máy quay 360 cài vào những vỉ, vào cả tủ điện, đưa vào cả băng tải".
Anh Thanh chỉ đạo quay phim dùng cả những thiết bị quay phim linh động như máy ảnh, rồi gimbal, bởi nếu dùng máy quay bình thường như trên mặt đất thì sẽ không đáp ứng nổi. Anh em nghệ sĩ diễn viên đã nỗ lực rất nhiều để không phải quay lại nhiều đúp.
Diễn viên Quốc Toàn, người thủ vai Thanh Sơn trong phim, cũng không giấu được vẻ lo lắng ban đầu: “Mình hơi hồi hộp vì nghĩ dưới đó chắc không khí sẽ ít nhưng càng xuống càng mát càng hứng thú. Đường hầm lò sâu và dài rất đẹp, cảm giác rất thích, đúng chất điện ảnh. Điều kiện dưới lò khó khăn quay nên chỉ một, hai đúp xong ngay chứ không thể set up lại được. Chúng tôi xuống là phải quay theo chất liệu hình ảnh có sẵn dưới lò”. Nghe Toàn nói, tôi hiểu, đường lò giàu chất điện ảnh vốn là một phim trường thực tế sinh động rồi. Họa sĩ thiết kế bối cảnh có muốn dựng phim trường cũng chẳng dựng được.
Trải nghiệm quý giá
Anh Thanh bảo với tôi rằng, cuộc đời anh đã làm nhiều phim cả trên núi lẫn dưới biển rồi nhưng quay dưới đường lò ở độ sâu -300 thì lần này là đầu tiên. Nó quá đặc biệt. Phải bố trí nhân sự một cách cơ bản nhất song vẫn đảm bảo các cảnh quay được thực hiện với những hình ảnh đẹp nhất. Với anh Thanh, những ngày quay phim dưới mỏ là những ngày đáng nhớ trong cuộc đời làm phim dày dặn của mình.
Xong việc, từ độ sâu -300 chúng tôi trở lên mặt đất. Thùng cũi càng chạy, chúng tôi ngước lên dường như bóng tối càng lùi xa và ánh sáng tự nhiên hiện ra ngày một rõ nét hơn. Chuyển động của thùng cũi làm tôi cảm nhận mình đang đón bình minh lên, chỉ có điều vòng quay của chiếc đồng hồ đang được tua nhanh nhất có thể.
Lên trên mặt đất, không khí thoáng hơn, gió mát hơn, chúng tôi thấy dễ chịu hơn hẳn. Ở đất mỏ này, nếu không phải là thợ mỏ thì không phải ai cũng có được cơ hội một lần chui lò. Được đóng phim trên khai trường hay dưới hầm lò sâu là một trải nghiệm hết sức quý giá trong đời mỗi diễn viên. Diễn viên Lê Ngọc Tân, người thủ vai Quốc Đạt trong phim, chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời cho đời diễn viên, để có thể ghi được những thước hình chân thật nhất phục vụ khán giả xem truyền hình”. Nghe anh Tân nói, không ít người trong đoàn lại tiếc hùi hụi vì đã không thể xuống lò một lần trong đời...
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()