Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:05 (GMT +7)
Đa dạng các giải pháp trong thu hút đầu tư
Thứ 3, 19/09/2023 | 06:30:53 [GMT +7] A A
Thu hút đầu tư vào địa bàn luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quảng Ninh nỗ lực thực hiện. Đặc biệt trong năm 2023, với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”, nhiệm vụ này các cấp, các ngành trên địa bàn càng tăng cường thực hiện.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là Quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về GPMB, đất đai, đầu tư, xây dựng… Qua đó thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư các dự án, nhất là tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, tỉnh tập trung chỉ đạo thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT trọng điểm, như: KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái… Trong đó, ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách.
Tỉnh, các sở, ngành, địa phương thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT sớm đi vào hoạt động.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số PCI, PAR INDEX cấp tỉnh. Hiện tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.785 TTHC. Tổng sổ TTHC được giải quyết tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh là 1.304, trong đó có 1.095 TTHC thực hiện quy trình giải quyết theo nguyên tắc “5 tại chỗ”.
Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó có 1.017 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 445 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%. Tích hợp 1.244/1.462 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Năm 2022, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); trong đó 6 năm liên tiếp (từ 2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân chỉ số PCI và 10 năm liền (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Không chỉ có vậy, Quảng Ninh còn triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, tăng cường công tác đào tạo nghề… Qua đó, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh, tạo nguồn lực chất lượng cao cung cấp cho các KCN, KKT, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Quảng Ninh là 853,93 triệu USD, đạt 85,4% chỉ tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh. Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 19 dự án. Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT.
Bên cạnh thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Không chỉ thu hút đầu tư từ FDI, Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là về quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất... để ngành Than phát triển ổn định và bền vững. Các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên nắm tình hình, tạo điều kiện tối đa để ngành điện, xi măng, ngành điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên tham gia Chương trình Cafe Doanh nhân cuối tuần để kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 16.718 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng. Tổng vốn thu hút trong nước ngoài ngân sách 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh hơn 45.372,6 tỷ đồng, đạt 105,5% kế hoạch của UBND tỉnh.
Những nỗ lực của tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đã tạo môi trường an toàn, thuận lợi để Quảng Ninh tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư vào địa bàn; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cầm Khuê
- Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng
- Chủ động tìm kiếm, gặp gỡ và tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng
- Thu hút nguồn lực đầu tư cho du lịch
- Hoàn thiện hạ tầng KCN để thu hút đầu tư
- Tiên Yên: Nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư
Liên kết website
Ý kiến ()