Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 07:46 (GMT +7)
Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài
Thứ 7, 30/11/2024 | 05:20:01 [GMT +7] A A
Nối tiếp đà thành công trong công tác cải thiện môi trường, xúc tiến đầu tư đã đạt được trong năm 2023 và giai đoạn trước, từ đầu năm tới nay, tỉnh và các sở, ngành chức năng đã tiếp tục chú trọng làm tốt các nhiệm vụ trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn thu về được nhiều kết quả tích cực trong phát triển KT-XH, đặc biệt là trong thu hút đầu tư. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 19.254 tỷ đồng; thu hút FDI đạt hơn 2 tỷ USD (đạt trên 68% kế hoạch đề ra, cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, tỉnh đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án với tổng vốn hơn 1,6 tỷ USD và điều chỉnh tăng vốn 20 lượt dự án với tổng vốn tăng gần 218 triệu USD. Các dự án thu hút được trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2024 cũng ngày càng đạt chất lượng cao, trong đó có 3 dự án quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD, gồm: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong - Hải Hà của Gokin Solar Company Limited (HongKong), vốn đầu tư gần 275 triệu USD; dự án hệ thống thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong của Foxconn Singapore Pte Ltd, vốn đầu tư hơn 287 triệu USD và dự án sản phẩm giải trí thông minh tại KCN Sông Khoai của Foxconn Singapore Pte Ltd, vốn đầu tư gần 264 triệu USD.
Tính riêng tại địa bàn KCN, KKT, vốn FDI thu hút trong kỳ đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm 87,2% tổng vốn FDI trong toàn tỉnh. Trong đó có 22 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư gần 1,38 tỷ USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng gần 204 triệu USD. Xét về cơ cấu ngành, các dự án thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 23 dự án cấp mới (chiếm 85,2%) và 15 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn (chiếm 79%). Ở vị trí tiếp theo là các ngành: Kinh doanh bất động sản; sản xuất và phân phối hơi nước; bán buôn, bán lẻ; xây dựng; hoạt động tư vấn quản lý…
Điều này hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.
Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã cho thấy những kết quả khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đã giải ngân hơn 844 triệu USD, bằng 102,5% cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 4,7 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 4,2 tỷ USD. Khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 102 triệu USD, tương đương trên 1.417 tỷ đồng và hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 48.300 lao động. So với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện tăng 2,5%; tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 48,2%; kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu tăng lần lượt 8,9% và 7,5%; thu ngân sách nhà nước tăng 30,5%; tổng số lao động làm việc trong khu vực FDI tăng 13,7%...
Để đạt được những kết quả khả quan trên, ngay từ đầu năm 2024, Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý đến việc xây dựng vững chắc và làm nổi bật thêm những giá trị thực sự, tiềm năng nổi bật và lợi thế khác biệt của tỉnh.
Từ cấp tỉnh đến cấp địa phương và các sở, ngành, đơn vị đều tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh…
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị chức năng bám sát và triển khai tích cực, tập trung vào các hoạt động tìm kiếm, tiếp đoàn nhà đầu tư, các hoạt động kết nối, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện lớn của tỉnh. Qua đó, nhận về được nhiều sự quan tâm, phản hồi tích cực từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh việc chủ động tổ chức các sự kiện lớn nhằm xúc tiến đầu tư vào tỉnh, như: Chương trình Gặp gỡ xuân Giáp Thìn 2024: “Quảng Ninh Hội tụ và Lan tỏa”; Hội nghị xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch Quảng Ninh nhân dịp đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024 đến Quảng Ninh và Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển…; tỉnh cũng tiếp tục duy trì tốt và thúc đẩy nhiều hơn sự hợp tác với các nhà đầu tư lớn thông qua các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế, bộ, ngành và cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực tiếp đón và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn để thu hút, xúc tiến đầu tư vào Quảng Ninh ở nhiều ngành, lĩnh vực trọng điểm như cảng biển, logistics, dịch vụ du lịch, tài chính, năng lượng, kinh tế số, y tế, giáo dục…
Những con số về số dự án, số vốn đăng ký, số vốn điều chỉnh tăng thêm và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nói trên của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thời gian qua là minh chứng cho việc Quảng Ninh đang từng bước trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư nước ngoài.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()