Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:08 (GMT +7)
Đa dạng sinh kế giảm nghèo bền vững
Thứ 3, 24/12/2024 | 13:52:23 [GMT +7] A A
Quảng Ninh luôn ưu tiên nguồn lực, đồng thời tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Ba Chẽ là huyện miền núi với 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các hộ dân nơi đây sống bằng nghề trồng rừng và sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp các bản, tổ dân cư. Qua đó tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Gia đình anh Triệu A Năm (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc) có 6ha đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn để mua cây giống, phân bón, thuê nhân công nên nhiều năm trước, nguồn lực đất rừng không được khai thác hiệu quả, thu nhập thấp dẫn đến đói nghèo. Từ năm 2019 đến nay, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 220 triệu đồng từ các chương trình tín dụng chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng để phát triển kinh tế. Nhờ siêng năng, chịu khó và luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của xã, cán bộ nông nghiệp để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, không chỉ thoát nghèo, đến nay gia đình còn xây được nhà cửa kiên cố, mua được ô tô tải để vận chuyển lâm sản, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách. Trong giai đoạn 2019 -2024, đơn vị đã giải ngân được 14,67 tỷ đồng với 171 lượt hộ dân vay vốn. Phát huy nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ dân đã đầu tư phát triển sản xuất như: Trồng rừng, cây dược liệu, chăn nuôi gà, bò, dê… để nâng cao thu nhập, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Với quyết tâm giảm nghèo bền vững, những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở quan trọng để triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, từng bước làm giàu. Điển hình là: Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025…
Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, trong đó có 14 chương trình liên quan trực tiếp đến công tác giảm nghèo. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã cho 275 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền hơn 21 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.540 hộ vay với dư nợ hơn 308 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh (chính sách đặc thù của tỉnh, có hiệu lực từ ngày 25/9/2024), trong đó có hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình, đến hết tháng 11 đã giải ngân được 142 tỷ đồng/287,96 tỷ đồng cho 1.578 lượt hộ vay. Hiện nay, Ngân hàng CSXH đang hoàn tất hồ sơ vay vốn để giải ngân, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch trong năm 2024.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()