Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:43 (GMT +7)
Quảng Ninh - Điểm sáng về giảm nghèo bền vững
Thứ 7, 31/08/2024 | 07:22:39 [GMT +7] A A
Một trong những điểm nhấn bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh những năm qua là thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Dù mới qua nửa chặng đường nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo của cả giai đoạn 2021-2025, trước 3 năm so với yêu cầu của trung ương.
Tạo sinh kế thoát nghèo
Quảng Ninh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với điểm xuất phát thấp, khi có hơn 10% đồng bào DTTS sinh sống trên 85% diện tích tự nhiên - nơi được xác định khó khăn nhất của tỉnh. Tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân là một trong những quyết sách quan trọng mà tỉnh đưa ra khi thực hiện các chương trình MTQG.
Huyện Bình Liêu đồng bào DTTS chiếm 96% dân số, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh huy động nguồn lực hỗ trợ, huyện cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững: Cho vay vốn, tập huấn, tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa lao động đi làm việc, hỗ trợ xóa nhà ở… Nhờ vậy tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Anh Dương Chống Thìn (bản Phai Lầu, xã Đồng Văn) mới thoát hộ nghèo, phấn khởi chia sẻ: "Nhiều năm trước, gia đình tôi thuộc diện khó khăn trong bản. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương về vốn, tập huấn về kỹ thuật, gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng 10ha cây quế, hồi kết hợp chăn nuôi gà, dê. Đến nay diện tích rừng quế, hồi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình xây được nhà mới, mua xe máy, vươn lên trở thành hộ khá giả trong bản".
Nhiều gia đình DTTS ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, nhờ được vay vốn tín dụng, đời sống được nâng lên rõ rệt. Anh Lỷ Văn Chiến (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay tín dụng, gia đình tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tôi hy vọng thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.
Mục tiêu cốt lõi và cao nhất xóa nghèo của tỉnh là nâng cao thu nhập cho người dân. Với nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp, gắn trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương... đã tạo ra nhiều sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện mức thu nhập của đồng bào DTTS.
Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của trung ương, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 0,41%, tương đương 1.526 hộ nghèo; năm 2022 giảm còn 0,067%, tương đương 258 hộ nghèo; năm 2023 toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hoàn thành Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ quy định, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo, chuyển sang thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 của tỉnh (theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), cao hơn mức bình quân cả nước.
Theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, năm 2023 toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064%; 3.063 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, năm 2024 tỉnh không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp các hộ vươn lên làm giàu, thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2023 tỉnh hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho 441 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (260 nhà xây mới, 181 nhà sửa chữa), tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 32,96 tỷ đồng. Thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng các sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp rà soát kỹ tiêu chí về nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, không phân biệt đối tượng, vùng miền; chủ hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, người khuyết tật, neo đơn không có sức lao động.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn thực hiện các mục tiêu của chuẩn nghèo đa chiều mới theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo của trung ương. Để tạo động lực cho các hộ cận nghèo vươn lên, tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai hiệu quả chương trình cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Từ năm 2021 đến tháng 5/2024 từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 4.381 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay 301,2 tỷ đồng.
Với những cách làm sáng tạo, quyết liệt, phù hợp, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng cả nước về công tác giảm nghèo bền vững, mang lại cho vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS những giá trị mới, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()