Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:04 (GMT +7)
Đặc khu Vân Đồn: Nỗ lực xây dựng hoàn thiện "tổ phượng hoàng"
Thứ 5, 16/11/2017 | 06:06:37 [GMT +7] A A
Chỉ còn chờ Quốc hội "bấm nút" thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Chính phủ trình và Đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh xây dựng, Vân Đồn sẽ bước vào chặng đường phát triển mới. Đó là đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại, casino...
Để đón đầu vận hội mới, Vân Đồn đang khẩn trương xúc tiến các công tác chuẩn bị. Liên quan đến các nội dung này, PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn.
Đồng chí Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn. |
- Thưa đồng chí, đây có lẽ là khoảng thời gian rất đặc biệt với tỉnh nói chung cũng như huyện Vân Đồn nói riêng?
+ Đúng vậy, không chỉ riêng tôi, mà người dân huyện Vân Đồn nói riêng và người dân Quảng Ninh nói chung đều mong mỏi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng như Đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn sớm được thông qua.
Bởi lẽ, ý tưởng xây dựng đặc khu kinh tế đã hình thành từ rất sớm. Có thể tính từ năm 1994 cho đến nay, trong các cương lĩnh, báo cáo chính trị, nghị quyết qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc... đều có đề cập một cách hệ thống, liên tục, cụ thể việc xây dựng, phát triển đặc khu kinh tế.
Riêng với Vân Đồn, năm 2005 tại Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị xác định “Hình thành các trung tâm kinh tế lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh”, trong đó Vân Đồn được xác định trở thành Khu kinh tế tổng hợp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển này, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã triển khai và áp dụng thành công các mô hình đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do... các mô hình này đã góp phần thu hút hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Còn tại Việt Nam, giai đoạn này chỉ dừng ở bước đầu của quá trình xây dựng và phát triển khu kinh tế.
Phải đến năm 2012, khi Bộ Chính trị cho phép thí điểm Đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh đã nắm bắt cơ hội, chủ động xây dựng Đề án thành lập. Đây có thể nói là đề án kỳ công nhất của tỉnh Quảng Ninh với trên 60 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học...
Tỉnh đã bắt tay vào triển khai nhiều công trình động lực, chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo hiện đại, đồng bộ, khả thi và đặc biệt phải cạnh tranh được toàn cầu ở mức cao nhất.
Phối cảnh Nhà ga Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. |
Trên cơ sở sự ủng hộ cao từ Trung ương và các bộ, ngành, ngày 10/3/2017 Chính phủ đã có Tờ trình số 78/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Trong đó, có nội dung cho phép bổ sung dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 để tạo cơ sở triển khai các hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, đưa ra lộ trình đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Như vậy, nếu Quốc hội thông qua theo đúng lộ trình, mọi nỗ lực, mong đợi của nhân dân và các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ của tỉnh Quảng Ninh đã được đáp ứng. Vân Đồn sẽ chính thức bước vào giai đoạn chuyển mình trở thành Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
- Đứng ở cương vị là người đứng đầu huyện Vân Đồn - địa phương có sự tham gia tích cực nhất vào Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, theo đồng chí, nội dung nào trong Đề án mang tính chất đặc thù nhất?
+ Tất cả các nội dung của Đề án đều có thể coi là đặc biệt, quan trọng, bởi nếu thiếu một trong những nội dung, sẽ khó khăn cho tổ chức, thực hiện sau này.
Tuy nhiên, theo cá nhân của tôi, tổ chức bộ máy chính quyền Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là điểm đặc biệt và quan trọng nhất. Bởi từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói bộ máy tổ chức chính quyền còn cồng kềnh, nhiều tầng lớp, gây cản trở cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đề án này, đã đưa ra 2 phương án tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tập trung khắc phục các điểm yếu, tạo đột phá về thể chế, tổ chức bộ máy.
Trong đó, Quảng Ninh ưu tiên chọn theo phương án trưởng Đặc khu hành chính – kinh tế (không tổ chức HĐND và UBND). Theo đó, trưởng đặc khu chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các cơ quan Trung ương. Dưới trưởng đặc khu sẽ là các trưởng khu hành chính.
Cùng với đó, thống nhất chức danh bí thư Đảng bộ là trưởng Đặc khu. Trưởng Đặc khu được phân cấp, giao thẩm quyền đột phá, vượt trội, có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc tinh gọn, gắn với việc thành lập mới một số đơn vị đặc thù nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tất cả các hoạt động liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như việc giải quyết các thủ tục hành chính về khai sinh, kết hôn, khai tử, chứng thực... đều được phân cấp, ủy quyền cho Khu hành chính thực hiện.
Phần quan trọng tiếp theo đó là 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: Thuế, đất đai và bất động sản, tài chính - ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư - kinh doanh, quản lý và phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập cảnh và quản lý cư trú, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhà đầu tư chiến lược, hoạt động công nghệ cao, phát triển du lịch và chính sách khác.
Các chính sách được xây dựng dựa theo phân lớp ngành nghề của kết quả phân tích chuỗi giá trị, từ đó xác định được các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có ảnh hưởng lan tỏa đến sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề khác. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư và tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các chính sách này được thống nhất xây dựng, đề cập chi tiết trong Đề án và phần lớn đã được đưa vào Dự thảo Luật, dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế với nguyên tắc tuân thủ pháp luật.
- Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định, khi Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn được thông qua, Vân Đồn sẽ là chiếc "tổ" để đón "phượng hoàng" - là những nhà đầu tư tầm cỡ thế giới, tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong phát triển KT-XH. Vậy địa phương đã chuẩn bị như thế nào để đón vận hội này, thưa đồng chí?
+ Đứng trước cơ hội phát triển mới, hơn ai hết, Vân Đồn đã xác định rõ trách nhiệm của mình. Về đối ngoại, huyện đã tích cực trong việc phối hợp với Tổ công tác hoàn thiện Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để trình Bộ Chính trị; phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế và các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại...
Về đối nội, huyện tổ chức, sắp xếp lại bộ máy từ huyện đến cơ sở theo mô hình tổ chức của Đề án tinh gọn, hiệu quả thông qua việc thành lập các cơ quan giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể; nhất thể hóa chức danh một số phòng, ban; giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính đối với 3 đơn vị sự nghiệp kinh tế.
Phối cảnh Trung tâm Tổ chức hội nghị thuộc dự án “Con đường di sản” được đầu tư tại Khu du lịch Bãi Dài, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. |
Bên cạnh đó, huyện chấn chỉnh lại hoạt động của Trung tâm Hành chính công, bộ phận một cửa tại cơ sở, xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được huyện tăng cường thu hút nhân tài, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có thông qua các hình thức đào tạo tập trung, mở rộng. Các chính sách ưu đãi và ngành nghề đào tạo đối với lao động địa phương được định hướng lại, phù hợp hơn với cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển dịch vụ - du lịch...
Để hỗ trợ các dự án đầu tư vào địa bàn đảm bảo tiến độ, Vân Đồn đã đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; tăng cường quản lý các quy hoạch, đất đai, tài nguyên, an ninh trật tự, ổn định tình hình, không phát sinh các điểm nóng, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay tại cơ sở; đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân.
– Xin cảm ơn đồng chí!
Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được huyện Vân Đồn tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, khu phố với kết quả: - Tổng số cử tri trên địa bàn huyện Vân Đồn: 30.959 cử tri. |
Đỗ Phương (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()