Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:31 (GMT +7)
Đại biểu đề nghị các Bộ trưởng 'không dừng lại ở lời hứa'
Thứ 2, 17/11/2014 | 14:28:04 [GMT +7] A A
Đại biểu Quốc hội cho biết, sau những lần chất vấn trước, các Bộ trưởng cam kết sẽ thực hiện nhưng thực tế, rất nhiều việc vẫn còn trên giấy.
Thảo luận ở hội trường về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho biết, tại kỳ họp trước, ông đã chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp về giải pháp cho cây điều Việt Nam. Cụ thể, người trồng điều Bình Phước đang thua ngay trên sân nhà khi nhiều nhà máy nhập điều từ châu Phi về với giá rẻ hơn, chất lượng thấp hơn, nhưng khi chế biến xong lại mang thương hiệu Việt Nam.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng. |
Ông Hùng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người dân để hạt điều Việt Nam không bị ảnh hưởng uy tín và có thể cạnh tranh với nước ngoài.
"Tôi rất mừng vì thời điểm đó Bộ trưởng Nông nghiệp cam kết hỗ trợ người dân, tôi đã về động viên cử tri yên tâm, nhưng qua thời gian dài mới chỉ có một buổi hội thảo mà chưa có giải pháp tích cực, cụ thể nào. Tôi đề nghị các Bộ trưởng không được dừng lại ở các lời hứa và không nên để người dân trông chờ lâu hơn nữa", ông Hùng nhấn mạnh.
Kiến nghị của vị đại biểu này về phát triển lưới điện cho 4 huyện khó khăn của Bình Phước theo cơ chế như ở Tây Nguyên cũng đã được Chính phủ đồng ý từ kỳ họp trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nhiều nơi người dân vẫn chưa có điện.
"Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng còn nhiều nơi của Bình Phước kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỉnh có xuất phát điểm thấp, các chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm thì không thể vươn tới, nhưng lại cũng không được ưu ái như Tây Nguyên. Người ta nói nằm giữa không lo mất phần trăm nhưng có vẻ điều này không đúng Bình Phước", đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng đồng tình quan điểm, ông cho rằng, có thực trạng đáng buồn là thời gian qua Chính phủ rất chậm trễ trong thực hiện nghị quyết Quốc hội về thực hiện tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ông đã nêu những khó khăn của đồng bào những vùng tái định cư, từ kỳ họp thứ 4 đến thứ 7 và Quốc hội đều có kết luận, nghị quyết về hỗ trợ đồng bào tái định cư. Nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ thực hiện năm 2013 nhưng không hoàn thành, phải kéo sang năm 2014. Thủ tướng cũng đã báo cáo đã giao cho các Bộ chủ quản thực hiện.
"Mặc dù đã qua 4 kỳ họp, Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng cho đến nay chính sách vẫn chưa được ban hành. Đó là do sự phối hợp chưa ăn í của các bộ ngành. Theo báo cáo của Chính phủ, đồng bào dân tộc có khoảng 47% là hộ nghèo, ở nơi tái định cư tỷ lệ còn cao, như Phú Yên là 80%".
"Đề nghị Chính phủ có sự khẳng định trong năm 2014 các chính sách dành cho người tái định cư có được ban hành hay không? Chúng tôi cần có câu trả lời cụ thể để báo cáo cử tri", ông Học nhấn mạnh.
Cũng chưa hài lòng với hành động của Chính phủ thời gian vừa quan, đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị Chính phủ thống kê những công việc đã làm nhưng cần đi sâu đánh giá hiệu quả, trong đó có các nghị quyết, dự án trong thực tiễn. Ông Châu đề nghị cần đánh giá sâu hơn tại sao có rất nhiều việc xảy ra rồi Chính phủ mới chỉ đạo rà soát.
"Như vậy rõ ràng quản lý nhà nước đã đi sau. Trong khi điều cử tri mong muốn là công tác quản lý nhà nước phải kiểm tra, đánh giá, dự báo được tình hình, phải đi trước một bước", ông Châu nói.
Ông cũng cho rằng, cần đánh giá đúng vai trò của các tổ chức cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm. Đồng thời, các bộ, ngành trung ương cần thận trọng khi đưa ra các quyết định của mình. Vì mới đây, Bộ Nội vụ đã hoãn cuộc thi chuyên viên chính khi khoảng 700 người đã tập trung 2 ngày gây tốn kém.
"Dường như công tác tham mưu của Chính phủ còn quan liêu không thực tế. Như xử lý cai nghiện, khi Thủ tướng triệu tập cuộc họp mới đưa ra Quốc hội để thông qua nghị quyết", đại biểu Trần Du Lịch bức xúc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết ở kỳ họp trước ông đã có chất vấn về tình trạng hàng giả ảnh hưởng đến những người sản xuất chân chính và an ninh quốc gia. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy 10 tháng đầu năm kiểm tra 130.000 vụ thì xử lý 80.000 vụ, như vậy tình trạng vẫn còn xảy ra.
"Người nông dân đã nghèo còn mua phải thuốc trừ sâu, phân bón giả. Ăn uống thì toàn thức ăn bị nhiễm độc, đi chữa bệnh thì gặp thuốc giả. Mọi thứ đều không an toàn. Đây là món nợ với dân, mà nợ này còn nặng hơn nợ xấu, nợ công. Vì vậy tôi mong Chính phủ có hành động cụ thể, quyết liệt để giải quyết vấn đề này", đại biểu Ngân kiến nghị.
Theo Vnexpress
Liên kết website
Ý kiến ()