Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:54 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội hiến kế quản chặt thu chi, phân bổ hợp lý ngân sách
Thứ 7, 01/11/2014 | 06:57:04 [GMT +7] A A
Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân bốn năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch là 6,5-7%.
Hiến kế về các giải pháp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần giám sát nợ công, quản chặt thu-chi và phân bổ hợp lý ngân sách.
Giải pháp chưa phù hợp và đánh giá đúng tác động
Đây là một vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ còn xem nặng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và chưa có giải pháp phù hợp đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhất là chưa đánh giá hết các tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu. Tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước. Do đó, nhiều đại biểu lo ngại về việc doanh nghiệp “giả chết” hay chuyển vốn trốn thuế. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Đại biểu Trần Văn Minh nhận xét nợ đọng thuế tăng cao do kinh tế còn khó khăn do vay ngân hàng với lãi suất cao nhưng hàng hóa lại tồn kho không tiêu thụ được nên không trả nợ được và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp chậm nộp thuế và bị tính lãi cao mà họ có khả năng trả trong khi vẫn bị lãi chồng lãi.
Hiện xuất siêu vẫn do đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI. Dù năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, là bước ngoặt lớn trong hoạt động thương mại và cán cân thương mại Việt Nam nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá thêm các cơ sở, tính bền vững của một nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu và liên tục nhập siêu cao nhiều năm trước.
Các đại biểu cũng muốn có được đánh giá rõ hơn về xuất siêu. Con số này thực chất là do hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu nền kinh tế) hay chỉ là kết quả nhất thời do đóng góp mạnh mẽ mang tính đột biến của một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn vừa đưa vào hoạt động trong vài năm gần đây hay do khó khăn của doanh nghiệp trong nước làm cho nhập khẩu suy giảm.
Giám sát thu-chi
Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011-2014 khoảng 5% GDP, chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ được cho là quá cao so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra đến cuối năm 2015 đạt dưới 4,5% GDP, trong đó đã bao gồm cả trái phiếu Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cân đối ngân sách trong năm 2015 là một vấn đề khó khăn. Lý lẽ của Chính phủ chưa đủ thuyết phục. Thực tế, cân đối ngân sách khó khăn có một phần do điều hành thu, điều hành chi chưa tốt chứ không thể đổ lỗi cho năng suất lao động thấp.
Hiện chế độ đãi ngộ dành cho người lao động vẫn đang cào bằng, không có sự đánh giá dựa trên hiệu quả của năng suất lao động thực tế. Do đó, việc tăng lương theo đúng lộ trình vẫn phải thực hiện và đó là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ.
Mục tiêu giảm bội chi xuống dưới 5,3% tiến đến giảm xuống dưới 5% vào năm 2015 chính là để tạo niềm tin cho người dân vào việc sử dụng ngân sách hợp lý, đại biểu Thân Văn Thoa nhận xét.
Chi sát dự toán cũng là mong muốn được nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ. Để làm được việc này theo đại biểu Trần Du Lịch, cần đổi mới quy trình lập Ngân sách nhà nước, để Quốc hội thực sự là cơ quan có quyền lực.
Hiện xu hướng chi thường xuyên hiện tăng so với tổng chi, nhất là chi thường xuyên cho sự nghiệp. Cùng đó, khoản vay nợ thường xuyên cũng tăng. Nếu cắt 10% chi thường xuyên thì cũng chẳng sao, đại biểu Trần Du Lịch khẳng định.
Trách nhiệm của các địa phương cũng được nêu ra trong công tác thu Ngân sách nhà nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân ví von trong đại gia đình 90 triệu dân ở 63 tỉnh thành, địa phương nào cũng báo cáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng khi yêu cầu đóng góp chung vào Ngân sách nhà nước thì lại kêu ngân sách địa phương hạn hẹp. Bởi vậy cần phải luật hóa và thể chế hóa các nguồn thu Ngân sách nhà nước, đại biểu này đề xuất.
Mặc dù ghi nhận các quyết định thực thi chính sách tài khóa trong những năm qua đã đem lại kết quả tích cực nhưng đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng vẫn còn bộc lộ mặt bất cập như cơ cấu chi ngân sách bất hợp lý, cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách liên tục tăng dẫn đến dư nợ công tăng cao (dự kiến là 64% GDP vào cuối năm 2015).
Tình trạng này sẽ dẫn đến khó cân đối trả nợ. Thực tế là năm 2014 phải vay 70.000 tỷ đồng để đảo nợ. Một lần nữa, nợ công lại được các đại biểu cho là vấn đề cấp bách cần phải quyết liệt giải quyết bằng cách giảm tỷ trọng vay ngắn hạn, thực thi chính sách tài khóa tiết kiệm.
Kiểm soát nợ công
Mặc dù Chính phủ khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng đây vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều đại biểu tham gia “hiến kế.”
Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Chính phủ cần phải đánh giá thực chất, bổ sung đầy đủ các số liệu về nợ công. Việc sử dụng nguồn vốn vay này vẫn tồn tại tình trạng thất thoát, lãng phí.
Báo cáo của Chính phủ nói là nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng sức ép trả nợ là rất lớn.
Từ thực tế đó, đại biểu này đề nghị đánh giá đúng tình hình nợ công, bổ sung các khoản nợ chưa được tính, cân nhắc kỹ quyết định về các dự án lớn, ví dụ như dự án sân bay Long Thành. Đặc biệt, vai trò kiểm toán nhà nước trong quản lý nợ công phải được tăng cường.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là dư luận xã hội mất niềm tin vào các khoản vay không quả, dàn trải, thất thoát. Vấn đề đặt ra là phải làm cho người dân tin các dự án được đấu thầu một cách minh bạch, hiệu quả chứ không phải tình trạng “chia” dự án.
Cùng đó, nói đến an toàn nợ công phải tính đến an toàn của đồng tiền. Bởi vậy cần tính con số nợ công một cách đầy đủ, minh bạch, thống nhất để có lộ trình trả nợ một cách chặt chẽ. Không thể có một đồng mà lại tiêu tới đồng rưỡi, đại biểu Trần Du Lịch phân tích.
Theo vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()