Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:21 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội: Thiếu thông tin quy hoạch gây 'sốt' đất ảo, đầu cơ
Thứ 2, 30/05/2022 | 17:14:38 [GMT +7] A A
Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện công khai thông tin quy hoạch đất đai, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng nên dẫn đến nhiễu loạn thông tin.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, các đại biểu cho rằng do thiếu thông tin quy hoạch nên dẫn đến tình trạng "sốt ảo" đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường và hiện vẫn còn tình trạng quy hoạch treo.
Nhiễu loạn thông tin gây "sốt" đất
Đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nêu một số vấn đề được tổng hợp từ công tác giám sát quy hoạch và kiến nghị của cử tri tại địa phương cho biết hiện nay trong công tác quy hoạch, bên cạnh việc áp dụng Luật Quy hoạch, còn phải tuân thủ các quy định của luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị.
"Tuy nhiên, giữa các luật này còn có các quy định chưa đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ cần rà soát để bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến công tác quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi," Đại biểu Thắng cho hay.
Ông Thắng kiến nghị cần có quy định đồng bộ các khái niệm về chức năng đất được quy hoạch giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và kế hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm đối với các tiêu chí sử dụng đất được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực có quy hoạch, ông Thắng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách phù hợp về nhà, về đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi hợp pháp của người dân, hạn chế điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ án quy hoạch.
Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững.
Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng cần có cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn đầu tư để đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện để quy hoạch sớm được thực thi, tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn và sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch các công trình công cộng nêu trên.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc công khai quy hoạch vẫn còn hạn chế. Việc công bố công khai thông tin thu hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng.
"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc," ông Hoàn nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn kiến nghị Quốc hội trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
Bức xúc quy hoạch treo
Qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động tiêu cực của các tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch từ khi luật có hiệu lực đến nay, nhất là vấn đề thu hút đầu tư.
Theo ông Thông, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến việc triển khai các thủ tục đầu tư.
Từ đó, ông Thông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp cho ủy ban nhân dân hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vấn đề trên sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu cũng chỉ ra việc người dân hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch treo và dự án treo, kiến nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) cũng nhận định thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao; thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn...
Thời gian tới ông đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, ông Dũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()