Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:45 (GMT +7)
Đại biểu tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch
Thứ 7, 31/05/2014 | 05:35:11 [GMT +7] A A
Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe, thảo luận, góp ý vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Báo Quảng Ninh giới thiệu ý kiến của một số đại biểu.
* ĐẠI BIỂU LÝ THỊ HOÀNG (TỔ BÌNH LIÊU): “Cần bổ sung, bố trí đất để hình thành và phát triển khu du lịch dịch vụ văn hoá - giải trí ở một số huyện, thị xã trong tỉnh”
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng khá chi tiết, có sự nghiên cứu, đối chiếu để so sánh tỉ mỉ với các dữ liệu trên địa bàn, qua đó đã phản ánh chi tiết bản đồ du lịch những năm qua và tầm nhìn đến năm 2030… Tôi đề nghị bổ sung vào bản quy hoạch nội dung về đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội tỉnh. Ví dụ như: Trong bản quy hoạch, tiêu đề đưa ra để đánh giá gồm hồ - rừng, nhưng trong nội dung chưa đánh giá được rừng. Hiện nay, ở một số địa phương như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên có diện tích rừng khá lớn, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch vì thế rất cần thiết đánh giá thêm nội dung này vào bản quy hoạch, làm cơ sở định hướng, mục tiêu phát triển cho những năm tiếp theo. Quy hoạch cần bổ sung, bố trí đất để hình thành và phát triển khu du lịch dịch vụ văn hoá - giải trí ở một số huyện, thị xã trong tỉnh; bố trí đất để mở rộng phát triển du lịch biên giới, thương mại tại các cửa khẩu ở Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà. Cùng với đó, tỉnh cần ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng và những điều kiện vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh.
* ĐẠI BIỂU PHẠM THỊ THU HÀ (TỔ HẠ LONG): “Xây dựng quy hoạch về du lịch liên kết chặt chẽ, đồng bộ với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có đánh giá khách quan và rõ ràng các điểm mạnh, thực trạng du lịch tỉnh. Đây là cơ sở vững chắc để có một quy hoạch hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực du lịch của tỉnh… Tuy nhiên, trong nội dung quy hoạch không cần thiết có nội dung “Xây dựng bảo tàng sinh thái khoa học tự nhiên năm 2015-2017”. Theo tôi, không nên xây dựng thêm bảo tàng mà chỉ nên bổ sung nội dung này vào khu trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh để tạo hiệu quả, tiết kiệm và tập trung. Cùng với đó, nội dung trong phần tăng cường cho hoạt động của Bảo tàng tỉnh cần bổ sung việc đầu tư các mô hình sáp, tượng để mô phỏng cuộc sống của người dân, tạo cảm hứng cho công chúng khám phá và hưởng thụ những thông tin từ tài liệu hiện vật được sử dụng trong trưng bày; cần xem xét lại việc thành lập thêm một cơ quan chuyên trách mang tên “Cơ quan tiếp thị điểm đến du lịch Quảng Ninh”. Trong phần phụ lục, hạng mục 14 “Có dịch vụ thực đơn thức ăn cho các nhà hàng” không cần thiết phải xây dựng thành một dự án đưa vào danh mục như vậy. Vì xét theo chuyên môn dịch thuật, tên các món ăn của tỉnh ta không khó để phiên dịch sang tiếng nước ngoài. Vì thế, tên món ăn của tỉnh nên lấy đích danh tên nguyên liệu, kèm theo cách chế biến như: Tôm hấp, mực nướng… Điều này, các nhà hàng có thể tự làm mà không cần phải lập chuẩn chung.
* ĐẠI BIỂU HOÀNG ĐÌNH TRỢI (TỔ ĐÔNG TRIỀU): “Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường”
Với quan điểm phát triển du lịch theo hướng đột phá chiến lược gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hoá… bản quy hoạch đã đưa ra các nhóm giải pháp về dự án bảo vệ môi trường như: Tăng cường quy định quản lý môi trường và công tác thực thi; tăng cường nguồn lực dành cho công tác quản lý chất thải… Việc này có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ môi trường du lịch xanh, bền vững. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng số lượng khách đến tham quan tại các điểm du lịch, tỉnh ta cũng phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào quy hoạch các nhóm giải pháp về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ, quản lý môi trường du lịch; nhóm giải pháp về quản lý tình hình an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm tại các khu du lịch và nhóm giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
* ĐẠI BIỂU MAI VŨ TUẤN (TỔ UÔNG BÍ): “Đề nghị bổ sung đề án truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ninh”
Tôi đề nghị, tại mục định hướng đầu tư, xây dựng đối với vùng du lịch Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên, bổ sung nội dung danh mục: Hoàn thành xây dựng một số tuyến đường hành hương vào khu di tích Yên Tử và di tích Ngoạ Vân. Bởi, để kết nối khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều với di tích danh thắng Yên Tử, Uông Bí và di tích Bạch Đằng, Quảng Yên theo đường 18B, tạo thành tour du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh; đồng thời phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông. Tại mục liên kết không gian du lịch trong nước, đề nghị bổ sung kết nối các tuyến, điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) với khu du lịch Tây Yên Tử (Bắc Giang) - Đông Triều - Uông Bí, Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn thành tour du lịch “Vang danh thời Trần”. Cùng với đó, về các giải pháp phát triển đề nghị bổ sung đề án truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ninh trong nhóm các giải pháp về tiếp thị, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Bởi theo quy hoạch chúng ta sẽ thành lập cơ quan tiếp thị điểm đến du lịch Quảng Ninh, triển khai các công cụ kỹ thuật số mới, phát triển các mối quan hệ hợp tác quan trọng, xây dựng khẩu hiệu về biểu tượng thì nhất thiết phải có dự án liên kết với các cơ quan thông tin đại chúng, chuyển tải các thông điệp của du lịch Quảng Ninh đến khách trong nước và quốc tế.
Nguyễn Huế (ghi)
Liên kết website
Ý kiến ()