Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:54 (GMT +7)
Đại biểu Thích Thanh Quyết tham gia nhiều nội dung Dự thảo Luật Thủ đô
Thứ 6, 09/11/2012 | 00:38:48 [GMT +7] A A
Sáng ngày 5-11, Quốc hội thảo luận đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô. Đây là Luật được thông qua sẽ giải quyết các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của toàn thể nhân dân, đặc biệt nhân dân Hà Nội về các vấn đề như: sự phát triển kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng, dân cư, môi trường đô thị... Đại biểu Thích Thanh Quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu đóng góp nhiều nội dung của Dự thảo Luật này.
Trước hết, ĐB Thích Thanh Quyết nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nếu chỉ tính từ thời Âu Lạc với Cổ Loa thành của An Dương Vương thì đã có khoảng 2.400 năm tuổi. Mỗi địa danh của Hà Nội đều gắn với lịch sử văn hóa dân tộc (với Tứ quý, tứ linh, tứ trấn, tứ bất tử) đã làm cho Thăng Long-Hà Nội linh thiêng, huyền thoại hơn mọi thủ đô khác, thể hiện độ dày của tầng văn hóa và tinh thần bất diệt của dân tộc. Từ năm 1945, sau khi thành lập nước, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó đến nay, Hà Nội luôn là trung tâm hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của quốc gia. Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô (năm 2000), Hà Nội đã đạt được những thành quả rất quan trọng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ nhiều bất cập từ góc độ pháp lý cũng như thực tiễn. Trước hết, về pháp lý thì nhiều quy định trong Pháp lệnh Thủ đô không thực hiện được bởi các quy định trong các đạo luật khác. Ví dụ Điều 16 Pháp lệnh Thủ đô quy định: HĐND, UBND thành phố được phép ban hành một số quy định về quản lý dân cư, các biện pháp nhập cư tự phát. Nhưng điều 20 của Luật Cư trú đã mở rộng quyền tự do cư trú, mở rộng quyền đăng kí thường trú vào Hà Nội, vượt ngoài thẩm quyền mà Pháp lệnh Thủ đô quy định. Còn về thực tiễn thì năm 2008, Quốc hội khóa XII quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, đây là quyết định có tầm nhìn xa, chiến lược cho Thủ đô. Đi kèm với nó lại phát sinh một số vấn đề mới, cần có biện pháp khắc phục cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể là: Tốc độ đô thị hóa rất nhanh, vượt xa khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội; tình trạng tăng dân số tự phát, ô nhiễm môi trường xã hội, ùn tắc giao thông, vi phạm luật pháp diễn biến phức tạp... cần phải áp dụng một số biện pháp hành chính cần thiết, nhưng Pháp lệnh Thủ đô lại chưa quy định cụ thể, thiếu tính khả thi để giải quyết những vấn đề trên.Vì những lý do đó, Thủ đô phải có luật riêng để quản lý, điều hành, xây dựng và phát triển.
ĐB Thích Thanh Quyết đã cho rằng công tác quy hoạch xây dựng phải vừa đảm bảo cho nhu cầu phát triển của Hà Nội, vừa đảm bảo cho nhu cầu của các cơ quan Trung ương, đại diện ngoại giao. Về công tác quản lý dân cư, ĐB Thích Thanh Quyết đánh giá: Qua 5 năm thực hiện Luật Cư trú, dân số nội thành tăng rất nhanh, gây sức ép lớn về quản lý cư trú, giao thông đô thị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... dẫn đến chất lượng dân cư chưa ngang tầm với vị trí Thủ đô. Nhất là hiện nay, giao thông đô thị chưa đồng bộ, đất sử dụng vào giao thông còn ít, kết cấu hạ tầng còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng, phân bổ chưa hợp lý, tình trạng vi phạm luật giao thông còn phức tạp. Vừa qua, thành phố đã xây dựng một số cầu vượt thông minh, nhanh gọn, rẻ tiền và giải quyết ùn tắc tại một số nút giao thông trong giờ cao điểm là điều cần thiết. Còn về lâu dài, Thủ đô vẫn phải thực hiện theo Điều 18 của Dự thảo Luật Thủ đô mới giải quyết toàn diện, mang tầm một thủ đô văn hiến, hiện đại, phát triển.
Đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, ĐB Thích Thanh Quyết đã bày tỏ sự đồng tình với Điều 18, khoản 3, điểm B của phương án 1. Đó là cho phép HĐND, UBND thành phố được quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn (không quá 2 lần so với mức phạt chung) trong 6 lĩnh vực là giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, văn hóa xã hội, đất đai, xây dựng. Bởi như vậy sẽ mang tính răn đe, góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật, giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng của Thủ đô, phù hợp với nguyên tắc xây dựng Luật.
Còn vấn đề biểu tượng của Thủ đô, ĐB Thích Thanh Quyết cũng tán thành với Điều 6 của Dự thảo Luật là lấy Khuê Văn Các trong Văn Miếu Quốc Tử Giám làm biểu tượng. Vì Khuê Văn Các được xây dựng trong một môi trường trí tuệ, với gần nghìn năm tuổi, thể hiện đậm chất văn hóa của Hà Nội và đất nước.
Xuân Ninh-Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()